Loại "lộc rừng" bé tí bé tẹo chỉ người có duyên và "nhẹ vía" mới gặp được, ngày số hên được cả vài triệu đồng

Thứ hai, ngày 06/12/2021 19:06 PM (GMT+7)
Những người chuyên tìm nấm mối thường truyền tai nhau, phải có duyên và nhẹ vía mới gặp được nấm mối, những ai nặng vía khó thấy cây nấm. Khi lấy nấm lên khỏi mặt đất, dùng cành cây vót nhọn thọc xuống bẩy lên, không được dùng đồ vật bằng kim loại bởi loài mối sẽ bỏ đi, năm sau nấm không mọc ở đó nữa.
Bình luận 0

Săn nấm

Năm nay, khi những cơn mưa bất chợt giữa những ngày nắng hanh vừa dứt, cô bạn chí cốt từ thuở đầu trần tắm mưa dưới huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) reo lên trong điện thoại: “Có nấm mối rồi, sáng ni tớ vừa gặp được mấy cây trên rẫy cà phê, về ngay, về ngay!”.

Khi màn đêm vẫn còn đen đặc, cô bạn lục đục lấy rổ, túi đựng nấm kèm theo một cành cây được vót nhọn, cùng tôi rảo bước trên con đường đất đỏ sâu hun hút. “Muốn tìm nấm mối non và ngon thì phải đi sớm, hơn nữa trải nghiệm lấy nấm giờ này cho thú vị”, cô bạn cười giòn tan. Luồn qua những rẫy cà phê xào xạc lá, nghĩ lỡ đụng phải bò cạp hay rết là tôi lạnh cả sống lưng. Chúng tôi gặp thêm vài người đang rọi đèn bin dưới gốc cà phê ướt đẫm sương đêm, ai nấy đều căng mắt tìm nấm.

Sau hơn một giờ len lỏi tôi và cô bạn chưa thấy cây nấm nào. Chị Nguyễn Thị Nhung (huyện Cư M’gar), người chuyên đi săn nấm mối nói, để săn được nấm, người dân phải dậy thật sớm và đặc biệt cần có duyên, may mắn. Có người tìm đến đỏ mắt không thấy nhưng có người chỉ đi vài trăm mét là gặp. Phải thật tinh mắt, khi mới nhú, chúng nằm sát dưới mặt đất, nếu mọc cao chỉ vươn lên mặt đất chừng 4-5 cm.

Bởi thế người đi tìm nấm thường phải gạt đất hoặc bới các đám lá ủ mục quanh gốc cà phê, cao su hay điều mới thấy. Thời gian sống của nấm mối rất ngắn, đến trưa, chiều nấm bắt đầu tàn hoặc bị một số động vật, côn trùng ăn. Vì vậy nên 3-4 giờ sáng người ta phải đi tìm để nấm mối không bị hư, điều đặc biệt giờ này tai nấm chưa nở, đang là búp, nhiều giá trị dinh dưỡng và ăn ngon hơn.

Chị Nhung khá sành sỏi những nơi nấm mối xuất hiện, nhoáng một lúc chị lấy được một rổ. Chị Nhung kể, trước đây đi làm thấy nấm chỉ lấy ít về ăn thay đổi. Mấy năm gần đây, nhiều người hỏi mua nấm mối, đến mùa vợ chồng chị lại đi săn bán kiếm thêm tiền. “Có ngày, lấy được cả chục ký, bán được gần cả triệu đồng. Mỗi năm, nấm mối chỉ xuất hiện một đợt trong khoảng hơn một tháng, khi bắt đầu đến mùa lạnh, số ngày đi săn cũng đếm trên đầu ngón tay. Tùy thời tiết thay đổi, có nơi nấm mọc sớm hoặc trễ. Đây là món ngon, quý hiếm nên năm nào cũng sốt giá”, chị Nhung cho biết.

Bà Thái Thị Hải tìm nấm gần đó tiếp chuyện, nấm mối thường mọc ở những chỗ đất tơi xốp gần các tổ mối. Những người săn lâu năm thường biết vị trí nấm mọc khá chính xác. Nếu tổ mối dưới đất vẫn còn tồn tại thì chắc chắn họ lại thu được một lượng nấm mối như lần trước.

Trời sáng dần, đang lê từng bước vì chân đã mỏi rã rời thì cô bạn reo lên: “Ôi nấm”. Chúng tôi nhào đến, mùi nấm mới mọc hòa lẫn mùi lá ẩm mục xộc lên ngai ngái. Một ổ nấm búp đội lá nhô lên, có những cây đã nở bung nhú lên khỏi lớp lá cà phê khô phủ dày mặt đất. “Bên dưới ổ nấm này chắc chắn là ổ mối. Còn tại sao thì chúng ta nên đi nhờ các chuyên gia giải thích”, cô bạn hài hước.

Loại "lộc rừng" bé tí bé tẹo chỉ người có duyên và "nhẹ vía" mới gặp được, ngày số hên được cả vài triệu đồng - Ảnh 1.

Một ổ nấm mối nở bung được lấy từ vườn cà phê

Ðặc sản của đất

Trên đường về nhà, bà Hải kể, nấm mối ngon nhất khi còn là búp, mọc nhiều nhất trong thời điểm thời tiết mưa nắng đan xen. Đến mùa, bà Hải cùng nhiều hộ dân quanh khu vực lặn lội vào các rẫy cà phê, cao su tìm nấm mối.

Theo lời bà Hải, trước đây nấm mối mọc nhiều ở vườn, rẫy cà phê, thậm chí bên lề đường, bờ rào…bây giờ ít, tìm khó hơn, có lẽ do người ta sử dụng nhiều các loại thuốc trừ cỏ và bảo vệ thực vật làm mất môi trường sinh trưởng tự nhiên của nấm. Thêm nữa nhiều người đào bắt mối chúa ngâm rượu, nên tổ mối cũng kiệt dần.

“Người tìm nấm phải phân biệt được ụ nấm mình tìm là nấm mối hay nấm độc. Có nhiều loại nấm độc hình thù gần giống nấm mối, nên việc sai lầm này rất nguy hiểm. Theo kinh nghiệm của những người săn nấm, nấm mối chỉ xuất hiện ở nơi có nhiều mối đất sinh sống, làm ổ. Muốn biết phải hay không chỉ cần đào khoảng đất nhỏ xung quanh, nếu thấy con mối đất, đó chắc chắn đó là nấm mối”, bà Hải thông tin.

Sau gần 4 tiếng đi “săn”, chúng tôi về đến nhà gần 7 rưỡi sáng. Rổ nấm mối được cô bạn làm sạch vỏ ngoài và đất bám, chế biến thành hai món: Nấm mối xào tỏi và canh nấm mối ăn với cơm. Nấm mối có thể coi là ngon nhất trong các loại nấm mà tôi từng ăn. Thích cái vị ngọt chân chất của nó, cọng nấm dai, hương vị khó lẫn với loại nấm khác. Quả thực, cơ hội để thưởng thức các món chế biến từ nấm mối khá hiếm hoi. Đợt này, tôi cũng biết thêm tại sao người ta chọn săn nấm mối vào lúc trời còn đang tối vì giúp họ dễ phát hiện ra ổ nấm do chúng phản xạ với ánh sáng đèn pin.

Theo chị Nguyễn Thị Nhung (huyện Cư M’gar) người có thâm niên gần 10 năm săn nấm mối, về quá trình hình thành nấm mối chưa thấy khoa học nào khẳng định nấm mối là do ổ mối tạo ra. Theo kinh nghiệm dân gian, nấm mối xuất hiện hàng năm là do các ổ mối nằm sâu dưới đất tiết ra men vi sinh, khi gặp thời tiết thích hợp, nấm sẽ phát triển nên mới gọi là nấm mối. Nấm mối có giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng chống lão hóa, ngăn ngừa một số bệnh.

Tại các nhà hàng và khu du lịch, món ăn từ nấm mối được thực khách rất ưa chuộng. Chủ một điểm du lịch ở thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) cho biết, nấm mối đã chứa một chất ngọt tiềm ẩn nên khi chế biến không cần phải thêm gia vị vì sẽ làm mất hương vị đặc trưng của nấm. Nấm mối có thể nấu nhiều món, cháo nấm mối thịt gà, hoặc xào độc lập, xào với một số loại rau hay nấu canh…chỉ vậy thôi, ai ăn một lần nhớ mãi mùi vị thơm ngon, ngọt béo.

Chị Chu Thị Thắng (thành phố Buôn Ma Thuột), thương lái chuyên thu mua, bán đặc sản tại Đắk Lắk cho biết, nấm mối luôn là mặt hàng bán chạy và thường cháy hàng vì số lượng khá ít. Năm nay chị thu mua nấm mối trực tiếp từ người dân đi lấy về sau đó bỏ cho các mối xung quanh thành phố để xuất đi các tỉnh. Vì khá hiếm lại khó bảo quản nên mỗi ngày chị chỉ bán tầm 20-30 kg nấm mối tươi, giá dao động từ 250 - 300 nghìn đồng/kg.

Nguyễn Thảo (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem