Loại bỏ loa phường: Có gì phải lưu luyến?

Nguyễn Quang Vinh Thứ hai, ngày 16/01/2017 05:54 AM (GMT+7)
Một ngày 24 giờ, biết chọn giờ nào gọi là giờ phù hợp? Phù hợp với ông bà già thì bất cập với con trẻ, phù hợp với học trò thì bất cập với người đương làm việc, chả có giờ nào chung cho tất cả đối tượng, hỡi ôi, đến như giờ để loa mà cũng khó vậy sao?
Bình luận 0

Cách đây cả thế kỷ nhỉ, làng xã ngày ấy mà không có ông mõ, bà mõ đi loan tin thì chả ai biết đã, đang xảy ra chuyện gì. Ông mõ, bà mõ gắn với làng quê, cứ mỗi khi nghe tiếng “loa loa loa” thì ai cũng dỏng tai nghe…Từ cái mõ cầm tay gõ lốc cốc báo hiệu im lặng để nghe ông bà mõ  loa …bằng mồm, tiến đến thế giới văn minh hơn thì người ta cuộn cái mo cau làm loa, cuộn miếng bìa làm loa, cuộn miếng tôn làm loa, cốt cho tiếng người loa đi xa hơn, vang hơn.

Một thời, ao ước của những người rao tin là làm sao tiếng loa của mình đi thật xa, thật vang…

Một thời, tiếng loa rao tin như là cầu nối khó gì thay đổi được giữa làng trên xóm dưới.

Rồi đến khoảng giữa thế kỷ 20, bắt đầu có loa truyền thanh.

Loa truyền thanh chạy điện, người loa phải ngồi ở phòng loa, nói, nói, nói, và từ đây, hàng chục cái loa truyền thanh treo khắp làng khắp xóm, khắp phố khắp phường phát âm thanh rất to, rất rõ.

Những năm chiến tranh, tiếng loa ấy rất cần, loa báo động máy bay, loa báo tin thắng trận, loa báo vụ mùa, báo thông tin cần kíp đôi khi riêng rẽ ở một thôn, một xóm, nhưng đôi khi nó liên quan đến cả huyện, cả tỉnh, cả nước mà người dân ai cũng cần nghe, cần biết.

Hãy nhớ lại những ngày đầu tháng 9 năm 1969: Người công sở, công nhân, nông dân, các ông bà, các cháu học sinh, tất cả đến đứng rũ người dưới chân cột loa truyền thanh, đứng trong mưa, để nghe loa truyền thanh xúc động truyền tin về sức khoẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi mấy ngày sau là thông cáo về tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Ngày đó, những tin quan trọng này nếu không có loa truyền thanh, làm sao người dân biết tin ngay lập tức.

Cho đến cuối thế kỷ 20, đầu những năm thế kỷ 21, hệ thống loa truyền thanh phường, xã, huyện đã dần thay thế bằng hệ thống truyền dẫn, sóng ngắn, có thể dùng radio để bắt sóng  truyền thanh, không cần phải chạy ra bên chân cột loa để nghe  tin tức. Tưởng như vậy là hệ thống truyền thanh đã vượt "một bước lên trời", cứ thế thẳng tiến đến vô cùng, cứ thế tưởng như hệ thống loa truyền thanh đồng hành mãi với  thế  giới văn minh.

img

Loa phường đã hoàn thành sứ mệnh của mình?

Hỡi ôi, khoa học tiến nhanh như vũ bão, người dân bắt đầu tiệm cận với truyền hình, với internet, với báo điện tử, với điện thoại thông minh, nhoáy cái muốn biết tin gì có tin đó, muốn nghe tin, đọc tin lúc nào cũng được, tin qua rồi, "lôi" ngược lại nghe, xem cũng được, báo giấy còn lay lắt nữa là loa truyền thanh.

Thế là tiếng loa truyền thanh bỗng lạc lõng, bỗng vô duyên, vô duyên cả âm thanh lộn nhào trong đủ thứ âm thanh cuộc sống vốn đã làm người ta mệt nhoài, nhưng vô duyên hơn là tin tức đưa từ loa luôn luôn cũ so với các phương tiện thông tin điện tử khác.

Ừ, thì không cần tin tức nữa,  bão hoà tin rồi thì cần tin thông báo vậy, thông báo dịch bệnh, thông báo tai nạn, thông báo hội họp, thông báo tang lễ, hôn lễ trong phường, trong xóm, trong xã.

Hỡi ôi, đến như cái thông báo ấy giờ cũng chả cần. Nhà nào cũng điện thoại di động. Một tin nhắn có thể nhắn tới cả triệu thuê bao, anh rảnh lúc nào đọc lúc đó, mà còn lưu lại bằng chữ, cấm có sai, không như nghe bằng tai, đôi khi câu đực câu mất.

Thế là hệ thống loa trở thành khó chịu cho mọi người.

Một ngày 24 giờ, biết chọn giờ nào gọi là giờ phù hợp? Phù hợp với ông bà già thì bất cập với con trẻ, phù hợp với lũ học trò thì bất cập với người đương làm việc, chả có giờ nào chung cho tất cả đối tượng, hỡi ôi, đến như giờ để loa mà cũng khó vậy sao?

Cuộc sống tăng tốc, căng thẳng, dồn dập, buông người về nhà là người ta thèm một phút yên tĩnh, nếu lúc đó mà tiếng loa còn rè rè rẹc rẹc ngân nga thì có mà hoạ.

Loa là thông tin, tới cái thời đại văn minh, thông tin ầm ập với đủ phương tiện như hôm nay thì loa mất giá là phải rồi, có gì phải níu giữ, phải lưu luyến, phải dằn vặt giữ hay bỏ.

Bỏ!

Giữ?

Hỡi ôi, để thay đổi một việc bé xíu như thế mà khó vậy sao?

Bỏ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem