Loại gạo Bộ trưởng Bộ NNPTNT khen chiết xuất được thứ gì đặc biệt?

Anh Thơ Thứ năm, ngày 07/11/2019 06:30 AM (GMT+7)
Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về tình hình giá lúa còn bấp bênh và giải pháp nhằm gia tăng giá trị cho hạt gạo, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đã đến lúc phải đầu tư chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo.
Bình luận 0

Hạt gạo không chỉ để thành cơm

Đại biểu Chau Chắc (An Giang) đặt câu hỏi: Giá lúa và một số nông sản còn bấp bênh, đề nghị Bộ phối hợp với các ngành liên quan có giải pháp đột phá gì mang tính căn cơ, ổn định, bền vững, lâu dài; làm thế nào để tăng giá trị và sức cạnh tranh của hạt gạo khi xuất khẩu?.

Trước những trăn trở của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, lúa gạo là một ngành hàng rất rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao. Có một nguyên nhân khách quan là thế giới có 7 tỷ người nhưng chỉ có 3,5 tỷ người ăn gạo, nhưng dung lượng hàng hóa của gạo là 36 triệu tấn với khoảng 32 tỷ USD/năm về thương mại.

"Như vậy, các cường quốc đều tập trung cạnh tranh ở chuỗi giá trị này. Do đó, điều kiện khách quan tự nhiên là áp lực tạo nên cho hạt gạo hiệu quả thấp, rất bấp bênh" - Bộ trưởng nói.

Trước khi tình hình đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, về chủ trương lâu dài của chúng ta, Quốc hội đã có nghị quyết bảo vệ các diện tích đất lúa, tuy nhiên, sau đó có nghị quyết để nới dần chuyện này. Chính phủ cũng đã chủ động, ngành đã tham mưu xây dựng, chủ trương về lâu dài giảm dần diện tích đất lúa.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phải chế biến sâu hạt gạo để nâng cao giá trị gia tăng.

"Hiện nay, chúng ta có khoảng 7,8 triệu hecta canh tác và khoảng 4,1 triệu hecta diện tích, chủ trương tới đây chúng ta sẽ có những đề xuất với Quốc hội cho giảm hẳn nửa triệu hecta đất, nếu như giảm nửa triệu hecta bằng 1 triệu hecta canh tác chúng ta chủ động giảm đi 5-6 triệu tấn thóc và khoảng 3-4 triệu tấn gạo, trên cơ sở đó chúng ta vẫn đảm bảo được an ninh lương thực, kể cả tính toán cho 20 năm nữa với diện tích này chúng ta vẫn đảm bảo được, tuy nhiên, sẽ nhường cho dư địa để phát triển cây trồng khác, sản xuất khác hiệu quả hơn" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về giải pháp trước mắt, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, chúng ta sẽ tập trung tái cơ cấu theo hướng: Một là ưu tiên những nhóm giống để phù hợp với phân khúc thị trường. Thứ hai là xây dựng chuỗi giá trị của ngành lúa gạo.

"Trực tiếp người đứng đầu Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lúa gạo không còn chỉ là gạo bán mà gạo cũng phải trở thành một thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm... Ví dụ dầu cám gạo có giá trị cao hơn cả sản lượng gạo tự nhiên, chúng ta phải tập trung khai thác hướng này, tạo ra các giá trị gia tăng cao" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu vấn đề.

Ông Cường cũng thông tin thêm, các doanh nghiệp đang cùng với bà con nông dân cùng với các vùng miền, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung đi hướng này.

"Vừa qua rất mừng là Quảng Trị đã có mô hình 600 hecta trồng lúa hữu cơ, trong đó có chiết xuất một phần hướng ra sản phẩm tinh túy nhất này để đảm bảo cho chuỗi giá trị hạt gạo lớn hơn" -  Bộ trưởng nêu một ví dụ thực tế.

img

Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng đại diện doanh nghiệp, ngành chức năng kiểm tra chất lượng lúa hữu cơ. Ảnh: I.T

Quảng Trị chú trọng chế biến sâu hạt gạo

Theo ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quảng Trị xác định phải đổi mới sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, sản xuất phải có thị trường tiêu thụ, coi thị trường là yếu tố đầu tiên để quyết định sản xuất.

"Thế giới ngày càng coi trọng những sản phẩm an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, trong khi đó, nông dân nhiều nơi vẫn lạm dụng quá nhiều các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chưa bao giờ tôi thấy người tiêu dùng lại hoang mang đến vậy, ăn cái gì cũng sợ. Đây là một tồn tại, nhức nhối trăn trở, vì vậy chúng tôi xác định phải hướng dẫn người nông dân sản xuất sạch, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm" - ông Hà Sỹ Đồng nói.

Để làm được điều này, theo ông Hà Sỹ Đồng, tỉnh Quảng Trị đã làm tốt công tác quy hoạch, rà soát lại diện tích đất đai, đất bạc màu, đồng khô cỏ cháy, nhiễm phèn được cải tạo lại, tích tụ thành cánh đồng lớn và đặt mục tiêu các sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn hữu cơ, bắt đầu thí điểm với lúa gạo, sau đó là thực hiện trên cây cam, chanh leo, dứa,...

img

Cánh đồng lúa hữu cơ Quảng Trị. Ảnh: I.T

"Chúng tôi thực thực thí điểm từ năm 2016, trên cơ sở đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh với bộ cây - con chủ lực được xác định theo từng tiểu vùng khí hậu. Quy mô làm từ hộ gia đình đến hợp tác xã, sau đó lan tỏa đến xã, đến huyện. Điều đáng mừng là, sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị sau khi kiểm nghiệm đều đạt chất lượng tốt' - ông Đồng thông tin thêm.

Vụ Đông Xuân 2018 - 2019 là vụ thứ 4 tỉnh Quảng Trị thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên cơ sở liên kết với Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam. Với gần 500 ha lúa hữu cơ, sản lượng lúa tươi thu được gần 3.000 tấn, tổng thu nhập của mô hình gần 24 tỉ đồng, lãi toàn mô hình là 13 tỉ đồng, với hai giống chủ lực là ST24 và RVT. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha lúa hữu cơ/2 vụ là 96 - 110 triệu đồng.

"Hiện, diện tích nông sản hữu cơ của tỉnh đã tăng lên 1.000ha" - ông Đồng thông tin và cho biết thêm, sản xuất lúa hữu cơ cũng như các sản phẩm khác, nông dân Quảng Trị không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu bệnh, chỉ sử dụng phân hữu cơ nhưng vẫn cho năng suất ngang và cao hơn sản xuất truyền thống.

Riêng với lúa hữu cơ, Công ty Đại Nam hỗ trợ 100% phân bón, thu mua sản phẩm lúa tươi đảm bảo tiêu chuẩn với giá luôn cao hơn giá thị trường cùng thời điểm.

"Mục tiêu của tỉnh là tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ với các cây trồng khác, riêng với lúa gạo sẽ xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo, xây dựng hệ thống phân phối để hạt gạo hữu cơ Quảng Trị đạt được giá trị cao nhất" - ông Đồng nói.

Được biết, từ hạt gạo hữu cơ Quảng Trị, doanh nghiệp đã chiết xuất được nhiều sản phẩm như tinh bột cám gạo, dầu cám gạo, có thể sử dụng làm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, bước đầu được thị trường đón nhận. Lượng tinh bột cám này thu được không nhiều, thường thì 200kg gạo hữu cơ mới thu được khoảng 2,25kg cám lụa hữu cơ, thêm công đoạn sàng lọc nữa thì mới thu được 1kg tinh bột cám gạo nên giá của những sản phẩm này không hề rẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem