Loài cá được cho là hiện thân của rồng và mùa đi tìm "bạn tình"

Thứ hai, ngày 28/03/2022 19:01 PM (GMT+7)
Cứ tưởng con người là giống hữu tình, mới hay đến hẹn lại lên, đến hẹn lại tìm bạn tình, nhớ bạn tình, chứ ai hay rằng loài cá chép cũng có mùa tìm bạn tình.
Bình luận 0
Loài cá được cho là hiện thân của rồng và mùa đi tìm "bạn tình" - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Mùa Cá chép tìm bạn tình ấy là mùa lũ về. Những con cá chép bấy lâu nép mình ẩn náu trong vực sâu, trong hang đá, gặp nước mới về hứng tình cùng lao ra, cùng đổ xô ra dòng lớn để tìm bạn, đôi khi khoái cảm còn phóng cao lên mặt nước phô tấm thân cường tráng. Ấy là những con chép đực trên sông tỏ ý “vượt vũ môn khát vọng hóa rồng”.

Chép đồng cũng nô nức tìm bạn tình chẳng kém. Các cụ xưa mô tả thật tài: Cá chép lên đồng chạy rông tám hướng.

Nơi những thửa ruộng râm mát, nước sâm sấp là chỗ chúng hẹn hò. Cá chép cái thường hiếm và ít nên trở thành đối tượng ve vãn của dăm bảy anh chép đực. Chép cái vảy óng ánh sắc bạc, sắc đỏ, mình tròn lẵn mỡ màng, chẳng hiểu có thả mùi hương lạ gì không mà chép cái đi tới đâu chép đực luôn lao theo và thường xảy ra đụng độ tranh giành tán loạn. Con chép cái chạy mãi, trốn tìm mãi cũng mỏi mệt đành nghiêng mình lả lướt và như càng phô thêm vẻ hấp dẫn. Cá chép đực được thể, con thì lượn lờ, con thì áp sát, con thì chồm tới húc, thúc, trượt, đẩy đầy háo hức và cả ngây ngô. Khổ là say tình nên quên hết và chỉ tổ làm mồi ngon cho kẻ săn bắt. Thường một điểm như vậy phải bắt được năm bảy con thật quá dễ dàng.

“Háo hức như cá chép lên đồng” - háo hức để rồi được sinh đàn sinh lũ, để có con đông, cháu nhiều, ấy là khi thoát khỏi con mắt kẻ săn. Còn khi đã lọt vào mắt thợ săn cá thì chỉ còn nước “ lên thớt”.

Đôi khi cá chép cũng thi vị lắm. Ấy là cá chép trong tranh: “Lý ngư vọng nguyệt”. Con cá chép đẹp đẽ kiêu sa, dáng mềm mại uyển chuyển đang hớp lấy trăng vàng, nô cùng ánh bạc. Nhưng mà phút ấy hiếm hoi lắm.

Cá chép là loài cá có nguồn đạm cao, thịt ngọt và thơm, thường được dùng làm món để đãi khách.

Người Tây Bắc dùng cá chép để nướng. Cá chép nướng Tây Bắc cầu kỳ trong mọi khâu, từ chọn cá đến gia vị ướp. Bí quyết của họ là bí truyền nên chẳng truyền cho ai. Tôi đã từng được ăn cá chép Tây Bắc do người Hà Nội học được mà làm nhưng thấy còn xa lắm.

Nồi cá chép kho tương cũng rất ấn tượng. Những con cá vàng hươm, thơm lừng, tương thấm vào cá, cá nương vào tương ngon tuyệt. Nhất là đầu cá chép ngọt mà bùi.

Khi ăn cá chép nhớ lời các cụ dặn: “Đầu cá chép, mép cá trôi, môi cá mè”. Ngày nào được con chép to thì cho rằng sướng như vua. Sướng như vua vì được ăn cá chép hấp. Hấp dù không biết thiên trù nơi cung đình điện ngọc nấu món này như thế nào, thôi thì cứ hương quê, hương rừng mà làm. Mộc nhỉ đem băm nhỏ, sả băm cũng điệu như thế, lá xương xông thái chỉ, chút ít thì là, hành hoa cho đủ bộ. Tất thảy nhồi vào bụng cá mà đem hấp cách thủy. Thôi thì đừng nói nữa thêm thèm. Thèm thì được nhưng mà nghiện thì nguy đấy, đừng tưởng tiền nhiều bạc lắm mà mua được, làm được nhiều, ăn được nhiều thì lên vua hết sao. Lên vua hết thì có mà đại loạn!

Lý ngư vọng nguyệt chả thấy đâu, chỉ thấy mấy người được đãi cá chép hấp thấy lòng thư thới lại muốn đi lên triền đê ngắm trăng hay mấy bạn nhậu thành phố thì vào quán karaoke mơ màng như thấy trăng lên rồi nghêu ngao hát như chưa được hát bao giờ.

Nguyễn Hữu Ngôn (Báo Thanh Hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem