Những dự án "bánh vẽ"...Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng nhiều dự án FDI chậm tiến độ hoặc "tháo chạy" khỏi Việt Nam; đặc biệt là các dự án quy mô lớn về vốn, huy động nhiều đất. Mới nhất là việc Tập đoàn Tata Ấn Độ tuyên bố dừng dự án thép liên hợp với tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD tại Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh (NTNN số 38/2014 đã phản ánh). Việc các nhà đầu tư FDI "bỏ rơi" dự án đã ít nhiều gây hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế nói chung và của các địa phương có dự án nói riêng.
Tập đoàn Tata Ấn Độ vừa tuyên bố rút dự án thép 5 tỷ USD tại Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh (ảnh minh họa).
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến dự án FDI bị chậm tiến độ hoặc rút khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có thực trạng là vừa qua chúng ta đã bỏ qua khâu kiểm tra năng lực tài chính nên có chuyện dự án thì lớn nhưng nhà đầu tư lại không đủ năng lực tài chính. Trong khi các địa phương, quỹ đất thì ít, ngày càng hiếm, có thể người ta cũng biết nhà đầu tư FDI không đủ năng lực tài chính nhưng không thể khước từ việc nhà đầu tư xin đầu tư và thu xếp vốn (vì chưa có quy định cụ thể nào về kiểm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư).
Cũng theo ông Hoàng, việc thu hồi giấy phép hay xử lý một dự án phải căn cứ theo quy định của pháp luật. Nếu nhà đầu tư có giải trình lý do hợp lý, các cơ quan liên quan phải qua một quá trình xem xét rất nghiêm túc, thì có thể có những lý do có thể chấp nhận được. Về nguyên tắc, những dự án vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoặc không triển khai quá 12 tháng không có lý do chính đáng và không được gia hạn, thì các cơ quan nhà nước có quyền thu hồi.
Theo GS Nguyễn Mại-nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng ta đang có quan niệm chưa đúng về kinh tế thị trường, ví dụ khi dự án FDI cam kết tại Việt Nam thì không phải dự án nào cũng sẽ được triển khai thực hiện. Và việc một dự án nào đó đã cam kết xong không thực hiện nữa cũng là việc bình thường, chúng ta không nên nhìn vào số vốn FDI đăng ký mà mừng.
Tuy nhiên, theo ông Mại, ở đây cũng có nguyên nhân chủ quan là do chúng ta chưa có năng lực sàng lọc những dự án FDI có khả năng thực hiện thực sự. Việc phân cấp đầu tư cho các địa phương cũng gây nên tình trạng chọn lựa các nhà đầu tư không tốt. Trong các dự án rút vốn gần đây, có những nhà đầu tư nhắm đến đất đai rẻ, môi trường tốt nhảy vào kiếm cơ hội đầu cơ nhưng khi thấy không còn cơ hội thì "bỏ của chạy lấy người".
Thực tế, theo ông Mại, có nhà đầu tư không có ý định thực hiện dự án mà chỉ muốn lợi dụng ưu đãi hấp dẫn trong chính sách thu hút FDI để đầu tư rồi bán “suất” kiếm lời, như nhiều dự án bất động sản. Ông Mại lưu ý rằng, đối với dự án FDI mới cần bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng lãnh thổ.
Trong trường hợp đặc biệt khi nhà đầu tư có ý tưởng về dự án FDI tại địa phương nằm ngoài quy hoạch, nhưng xét thấy có tác động lớn đối với tăng trưởng kinh tế theo mô hình mới, cần tham vấn các cơ quan chuyên môn, chuyên gia kinh tế để tính toán lợi ích mà địa phương và đất nước thu được, nhằm lựa chọn đúng đắn.
"Chúng ta không nên dễ dãi chấp nhận ý tưởng ban đầu của nhà đầu tư khi chưa có kiểm chứng. Năm 2013, hàng trăm dự án FDI chậm hoặc không triển khai với vốn đăng ký hàng chục tỷ USD đã bị rút giấy phép, gây thiệt hại khó tính hết đối với nước ta là bài học kinh nghiệm đối với những dự án "bánh vẽ" của một số nhà đầu tư không có tiềm năng"- ông Mại nói.
Cần thu hút FDI có lựa chọnĐể giảm thiểu và loại bỏ việc các nhà đầu tư rút lui khỏi dự án, ông Đỗ Nhất Hoàng cũng cho rằng, cần phải tính lại cách thức xem xét đối với các dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng nhiều đất. Ví dụ, các địa phương có thể tự đưa ra tiêu chí là suất đầu tư, như là 1ha đất phải đầu tư 5 triệu USD mới cho phép chẳng hạn. Nếu chủ động đưa ra tiêu chí, chúng ta có thể quản lý lành mạnh hơn môi trường đầu tư, ưu tiên cho những nhà đầu tư có thực lực, làm thật.
Bộ KHĐT vừa công bố dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi theo hướng tạo môi trường thuận lợi, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư và hạn chế hiện tượng chuyển giá, bỏ hoang dự án.
Theo đó, sau 12 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký, nếu nhà đầu tư không triển khai theo đúng tiến độ, cơ quan quản lý sẽ tiến hành thu hồi giấy phép đầu tư.
|
Còn theo ông Trần Đình Thiên-Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, đã đến lúc trong chiến lược thu hút FDI, thay vì đưa ra các ưu đãi, Việt Nam nên tập trung giải quyết các vấn đề của môi trường đầu tư, chuẩn bị các điều kiện cơ bản như hạ tầng, nguồn nhân lực, sự sẵn sàng của đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam để tiếp nhận hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, kỹ năng quản trị, chất lượng nhân lực từ khu vực FDI...
Việt Nam nên ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp đa quốc gia, bởi đi cùng với họ thường là những doanh nghiệp phụ trợ. Theo ông Thiên, muốn thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao, Việt Nam phải phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ và có chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý và phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, hiện tại, có hai nhóm nhà đầu tư trên thế giới. Một là, nhóm nhà đầu tư mang công nghệ tiên tiến, hiện đại đến; hai là, nhóm nhà đầu tư muốn lợi dụng lao động giá rẻ, mang theo những công nghệ lạc hậu. Việt Nam phải cẩn trọng trong lựa chọn FDI và có chính sách phù hợp để thu hút được dòng vốn có chất lượng vào Việt Nam. Nâng cao kỹ năng của lao động là nhiệm vụ chính để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đề nghị cần thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng có lựa chọn. Bên cạnh hệ thống ưu đãi chuẩn, cần có hệ thống ưu đãi linh hoạt cho các nhà đầu tư mục tiêu, chủ động tiếp xúc, đàm phán và thuyết phục các nhà đầu tư mục tiêu; tăng cường năng lực của cơ quan khuyến khích đầu tư quốc gia, hàng năm xác định những nhà đầu tư cần ưu tiên nhất để chào mời...
Mai Nguyễn (Mai Nguyễn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.