Lo tổ chức kinh tế biến đất công thành... "đất ông", HoREA kiến nghị gấp điều này
Lo tổ chức kinh tế biến đất công thành... "đất ông", HoREA kiến nghị gấp điều này
Quốc Hải
Thứ hai, ngày 27/02/2023 10:47 AM (GMT+7)
Theo HoREA, việc cho phép “tổ chức kinh tế được nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm được quyền chuyển mục đích sử dụng đất" tại điểm a khoản 1 Điều 36 và khoản 6 Điều 27 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có thể dẫn đến làm thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công.
Kẽ hở để tổ chức kinh tế biến đất công thành... "đất ông"
Góp ý một số điều của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tỏ ra quan ngại về khả năng biến đất công thành... "đất ông" khi một số quy định của dự thảo còn chưa thật chặt chẽ.
Cụ thể, theo HoREA, điểm a khoản 1 Điều 36 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và khoản 6 Điều 27 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy định cho phép "tổ chức kinh tế được nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm được quyền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của luật này và pháp luật về đầu tư".
Ngoài ra, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 40 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), việc công nhận "chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại" đối với trường hợp nhà đầu tư có "đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp được nhà nước giao hoặc cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền một lần và được chuyển mục đích sang làm nhà ở".
Theo Chủ tịch HoREA, nếu các quy định trên là đối với trường hợp "đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp" có nguồn gốc do người sử dụng đất tự bỏ tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, rồi sau đó phải thuê lại với Nhà nước theo phương thức "trả tiền thuê đất hàng năm", hoặc "trả tiền một lần" để làm cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ hoặc nhà xưởng sản xuất là hợp tình hợp lý.
Tuy nhiên, trường hợp "đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp" không phải do tổ chức kinh tế tự đền bù, giải phóng mặt bằng mà có nguồn gốc "đất công" được nhà nước cho tổ chức kinh tế thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm là không ổn.
"Nếu rơi vào trường hợp đất công, các tổ chức kinh tế lại được chuyển mục đích sử dụng đất, được công nhận "chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại" mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất thì có thể dẫn đến làm thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công", ông Châu nhận định.
Hơn nữa, Khoản 6 Điều 27 và điểm a khoản 1 Điều 36 cũng không thống nhất với khoản 1 Điều 126 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định "các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất", trong đó quy định "đấu giá quyền sử dụng đất" đối với dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Vì vậy, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 27 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về "quyền chung của người sử dụng đất", như sau: "6. Được quyền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của luật này và pháp luật về đầu tư, trừ trường hợp người sử dụng đất là tổ chức kinh tế được nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm mà đất này có nguồn gốc đất công".
HoREA cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 40 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định công nhận "chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại" đối với trường hợp nhà đầu tư có: Đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp được Nhà nước giao hoặc cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền một lần và được chuyển mục đích sang làm nhà ở.
Trường hợp đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm chỉ áp dụng đối với đất có nguồn gốc do người sử dụng đất đền bù, giải phóng mặt bằng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.