Ly kỳ chuyện săn loài "chuột quý tộc" chuyên đi "ăn trộm" sâm Ngọc Linh

Chủ nhật, ngày 20/05/2018 08:05 AM (GMT+7)
Ngoài bọn trộm cắp, kẻ thù lớn nhất của sâm Ngọc Linh chính là những chú “chuột quý tộc”. Thịt loài "chuột quý tộc" chuyên đi "ăn trộm" sâm này là 1 đặc sản hiếm có bổ dưỡng. Thêm vào đó, mỗi đuôi chuột sâm còn được bán với giá...100.000 đồng....
Bình luận 0

Đến mùa sâm Ngọc Linh trổ hoa, đậu quả dưới tán rừng, hấp thụ được tinh khí, dưỡng chất của đất, những chú chuột tinh khôn này lại đến thưởng thức. Để phòng ngừa trộm và “chuột quý tộc” vào vườn sâm, người dân nơi đây đã bày “thiên la địa võng”.

Loài chuột chỉ thích ăn sâm quý

Sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) được người dân trồng bí mật trong trong rừng sâu, dưới những tán rừng cổ thụ. Để vào được vùng trồng sâm không phải dễ, và không phải ai muốn vào cũng được. Ngoài rừng sâu, nước độc, còn có muôn vàn hiểm nguy rập rình từ các loại chông và bẫy giăng mắc khắp nơi, đề phòng kẻ gian, chỉ cần sơ sẩy là tính mạng khó bảo toàn.

img

Anh A Nhoai trồng Hồng Đẳng sâm trên núi Ngọc Linh

Trong cái lạnh buốt giá về đêm của dãy núi Ngọc Linh có độ cao 2.600m so với mực nước biển, vốn được xem như nóc nhà của miền Nam, chúng tôi theo chân một nhóm thanh niên ở xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) vào vùng trồng sâm. Nhiệm vụ của nhóm thanh niên lần này là vừa đi tuần tra bảo vệ vườn sâm Ngọc Linh, vừa đi săn những chú “chuột quý tộc” – người đồng bào Xê Đăng gọi về loại chuột chuyên ăn sâm.

img

Vườn sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng cổ thụ

Sau khi “cuốc bộ” hơn nữa chặng đường, mọi người đã dần thấm mệt. Lúc này, ngước nhìn lên, ánh trắng đang treo lơ lửng trên những ngọn cây cổ thụ, nhìn sang bên vực sâu hun hút. Sau hơn 1 tiếng băng rừng, vườn sâm đầu tiên hiện ra trước mắt. Lưới B40 được quây kín, lối vào án ngữ 1 chốt canh được làm bằng tôn có người gác, xa xa, xuất hiện ánh đèn le lói trên mấy cái chòi anh.

img

Việc bảo vệ các loài sâm trên núi Ngọc Linh rất nghiêm ngặt

A Nhoai (thành viên trong nhóm) căn dặn mọi người phải đi sát phía sau anh, không được tự ý tách ra khỏi đoàn. “Nguy hiểm nhất của người đi rừng nói chung và đi săn ở vùng núi Ngọc Linh này là bẫy chông. Tất cả các vườn sâm ở đây đều được đào hào, chôn chông, đặt bẫy phía dưới rất khó phát hiện, chỉ cần sảy chân vào hố là khó bảo toàn tính mạng. Mới đây, có mấy người nơi khác đến đi săn thú đã bị sập bẫy chông may mà chỉ bị thương”, A Nhoai nhắc nhở.

img

Từ phía dưới núi đã có cổng ngăn không cho người lên trên vườn sâm

Vừa nói xong, A Nhoai nhìn thấy chú “chuột quý tộc” liền lia đèn phin về phía đó. Chú chuột nhỏ có thân hình như con sóc đang đu trên cây sâm, để ăn hạt. A Nhoai khẽ tạo ra tiếng động, chú chuột nhanh chân bò ra khỏi luống sâm. Nhanh như cắt, A Nhoai cầm gậy đánh một phát, chú chuột nằm lăn ra giữa đất. Chiến lợi phẩm đầu tiên đã được thu về. Chú “chuột quý tộc” vừa bị bắt có lông vàng, đôi chân phía trước rất rắn rỏi.

Tiếp tục đi sâu vào rừng, mọi người bỗng nghe thấy tiếng động rào rào dưới đất. Nhìn theo ánh đèn pin lấp lánh, chúng tôi thấy một con chuột lớn đang di chuyển. Khác hẳn với con chuột trước đó, chú này lông màu đen, người to gần bằng bắp tay.

img

Chỉ có những chủ vườn và người làm mới được vào vườn sâm

Chỉ trong tích tắc, một thanh niên trong nhóm lấy chiếc nỏ giơ lên, ngắm nghía một lúc rồi bắn. Chú chuột chưa kịp chạy đã dính tên, nằm lăn đùng dưới gốc cây sâm. Cảnh săn chuột chỉ diễn ra trong chớp nhoáng. Trời về khuya, thay vì đi săn, nhóm của A Nhoai đi một vòng xung quanh vườn sâm để kiểm tra, tiện thể xem chú chuột nào dính bẫy. Sau gần hơn 3 tiếng đồng hồ, cả nhóm thu được 16 con “chuột quý tộc”.

Ngồi dừng chân nghỉ tại lán canh sâm, anh A Nhoai trò chuyện: “Ngoài kiểu đánh bắt thủ công dùng gậy đánh, người dân nơi đây còn dùng bẫy. Như tại vườn sâm này dùng bẫy đá và bẫy kẹp để bắt chuột. Bẫy đá mình phải bỏ mồi, trái cây hoặc bắp, chuột vào ăn sẽ khiến hòn đá sập xuống. Còn bẫy kẹp là mình đặt vào các lối mòn chuột hay đi, khi đi qua, bẫy sập xuống là chết.

img

Chiến lợi phẩm “chuột quý tộc”

Tuy nhiên, loại chuột này rất tinh khôn, nhiều con bị mắc bẫy, những con khác nhìn thấy chúng sẽ biết nơi có nguy hiểm lần sau né tránh không đến. Do vậy, ngoài việc đặt bẫy, nhiều thanh niên địa phương chế tạo súng bắn chuột, cung tên, nỏ để săn loài chuột này”.

Khi chúng tôi thắc mắc vì sao không đi săn chuột vào ban ngày? Anh A Nhoai giải thích: “Loài chuột ăn sâm thường sống ẩn nấp trên cây cổ thụ rất khó phát hiện, buổi tối là thời điểm chuột đi kiếm ăn, cho nên người dân muốn bắt chỉ có vào rừng trong đêm. Còn ban ngày chỉ đi đặt bẫy và thu chiến lợi phẩm. Chuột có thể bắt quanh năm. Tuy nhiên, không phải lúc nào đi săn cũng mang được chuột về, có những đêm thanh niên trai làng đi đến sáng mà không bắt được con nào”.

Dạo quanh một vòng vườn sâm, cây nào cũng được được chủ vườn dùng bao bóng trùm lại phía trên ngọn để đối phó với chuột. Tuy nhiên, xem ra cách này vẫn không ngăn được các chú chuột thèm sâm, nhiều bao trùm đã bị chuột cắn nát. Có cây sau khi bị chọc thủng lớp bảo vệ, hạt đã bị các chú “chuột quý tộc” xơi gần hết. Theo tính toán của người dân, hiện 1 lon hạt sâm Ngọc Linh lên đến khoảng 50 chục triệu đồng. Mỗi con chuột có thể 1 đêm phá đến 5 triệu tiền hạt.

img

Những chú “chuột quý tộc” được bắt tại vườn sâm chế biến thành món khoái khẩu

Một thành viên trong đoàn khác là A Trung chia sẻ: “Chuột là kẻ thù lớn nhất của người trồng sâm. Đến mùa đơm hạt, chuột đu lên cây sâm rồi ngồi gặm nhấm. Hiện muốn có giống sâm Ngọc Linh chỉ có cách ươm từ hạt. Nhiều người có tiền muốn trồng sâm mà không có giống vì hạt rất hạn chế. Hạt sâm Ngọc Linh quý hiếm là vậy, người không có dùng mà lũ chuột này “xơi” một lúc cả trăm hạt”.

Lúc này đã nửa đêm, sương muối giăng khắp khu rừng, nhóm thanh niên được chia về các chòi để làm nhiệm vụ canh vườn sâm, chuyến săn chuột kết thúc. Mọi người hẹn nhau, chiều mai tụ tập để “xử” chiến lợi phẩm vừa thu được.

Có tiền cũng khó thưởng thức món “chuột quý tộc”

Như đã hẹn, nhóm thanh niên trai làng và chúng tôi tụ tập về nhà chị Y Hlạng để thưởng thức món “chuột quý tộc” thu được lúc tối. Thịt chuột được hun khói, sau đó làm sạch. Các đuôi chuột được cắt riêng ra, phơi trên giàn bếp cho khô để sau này báo công, nhận tiền bồi dưỡng. “Để hạn chế chuột phá sâm, khuyến khích người dân đi bắt, Công ty sâm Ngọc Linh thu mua mỗi đuôi chuột với giá 10.000 đồng. Đúng là “chuột quý tộc” có khác, vừa có món nhậu khoái khẩu, vừa có tiền tiêu”, A Trung vui vẻ nói.

Sau khi mất nhiều thời gian cho việc làm thịt và chế biến, món “chuột quý tộc” được bày ra giữa căn nhà sàn. Thấy đĩa chuột chiên giòn thơm lừng mùi sả, tiêu, rừng, khiến chúng tôi không thể cưỡng được. Nhai con chuột thịt béo ngậy. Nhai xong thấy vị ngọt, thơm mát của sâm. Thứ linh khí trời đất ở chốn núi rừng ngấm con chuột chuột, đọng lại trong từng thớ thịt, tạo ra một món ăn tuyệt vời.

img

Trẻ em bắt chuột ở phía dưới chân núi

Vừa nhâm nhi rượu cần vừa ăn món thịt chuột khoái khẩu, chị Y Hlạng chủ nhà cho biết: “Chuột sống ở trên cây cổ thụ, môi trường rất sạch, lại ăn toàn sâm quý nên thịt rất thơm và bổ dưỡng. Đây là món khoái khẩu từ lâu đời của đồng bào Xê Đăng. Khách nào quý lắm, chủ nhà mới tiếp bằng món chuột hong khô trên gác bếp. Do là chuột quý nên người dân không bán, bắt được về họ làm thịt rồi hong trên gác bếp để dành, những dịp đặc biệt mới đem ra dùng”.

Hiện nay, cách diệt chuột của người dân địa phương hoàn toàn bằng thủ công, không có hiện tượng dùng thuốc để bẫy. Theo người dân, dùng thuốc sẽ gây hại đến núi rừng. Người dân chấp nhận thức trắng đêm, chia nhau canh giữ, lùng sục loài chuột tinh khôn này để bảo vệ vườn sâm.

Chí Dũng (Báo Công an TP.HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem