Ngày 20.8, tại Diễn đàn Phát triển Dân tộc thiểu số 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh - Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc tiểu số” diễn ra tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tham dự có Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cùng các lãnh đạo Bộ, ban ngành Trung ương, đặc biệt hàng trăm nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong và quốc tế tham dự.
Sâm Ngọc Linh thuộc loại quý hiếm nhất được trưng bày tại Diễn đàn Phát triển Dân tộc thiểu số 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh - Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc tiểu số”.
Điều đáng chú ý tại diễn đàn Phát triển Dân tộc thiểu số 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh - Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc tiểu số” là có rất nhiều mặt hàng sâm Ngọc Linh ví như cây đẻ “trứng vàng” được trưng bày tại diễn đàn.
Hai bình sâm Ngọc Linh có giá 500 triệu đồng tương đương hơn 15 cây vàng được bày bán tại Diễn đàn.
Hai bình rượu sâm Ngọc Linh có giá trị rất cao, hàng chục cây vàng, vì mỗi bình sâm Ngọc Linh với 48 lít rượu kèm hàng kg sâm Ngọc Linh có giá mỗi bình tầm 250 triệu đồng.
Một trong hai bình sâm Ngọc Linh khủng với 48 lít rượu kèm hàng kg sâm quý
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ: “Hiện tại Nam Trà My có khoảng 1.200ha sâm Ngọc Linh, trong số đó có 95% là của người dân trồng. Mặc dù, giá trị kinh tế mà cây sâm mang lại khá cao, giá sâm tươi từ 70 - 100 triệu đồng/kg, 1ha sâm Ngọc Linh sau 5 năm sẽ thu nhập khoảng 70 - 75 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh vẫn ở quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh đặc hữu của vùng, số hộ trồng sâm còn ít, các doanh nghiệp cũng chưa thực sự “mặn mà” với dự án phát triển cây sâm quý”.
Mỗi bình rượu sâm có đến 48 lít rượu để ngâm hàng kg sâm Ngọc Linh quý hiếm
Ông Bửu nói thêm: Đến nay, toàn huyện có 7 xã trên địa bàn trồng sâm, số hộ trồng sâm tăng lên đến trên 1200 hộ, đăng ký trên 1500ha dịch vụ môi trường rừng trồng sâm. Tốc độ phát triển trong dân gần 900%, phong trào trồng sâm Ngọc Linh trong nhân dân trên địa bàn huyện Nam Trà My tiếp tục được tăng lên và diễn ra rất mạnh mẽ.
Nhiều loại rượu từ sâm Ngọc Linh được trưng bày tại Diễn đàn
“Người dân đã nhận thức được thay đổi rõ rệt, biết giữ rừng để trồng sâm Ngọc Linh, từng hộ dân đã biết tận dụng diện tích đất dưới tán rừng rừng, biết cách sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư trồng sâm, có hộ vay đến hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng sâm. Hiện, trên địa bàn huyện đã có 6 doanh nghiệp và một tập đoàn đăng ký trồng sâm với tổng diện tích đăng ký gần 300ha. Bên cạnh đó, huyện cũng đang lo là làm sao bảo tồn nguồn gen gốc. Và bảo vệ có khoa học kỹ thuật chứ không thể bảo vệ theo cách dân gian…” - ông Bửu chia sẻ.
Ngoài các loại sâm quý, còn có sâm Ngọc Linh con cũng được trưng bày giới thiệu tại Diễn đàn
Được biết, để phát triển cây sâm Ngọc Linh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2017, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 cho cây sâm Ngọc Linh (sâm Ngọc Linh ở đỉnh Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum). Tháng 9.2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000ha, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách khoảng 1.500 tỷ, còn lại huy động vốn xã hội hóa.
Theo tài liệu cung cấp, sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis Haet Grushv. thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh.
Có thể nói rằng cả Thế giới chỉ có nước Việt Nam, cả nước chỉ có 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 5 huyện, với 16 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là có sâm Ngọc Linh. Đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m được xem như nóc nhà của Tây Nguyên, có rừng nguyên sinh cùng với sự phong phú của hệ động, thực vật với các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh.
Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất Thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư,... Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường,...
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.