Phó Trưởng ban điều hành Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng: Mở ra không gian cho những làng quê đáng sống

Anh Thơ (thực hiện) Thứ năm, ngày 08/08/2024 14:40 PM (GMT+7)
Sau khi Báo điện tử Dân Việt đăng tải loạt bài: "Đi tìm những làng quê đáng sống", tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi, hiến kế của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học về các giải pháp nhằm xây dựng nhiều làng quê đáng sống hiện nay.
Bình luận 0
Phó Trưởng ban điều hành Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng: Mở ra không gian cho những làng quê đáng sống - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban điều hành Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã mở ra không gian cho nhiều địa phương nỗ lực cố gắng để trở thành những làng quê đáng sống. Ảnh: T.L

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban điều hành Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã mở ra không gian cho nhiều địa phương nỗ lực cố gắng để trở thành những làng quê đáng sống.

Từ Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đều nhấn mạnh đến việc coi trọng đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn, xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Ông đánh giá như thế nào về những tác động của các Nghị quyết đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam?

-Có thể thấy, Từ Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thì mục tiêu quan trọng nhất vẫn là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn, coi người dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, trên cơ sở tình hình thực tế mà Đảng ta có những định hướng mang tính chiến lược cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đó chính là nền tảng, cơ sở để mở ra không gian cho nông nghiệp, nông thôn phát triển, trở thành những làng quê đáng sống.

Chúng ta có thể thấy, Nghị quyết 26-NQ/TW đặt mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch.

Tiếp đó, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, trong bối cảnh tình hình mới có nhiều thay đổi với những cơ hội và cả thách thức mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW với quan điểm là: Bảo đảm phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Những quan điểm của Nghị quyết 26 và sau này là Nghị quyết 19 là kim chỉ nam, vạch ra con đường phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn đến năm 2030, đồng thời đưa ra tầm nhìn mang tính thời đại, hướng đến năm 2045.

Phó Trưởng ban điều hành Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng: Mở ra không gian cho những làng quê đáng sống - Ảnh 2.

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban điều hành làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Lào Cai về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW và kết luận số 82-KL/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Trong ảnh: Đoàn công tác khảo sát hoạt động của một doanh nghiệp ở địa phương. Ảnh: Báo Lào Cai.

Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi của nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau quá trình triển khai các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian qua?

- Tôi cho rằng, từ Nghị quyết 26 đến Nghị quyết 19, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, nhiều nơi ở nông thôn thực sự là những "vùng quê đáng sống" khi khoảng cách phát triển ngày càng thu hẹp với đô thị với kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại, đồng bộ, môi trường xanh, sạch, đẹp.

Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô, trình độ sản xuất với mức tăng trưởng khá cao, chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh cao, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và khẳng định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế, đặc biệt là vào những thời điểm kinh tế khó khăn như lúc đại dịch Covid-19. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng top đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, đặc biệt là gạo, cà phê, thủy sản, đồ gỗ…

Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực với công nghiệp, dịch vụ ngành nghề nông thôn phát triển mạnh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt.

Vừa qua, các địa phương cũng đã tiến hành đánh giá kết quả sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 19. Các báo cáo cho thấy, sau khi Nghị quyết được ban hành, cấp ủy các địa phương đều đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai đồng bộ, quyết liệt và đã đạt được kết quả quan trọng. Ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và xuất khẩu tiếp tục tăng cao với nhiều mặt hàng đứng nhóm đầu thế giới. Sản xuất kinh doanh nông nghiệp phát triển theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu với nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, giảm phát thải hiệu quả.

Theo tôi, một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất chính là những thay đổi trong chính tư duy sản xuất của người nông dân. Người nông dân đã quan tâm hơn đến liên kết, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và thương mại nông sản; chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản; đa dạng hóa các hình thức kinh doanh. Bây giờ không hiếm để gặp hình ảnh những nông dân livestream bán hàng trên mạng internet hay điều khiển sản xuất chỉ qua một chiếc điện thoại thông minh. Đó là hình ảnh "nông dân văn minh" trong lòng một "nông thôn hiện đại" mà vẫn giàu bản sắc văn hóa truyền thống mà Nghị quyết 19 đề cập đến.

Phó Trưởng ban điều hành Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng: Mở ra không gian cho những làng quê đáng sống - Ảnh 3.

Hình ảnh "nông dân văn minh" trong lòng một "nông thôn hiện đại" mà vẫn giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Hữu, xã Thanh Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) phát triển mô hình du lịch sinh thái. Ảnh: Nguyễn Chương.

Để ngày càng có nhiều "làng quê đáng sống", hình thành một thế hệ "nông dân văn minh", theo ông, các cấp ngành, địa phương cần ưu tiên những giải pháp gì?

- Theo tôi, giải pháp mang tính bao trùm phải là giải quyết đồng bộ quá trình phát triển theo định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, trong đó yếu tố quyết định đến sự thành công của thực hiện nghị quyết là nhóm giải pháp: Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

Làm sao để nông dân và cư dân nông thôn thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa. Đây là nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đặt ở vị trí ưu tiên.

Để nâng cao năng lực làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn cần tăng cường giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ, quản lý sản xuất kinh doanh, nhận thức, hiểu biết về pháp luật; xây dựng văn hóa, nếp sống văn minh, có khả năng làm chủ công nghệ trong sản xuất, chế biến, thương mại và làm giàu từ phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn.

Bên cạnh đó, để có thêm nhiều làng quê đáng sống thì việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa nông thôn là rất cần thiết, bởi quá trình đô thị hóa có thể mang lại một diện mạo mới cho nông thôn nhưng cái gì là những nét đẹp, là hồn cốt văn hóa của dân tộc, là cội nguồn thì phải được tiếp tục bảo tồn, phát huy. Và tôi nghĩ, đó mới là điều mà các Nghị quyết của Đảng muốn hướng đến để nông thôn thực sự là "chốn đi về".

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Phó Trưởng ban điều hành Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng: Mở ra không gian cho những làng quê đáng sống - Ảnh 4.

Phó Trưởng ban điều hành Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng: Mở ra không gian cho những làng quê đáng sống - Ảnh 5.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem