Loại bèo từng được người Việt đưa lên vũ trụ, nay có thể ứng dụng sản xuất nông nghiệp giảm phát thải, làm dược phẩm

Bình Minh Thứ sáu, ngày 09/08/2024 06:06 AM (GMT+7)
Bèo hoa dâu có thể làm phân bón cho lúa, thức ăn cho ốc nhồi đen; canh tác lúa hữu cơ (nếp Tài) kết hợp nuôi cá chép và bèo hoa dâu gắn với du lịch cộng đồng… Đặc biệt, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan đã tinh chế làm dược phẩm.
Bình luận 0

Những đặc tính kỳ diệu này được các nhà khoa học, chuyên gia thông tin tại Hội thảo: "Bèo hoa dâu: Tiềm năng và thách thức trong sản xuất nông nghiệp bền vững", sáng 8/8. Hội thảo do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chủ trì.

Bèo hoa dâu làm phân bón, giám phát thải nhà kính

TS. La Nguyễn (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa) cho biết, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bèo hoa dâu (Azolla) là loài thực vật có tốc độ phát triển nhanh và có nhiều ứng dụng trong việc hấp thụ CO2, cố định N2, lưu giữ carbon, làm thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu sinh học, phân bón sinh học, làm sạch nước…

Tuy nhiên, một số điều kiện môi trường có thể gây hại cho bèo hoa dâu như nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp (bèo hoa dâu thường phát triển tốt trong nhiệt độ từ 20-30 độ C, nhiệt độ trên 35 độ C hoặc quá thấp dưới 10 độ C có thể làm giảm khả năng sinh trưởng hoặc chết); độ pH không phù hợp (bèo hoa dâu phát triển tốt nhất trong môi trường có độ pH từ 5,5-7,5); thiếu ánh sáng; các chất ô nhiễm, kim loại nặng, hóa chất độc hại trong nước có thể gây hại cho bèo hoa dâu… Do đó, cần hiểu rõ cơ chế về cách thức sản xuất, quan tâm phát triển cơ sở sản xuất giống bèo hoa dâu phục vụ sản xuất (có thể chọn nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm hay sản xuất trong nhà theo quy mô công nghiệp)...

Đặc tính "kỳ diệu" của một loại bèo xưa có nhiều ở Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì Hội thảo "Bèo hoa dâu: Tiềm năng và thách thức trong sản xuất nông nghiệp bền vững". Ảnh: Bình Minh

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Phó Giám đốc HTX Vân Hội Xanh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) đánh giá, bèo hoa dâu không cạnh tranh không gian, dinh dưỡng với cây trồng chính; chi phí đầu tư thấp, tốc độ nhân đôi số tiền đầu tư nhanh (trong 2-3 ngày) do khả năng nhân sinh khối; là nguyên liệu đầu vào hữu cơ với giá thành rất thấp của nhiều ngành sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt đến chăn nuôi.

Về mặt xã hội, bèo hoa dâu mang lại cơ hội bình đẳng giữa các vùng miền, thành phần dân tộc (bất kỳ ai cũng có thể nhân nuôi và ứng dụng giúp giảm nghèo và làm giàu bền vững). Đặc biệt, khi đưa bèo hoa dâu vào canh tác lúa sẽ tạo được dòng sản phẩm phát thải thấp với số lượng lớn, mở ra cơ hội giao dịch tín chỉ carbon từ những vùng sản xuất (500ha x 20 tín chỉ/ha =10.000 tín chỉ).

Là tỉnh trọng điểm về sản xuất lúa, cây bèo hoa dâu đã từng rất quen thuộc với nông dân Thái Bình khi sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, ủ làm phân bón cho lúa. Hiện nay, bèo hoa dâu được một số nông dân huyện Quỳnh Phụ trồng như một cây phát triển kinh tế.

Đây là năm thứ ba ông Nguyễn Đức Dụ, thôn Đồng Tâm, xã An Đồng (huyện Quỳnh Phụ) trồng bèo hoa dâu làm dược liệu trên diện tích ruộng thuê, mượn được của người dân trong xã. Cấy lúa kém hiệu quả nên ông Dụ chỉ cấy vụ xuân, thời gian còn lại trong năm, ông thả bèo hoa dâu. Từ 2 mẫu năm đầu tiên, năm thứ hai ông mở rộng lên 5 mẫu, khi nắm chắc kỹ thuật, tiêu thụ ổn định, ông thả 10 mẫu.

Đặc tính "kỳ diệu" của một loại bèo xưa có nhiều ở Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Dụ, thôn Đồng Tâm, xã An Đồng, Quỳnh Phụ (Thái Bình) chia sẻ về cách trồng bèo hoa dâu. Ảnh: Bình Minh

Ông Dụ cho biết: "Bèo hoa dâu rất dễ thả, phù hợp với thời tiết lạnh miền Bắc. Sau khi thu hoạch lúa xuân, tôi rắc vôi bột cải tạo ruộng để thả bèo. Cây bèo phát triển nhanh, tùy mật độ có thể thu hoạch sau 10 - 15 ngày. Để bèo hoa dâu cho hiệu quả kinh tế cao nhất, người thả cần nắm được kỹ thuật trồng, phòng bệnh và thu đúng lứa. Đặc biệt, sau khi thu hoạch bèo phải được phơi khô để tránh bị thâm đen, ảnh hưởng tới chất lượng. Mỗi vụ (khoảng 6 - 7 tháng), một mẫu có thể thu được 3 - 4 tấn bèo khô trị giá 70 - 80 triệu đồng, nếu canh tác tốt có thể thu nhiều hơn. Đặc biệt, cây bèo có tác dụng cải tạo đất tốt, sau khi thu hoạch bèo cấy lúa không cần bón thêm phân, tiết kiệm được nhiều chi phí".

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thu, cán bộ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn cho biết, thông qua việc sử dụng bèo hoa dâu trong các mô hình trên địa bàn tỉnh như làm phân bón cho lúa, làm thức ăn cho ốc nhồi đen; canh tác lúa hữu cơ (nếp Tài) kết hợp nuôi cá chép và bèo hoa dâu gắn với du lịch cộng đồng… cho thấy việc nhân rộng bèo hoa dâu vẫn đối diện với nhiều khó khăn.

Đặc tính "kỳ diệu" của một loại bèo xưa có nhiều ở Việt Nam - Ảnh 3.

Thu bèo và phơi bèo làm nguyên liệu ủ phân.

Cụ thể như chưa có định mức để xây dựng mô hình, chủ yếu lồng ghép vào các lớp tập huấn, mô hình nên diện tích ứng dụng còn ít, nhỏ lẻ; chưa có nghiên cứu chi tiết để đánh giá hiệu quả kinh tế (khi sử dụng giảm được bao nhiêu lượng phân đạm; hiệu quả kinh tế của mô hình khi có bèo hoa dâu…); chưa đo được lượng giảm phát thải khí nhà kính khi ruộng lúa có bèo hoa dâu; muốn nhân thả bèo hoa dâu phải quản lý được ốc bươu vàng, nhưng hiện tại chưa có thuốc sinh học hoặc thuốc thảo mộc đặc trị loài này...

Khởi tạo giá trị từ câu chuyện đưa bèo hoa dâu lên vũ trụ

Còn theo TS Phạm Gia Minh, Trung tâm Bèo hoa dâu Việt Nam-Azovi, việc nhân rộng bèo hoa dâu trong sản xuất vẫn đối mặt với nhiều nút thắt như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học làm bèo dâu bị tàn lụi; khả năng đảm bảo số lượng, chất lượng và kịp thời về mùa vụ của bèo dâu giống; ứng dụng cơ giới hóa và tự động hóa trong canh tác bèo hoa dâu; xây dựng các định mức trong trồng trọt và chăn nuôi có ứng dụng bèo hoa dâu… Do đó, cần sớm có chính sách phân loại bèo hoa dâu thuộc nhóm phân bón hay cây trồng và phải có cơ quan được Bộ NNPTNT giao làm đầu mối với những chức năng, nhiệm vụ cụ thể để thực thi chủ trương phát triển.

Đồng thời, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu của các thế hệ nhà khoa học Việt Nam và thế giới gần đây về lợi ích của bèo hoa dâu, xây dựng chương trình khảo sát lại ở quy mô phù hợp để xác định tính thích hợp trong điều kiện của chúng ta. Ví dụ, ảnh hưởng của bèo hoa dâu lên độ phì nhiêu của đất, vai trò cải tạo đất, năng suất cây trồng, khả năng giảm phát thải CH4, hấp thụ CO2, cung cấp dinh dưỡng thức ăn gia súc...

Đặc tính "kỳ diệu" của một loại bèo xưa có nhiều ở Việt Nam - Ảnh 4.

Ruộng trồng bèo hoa dâu làm dược liệu của anh Nguyễn Đức Dụ ở xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Song song đó, hiện tại, một số quốc gia đạt trình độ khoa học cao và quy mô ứng dụng bèo hoa dâu rộng lớn trong trồng trọt, chăn nuôi, giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất dược phẩm như Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan... sẽ là những địa chỉ để hợp tác, trao đổi. Ngoài ra, do bèo hoa dâu có năng lực hấp thụ mạnh CO2 (gấp 8 lần cây xanh) và giảm phát thải CH4 từ ruộng lúa (20-40%) nên xem xét ứng dụng bèo hoa dâu là một hướng hợp tác với các quỹ tài trợ chống biến đổi khí hậu, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ...

Nhắc lại câu chuyện đưa bèo hoa dâu lên vũ trụ của phi công Phạm Tuân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, khởi tạo giá trị mới cho bèo hoa dâu là việc làm của những người “tử tế”. Bản thân bèo hoa dâu không lớn, nhưng giá trị mà nó mang lại cho nhân loại lại không hề nhỏ. Câu chuyện về bèo hoa dâu không lớn, nhưng sẽ khởi tạo một tư duy mới để phát huy tối đa giá trị của những tài nguyên đang hiện hữu xung quanh mình, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm, thuận thiên, giảm phát thải, phát triển bền vững.

Đặc tính "kỳ diệu" của một loại bèo xưa có nhiều ở Việt Nam - Ảnh 5.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, việc sử dụng bèo hoa dâu sẽ giúp giảm phát thải phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí trong tương lai. Ảnh: Bình Minh

Bộ trưởng cho rằng hiện nay thế giới đang đi theo xu hướng nền nông nghiệp thuận thiên, nông nghiệp hữu cơ và Việt Nam sẽ không đánh đổi môi trường tự nhiên, sức khỏe cộng đồng lấy sản lượng. Việc sử dụng bèo hoa dâu sẽ giúp giảm phát thải phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí trong tương lai.

Tuy nhiên, để làm được điều này, phải cộng hưởng được sức mạnh từ nhiều phía (Nhà nước, nhà khoa học, xã hội, nông dân…). Từ những kinh nghiệm, thành tựu đã đúc rút qua nhiều thế hệ và các mô hình đã hiện hữu trên thực tế, cơ quan quản lý Nhà nước, nhà khoa học cần tiếp cận theo chiều sâu để có cơ sở vững chắc chỉ rõ tại sao phải đầu tư “phục hưng” bèo hoa dâu và xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem