Loại cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm khỏi chuỗi bán hàng tết

Đình Thắng Thứ hai, ngày 25/12/2017 06:00 AM (GMT+7)
Sau khi Viện Pasteur công bố 100% mẫu thịt vịt, gà, lợn tươi sống qua kiểm nghiệm vi sinh đều có vi khuẩn E.coli và 100% mẫu ớt bột đều nhiễm nấm có nguy cơ gây ung thư gan, nhiều ý kiến lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm cuối năm. Phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Nguyễn Như Tiệp (ảnh) - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) xung quanh các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm dịp lễ tết sắp tới.
Bình luận 0

img

Những con số mà Viện Pasteur vừa công bố có phải là cảnh báo cho việc gia tăng thực phẩm mất an toàn dịp lễ tết cuối năm không, thưa ông?

- Đây là kết quả giám sát của Viện Pasteur TP.HCM, riêng Bộ NNPTNT trong năm qua đã đẩy mạnh tăng cường công tác thanh kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP). Thực sự khi chúng ta tăng cường công tác thanh kiểm tra, chúng ta phát hiện và xử lý các vụ vi phạm nhiều hơn có nghĩa là lượng thực phẩm không an toàn đã được loại bỏ khỏi chuỗi thì như vậy thực phẩm còn lại sẽ an toàn hơn.

img

Tổng số tiền xử phạt vi phạm về lĩnh vực an toàn thực phẩm năm 2017 lên tới gần 80 tỷ đồng.  Ảnh:  I.T

"Sang năm 2018, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn sẽ được chúng tôi tập trung làm quyết liệt, đặc biệt đánh mạnh vào các vấn đề chất cấm, bơm tạp chất vào tôm, lĩnh vực phân bón và an toàn thực phẩm”.

Ông Nguyễn Như Tiệp

Dù chúng tôi tăng cường thanh kiểm tra nhiều hơn và phát hiện xử lý nhiều vi phạm hơn, nhưng tỷ lệ giám sát trên diện rộng cho thấy tình trạng chung về ATTP năm 2017 có cải thiện hơn so với năm 2016.

Bộ NNPTNT đã triển khai trong cả năm 2017 các biện pháp để cải thiện an toàn thực phẩm, số liệu giám sát trên diện rộng cho thấy tình hình đã được cải thiện. Công tác đảm bảo ATTP năm 2017 của ngành tập trung vào 4 trọng tâm, trước hết là hoàn thiện thể chế để tăng cường năng lực hiệu quả kiểm soát an toàn thực phẩm, tạo điều kiện cho người dân sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Rà soát cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi cho người dân sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Thứ hai, tăng cường thanh tra kiểm tra, thanh tra đột xuất. Thứ ba, giám sát để làm công tác thông tin truyền thông về ATTP. Thứ tư, xây dựng phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, quảng bá địa chỉ sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn tăng cường.

Công tác thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm phát huy hiệu quả do được chú trọng đầu tư tăng cường năng lực và đổi mới phương thức tổ chức thực hiện theo hướng từ thanh tra theo kế hoạch là chủ yếu sang thanh tra, kiểm tra đột xuất là chủ yếu; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra cao điểm theo chuyên đề dựa trên đánh giá rủi ro và diễn biến của thực tiễn sản xuất, kinh doanh... Qua đó đã góp phần giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu lạm dụng hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ...

Ông nói tình trạng chung về ATTP năm 2017 có cải thiện hơn so với năm 2016, căn cứ nào để có thể nhận định như vậy?

- Kết quả giám sát năm 2017 cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo ATTP của cơ sở và chỉ số ATTP các nhóm sản phẩm chủ lực. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đã tăng lên 97,33%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra đạt yêu cầu đã tăng lên 93,16%.

Đặc biệt không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ; tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh chỉ còn 0,63% (năm 2016 là 1,76); tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh đã giảm còn 0,89% (năm 2016 là 1,07%); tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm xuống 0,6% (năm 2016 là 2,05%).

Về ATTP, theo Bộ NNPTNT đã thanh tra theo kế hoạch và đột xuất 2.506 cơ sở, phát hiện 373 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP và xử phạt 107 cơ sở. Các tỉnh/thành phố đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 17.269 cơ sở, phát hiện và xử phạt 3.155 cơ sở vi phạm về chất lượng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm về lĩnh vực ATTP lên tới gần 80 tỷ đồng.

Vậy trong các dịp lễ tết sắp tới, các đơn vị chuyên ngành của Bộ NNPTNT sẽ làm gì để đảm bảo thực phẩm nông sản an toàn cung cấp cho người dân, thưa ông?

- Trong dịp tết này Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đưa ra những hành động quyết liệt nhằm loại bỏ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm mất an toàn. Các đơn vị sẽ tăng cường thanh kiểm tra để cơ sở nào đã vi phạm thì không đưa vào chuỗi thực phẩm cung cấp dịp tết cho người dân nữa; thông tin tuyên truyền những nơi bày bán các sản phẩn thực phẩm an toàn để người dân lựa chọn.

Ngoài ra, chúng tôi luôn luôn có các lực lượng trực ban để khi có sự cố an toàn thực phẩm thì xử lý kịp thời. Tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất nông sản an toàn tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm, giới thiệu hướng dẫn cho người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn thực phẩm an toàn.

Bằng các giải pháp tăng cường đó, tôi tin tưởng rằng thực phẩm nông sản an toàn trong dịp tết sẽ đảm bảo cho người dân lựa chọn.

Trong năm 2018, Bộ NNPTNT sẽ tập trung đẩy mạnh những hoạt động gì nhằm giải quyết triệt để vấn đề ATTP nông sản?

- Trong năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 đã làm nhằm loại bỏ các cơ sở vi phạm ra khỏi chuỗi, lên án, xử phạt các cơ sở cá nhân sản xuất sản phẩm không đảm bảo an toàn và khuyến khích những cơ sở làm tốt.

Có 2 lĩnh lực chúng ta cần đặc biệt quan tâm, thứ nhất đó là bơm tạp chất vào tôm, năm 2018 chúng ta sẽ có những cách làm mới nhằm thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là hết năm 2018 chấm dứt tình trạng bơm tạp chất vào tôm. Thứ hai là vấn đề phân bón, năm 2018 cần tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra, chúng tôi đã làm việc cụ thể với các đơn vị liên quan thuộc Bộ NNPTNT để sớm đưa ra được kế hoạch hành động chi tiết trình lãnh đạo Bộ  xem xét ban hành hành động.

Năm 2018 chắc chắn vẫn sẽ là năm trọng tâm của quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi sẽ có những cách làm mới để đạt kết quả cao nhất.  Chúng tôi sẽ bắt đầu từ hoàn thiện hệ thống pháp luật, sau đó tập trung tuyên truyền nâng cao công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân. Một trong những trọng tâm mà chúng ta cần tuyên truyền đó là Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 có hiệu từ 1.1.2018, bộ luật này có nội dung xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng chất cấm. Đồng thời chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các đơn vị Bộ Công an nhằm thay đổi về phương thức điều tra khảo sát đánh giá, tổ chức các cuộc thanh tra để đạt hiệu quả cao nhất.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem