Loa phường nghe đơn giản thế thôi, nhưng theo tôi đó là vấn đề xã hội không nhỏ. Và như vậy có những ý kiến trái chiều về việc bỏ hay không bỏ loa phường cũng là điều tất nhiên.
Vào những năm 80 trở về trước, đất nước còn khó khăn, ở vùng ngoại ô, thậm chí ngay cả dân nội thành, mấy ai có radio, có tivi, có tiền mua báo… thì loa phường là phương tiện thông tin văn hóa duy nhất, để chuyển tải chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, chuyển tải tin tức thời sự đến người dân. Cũng nhờ loa phường mà người dân được nghe những lời ca tiếng hát, biết được tin tức ở chiến trường…
(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)
Vào những năm chống Mỹ, thế hệ chúng tôi chẳng ai quên được giọng nói mạch lạc, dứt khoát của phát thanh viên: “Đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội …km về phía…đồng bào khẩn trương vào hầm trú ẩn; các lực lượng sẵn sàng chiến đấu”. Có thể nói, loa phường có rất nhiều kỷ niệm với người dân thủ đô.
Tôi đọc, thấy không ít ý kiến cho rằng: Hiện nay phương tiện thông tin rất đa dạng, đài, tivi, internet. Người dân có nhiều lựa chọn khác nhau để tiếp cận thông tin phù hợp với mình. Gia đình nào bên cạnh cột loa thì cũng khổ, có khi 5 giờ sáng đã oang oang, mất giấc ngủ; nhất là trong nhà có người già, trẻ, nhỏ, người ốm mà cái loa ầm ầm bên tai thì cực vô cùng. Trong nội thành, đường phố lúc nào cũng ầm ầm, loa phường phát thì ai bỏ vào tai; bởi vậy có ý kiến cho rằng nếu xã, phường cần triển khai công việc gì của địa phương thì đã có Tổ trưởng tổ dân phố thông báo đến từng hộ gia đình… vì vậy nên bỏ loa phường. Tôi thấy ý kiến này là xác đáng.
Tuy nhiên, theo tôi chúng ta cần phải nhìn nhận câu chuyện này thấu đáo hơn để có một quyết định khách quan, chính xác. Tôi sinh ra, lớn lên ở Hà Nội nhưng có cái may mắn là thường xuyên đi công tác, làm việc với bà con ở các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội. Vả lại nơi tôi ở hiện nay trước đây cũng toàn nông dân.
Tôi có cảm nhận loa truyền thanh xã dường như là một nhu cầu văn hóa đối với người dân nông thôn. Sáng ra, gần 5 giờ nghe thấy tiếng nhạc hiệu phát ra từ loa truyền thanh, người nhà gọi nhau “đài nói rồi, dậy đi”.
Khi đài thông báo: “Hiện nay rầy nâu đang phát triển ở…; hoặc theo thông báo của Trạm thủy nông về kế hoạch lấy nước… đề nghị bà con…” thì mọi người nhắc nhau mua thuốc BVTV; khơi bờ vùng bờ thửa để lấy nước…; hoặc khi loa phát: “8 giờ sáng ngày… Ban Thương binh- xã hôi sẽ phát lương hưu tại…” thì mấy cụ lại hẹn hò nhau tập trung đi cho vui; hoặc khi loa thông báo: “Theo kế hoạch thì ngày mai sẽ cắt điện …” thì các gia đình lại bảo nhau khẩn trương làm việc vì ngày mai mất điện… thậm chí đài truyền thanh xã còn thông báo tin buồn khi ai đó là công dân trong xã từ trần, việc này không những làm cho gia quyến họ cũng cảm thấy ấm lòng, mà người dân còn biết để đi phúng viếng.
(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)
Ở nông thôn, vùng ngoại thành Hà Nội có phải có phải náo nhiệt như trong phố đâu, bởi vậy, loa truyền thanh của xã còn làm cho xóm làng thêm sôi động. Lấy nhạc hiệu của đài truyền thanh xã làm quy định, cứ nhạc hiệu cất lên thì các cụ lại gọi nhau í ới ra sân Nhà Văn hóa tập dưỡng sinh. Xóm làng như bừng tỉnh vui quá còn gì. Vậy thì loa phường có ích lắm chứ. Phủ định sạch trơn là không được rồi.
Ý kiến rằng bây giờ công nghệ hiện đại, nhiều thông tin có thể được chuyển tải bằng internet hoặc thông qua Tổ trưởng tổ dân phố tôi cho là hay, nhưng chưa thực sự thấu đáo. Nó chỉ phù hợp khi đất nước ta đã phát triển ở trình độ cao hơn, dân trí cao hơn. Có phải gia đình nào cũng có máy vi tính, có Internet đâu. Và có phải ai cũng có trình độ để khai thác thông tin trên mạng đâu. Còn Tổ trưởng dân phố thì làm sao đến từng nhà để phổ biến được.
Còn về việc có nên bỏ loa phường hay không tôi cho là không phải chỗ nào cũng để và cũng không phải chỗ nào cũng bỏ. Ví như trong khu trung tâm, nội thành, suốt ngày ồn ã như vậy loa phường nói ai nghe, lại còn tăng thêm tiếng ồn. Để loa ở đó chẳng đem lại hiệu quả gì mà còn tốn tiền điện, tiền đầu tư, tiền lương cho phát thanh viên. Như thế thì nên bỏ.
Nhưng ở các phường xa trung tâm, các khu vực dân cư nông thôn thì phải xem xét lại; nếu chỗ nào ảnh hưởng đến dân thì phải quy hoạch lại hệ thống loa, bố trí giờ phát cho phù hợp, nội dung chương trình nào không phù hợp thì bỏ…
Nói tóm lại bỏ hay không bỏ loa phải được khảo sát, đánh giá trên cơ sở khoa học và thực tiễn, sau đó lấy ý kiến của nhân dân. Hơn nữa việc này còn liên quan đến quy định của pháp luật.
Cụ thể, loa phường hoạt động theo “Quy chế hoạt động thông tin cơ sở” ban hành kèm theo Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2017.Trong đó quy định chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động, nội dung thông tin; hoạt động phát thanh, truyền thanh của Đài Truyền thanh cấp xã. Những vấn đề này được quy định rất rõ tại Mục 1, Chương II của Quy chế nêu trên.
Theo đó, Điều 6 và Điều 7 quy định:“ Điều 6. Hoạt động phát thanh của Đài Truyền thanh cấp xã
1. Sản xuất các chương trình phát thanh bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc để phát sóng trên hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh của Đài Truyền thanh cấp xã.
2. Phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình, Đài Truyền thanh cấp huyện sản xuất các chương trình phát thanh để phát sóng trên hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh của Đài Truyền thanh - Truyền hình, Đài Truyền thanh cấp huyện.
3. Nội dung các chương trình phát thanh của Đài Truyền thanh cấp xã tập trung thông tin về hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp xã; cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu đối với đời sống hằng ngày của người dân địa phương phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến người dân ở địa phương; những quy định của chính quyền xã và hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương, cơ sở.
4. Việc sản xuất và phát sóng các chương trình phát thanh của Đài Truyền thanh cấp xã thực hiện theo các quy định của pháp luật về nội dung thông tin và không vi phạm các quy định của pháp luật về truyền dẫn, phát sóng phát thanh.
(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)
Điều 7. Hoạt động truyền thanh của Đài Truyền thanh cấp xã
1. Tùy theo điều kiện thực tế, Đài Truyền thanh cấp xã thực hiện việc tiếp sóng, phát lại chương trình thời sự và các chương trình phát thanh khác của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh, Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình, Đài Truyền thanh cấp huyện để phục vụ nhu cầu thông tin thiết yếu của nhân dân địa phương trên hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh của Đài Truyền thanh cấp xã.
2. Phát sóng các chương trình phát thanh phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trên hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh của Đài Truyền thanh cấp xã.
3. Quản lý, vận hành hệ thống thiết bị kỹ thuật chuyên ngành để thực hiện việc tiếp sóng, phát lại các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh, Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình, Đài Truyền thanh cấp huyện phù hợp với Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020.”
Ngoài quy định về hoạt động của Đài Truyền thanh cấp xã trong Quy chế nêu trên, còn quy định khác liên quan đến, tổ chức bộ máy của Đài Truyền thanh cấp xã. Bởi vậy phải cân nhắc điều kiện thực tế về văn hóa xã hội của địa phương để đảm bảo nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương như nội dung văn bản nêu trên.
Đồng thời phải thực hiện đúng quy trình theo quy định của pháp luật chứ không thể thích là bỏ được. Bởi vậy khi bỏ loa phường thì phải bãi bỏ một số quy định ở những văn bản nêu trên chứ không thể thích là bỏ được.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.