Sau hơn 20 năm thực hiện chương trình, người dân tại các bản làng, vùng sâu vùng xa và hải đảo, biên giới đã được chăm sóc sức khỏe, đồng thời thắt chặt tình quân dân.
Tận dụng nguồn lực tại chỗ
Theo ông Lường Văn Kiên – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên (Lai Châu cũ), từ năm 1990 đến nay, quân dân y đã làm tốt dự án phòng chống sốt rét của tỉnh, triển khai phòng chống sốt rét cho đồng bào các dân tộc và kiểm soát dịch bệnh tại vùng cao, xa xôi hẻo lánh.
Từ năm 2009-2011, theo đề nghị của Sở Y tế và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND tỉnh quyết định thành lập 4 trạm y tế kết hợp quân dân y tại các khu vực biên giới do quân y Bộ đội Biên phòng phụ trách, bao gồm Trạm Y tế quân dân y A Pa Chải (xã Sín Thầu), Vàng Đán (xã Nà Bủng), Nậm Chua (xã Nà Hỳ) thuộc huyện Mường Nhé và Trạm Co Đứa (xã Mường Lói, huyện Điện Biên).
Người dân ở đây đã được cán bộ y tế các đồn biên phòng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Ngoài ra, tại các vùng núi xa, y tế địa phương với sự giúp đỡ của các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đến khám bệnh thường kỳ mỗi năm. Nhờ sự phối hợp quân dân y, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được tổ chức ở huyện Mường Tè (cũ) và huyện Mường Nhé của tỉnh Điện Biên hiện tại.
|
Bác sĩ quân y khám bệnh cho bà con dân tộc tỉnh Điện Biên. |
“Hiện tỉnh có 25 xã biên giới thuộc 3 huyện, đời sống người dân và điều kiện chăm sóc sức khỏe còn rất hạn chế. Tuy nhiên, cán bộ y tế tại các điểm xã còn hạn chế, việc đi lại khó khăn. Vì thế, sự phối hợp giữa quân dân y sẽ huy động được lực lượng y tế sẵn có của bộ đội biên phòng. Hoạt động quân dân y kết hợp đã trở thành điểm sáng về phát huy nội lực: Thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ và xã hội hóa công tác y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng biên giới” - ông Kiên cho biết.
Tại tỉnh Bắc Kạn, riêng trong năm 2012, Ban Quân dân y đã tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí tại xã Yên Cư, Bình Văn của huyện Chợ Mới cho hơn 400 đối tượng thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già và trẻ em. Ngoài ra, bà con ở các vùng biên giới còn thường xuyên được chăm sóc, tư vấn sức khỏe nhờ các bác sĩ áo xanh. Sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ quân y với đội ngũ cán bộ y sĩ của trạm y tế đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh và khám chữa bệnh, hạn chế được nhiều dịch bệnh như sốt rét, tiêu chảy, cảm cúm.
Xây dựng y tế quốc phòng vững mạnh
Từ năm 1990, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã phối hợp thực hiện chương trình “Kết hợp quân dân y xây dựng quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khỏe nhân dân”. Mục tiêu chương trình nhằm phối hợp chặt chẽ để xây dựng tổ chức y tế phục vụ cấp cứu ở chiến trường, ở từng địa bàn chiến lược và trong từng khu vực phòng thủ, thường xuyên thực tập kiểm tra chặt chẽ sự phối hợp giữa quân y và dân y theo yêu cầu sẵn sàng phục vụ trong mọi tình huống. Khi trong vùng đóng quân bị thiên tai, dịch bệnh... các đơn vị quân y và y tế địa phương phối hợp kịp thời cứu chữa cho nhân dân, bao vây dập tắt dịch.
Nhờ thành công của chương trình, đến năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Dự án kết hợp quân - dân y bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bộ đội và góp phần củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là mục tiêu y tế quốc gia.
Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã có định hướng hoạt động quân dân y giai đoạn 2012-2015. Theo đó, chương trình tiếp tục xây dựng lực lượng dự bị động viên ngành y tế đảm bảo sẵn sàng động viên và nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy quân y trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố cho các đơn vị y tế thuộc dự án quân dân y kết hợp.
Thông qua đầu tư của Chính phủ, của liên Bộ Y tế - Quốc phòng, nhiều mô hình kết hợp quân dân y đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, điển hình là mô hình hơn 200 trạm y tế kết hợp quân dân y dọc tuyến biên giới, các trung tâm y tế kết hợp quân dân y trên các hải đảo (Cô Tô, Cù Lao Chàm, Côn Đảo, Phú Quốc…), bệnh viện quân - dân y các tuyến từ T.Ư (Viện Bỏng Quốc gia), tuyến quân khu (Bệnh viện Quân dân miền Đông), đến tuyến tỉnh (Đồng Tháp, Trà Vinh, Cà Mau...), nhiều đồng chí quân y đã được đồng bào các dân tộc yêu quý như con em của buôn làng.
Theo PGS-TS Trần Chí Liêm (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế) chương trình quân dân y đã hoạt động có hiệu quả trên mọi lĩnh vực phòng bệnh, khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng thế trận y tế bảo đảm khu vực phòng thủ, tiềm lực y tế trong thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc.
Tuấn Kiệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.