Loài sinh vật có giá đắt hơn tôm sú, nhiều người mua về ăn mà không biết là loài "hung hăng" bị cấm nhập khẩu

Phạm Văn Thế Chủ nhật, ngày 23/06/2024 16:08 PM (GMT+7)
Thời gian gần đây, tôm hùm đất sống được rao bán khá nhiều trên chợ mạng. Khảo sát trên các chợ hải sản online cho thấy, tôm hùm đất sống nhập từ Trung Quốc có giá bán lẻ từ 360.000-370.000 đồng/kg, giảm 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận 0

Dù giá tôm hùm đất đang đắt hơn tôm sú, tôm càng và tôm bạc của Việt Nam nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, tìm mua. 

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng lại không biết đây là loài sinh vật ngoại lai, có thể gây hại cho hệ thống tưới tiêu nông nghiệp, phá hỏng nền đất, và là vật chủ của nhiều mầm bệnh có thể phát tán ra ngoài môi trường.

Tôm hùm bị cấm theo pháp luật Việt Nam, thậm chí có thể bị xử lý hình sự đến 07 năm tù hoặc bị phạt lên tới 1 tỷ đồng về tội nhập khẩu, phát tán động vật, thực vật ngoại lai xâm hại, hoặc có nguy cơ gây hại.

Loài sinh vật có giá đắt hơn tôm sú, nhiều người mua về ăn mà không biết là loài "hung hăng" bị cấm nhập khẩu- Ảnh 1.

Tôm hùm đất. Ảnh: Roberto Ferrari, chụp tại Campogalliano (Modena), Italy.

Tác động tiêu cực của tôm hùm đất đối với môi trường sinh thái

Tôm hùm đất, còn được gọi là tôm hùm nước ngọt hay tôm hùm Louisiana, có tên khoa học là Procambarus clarkii. Chúng có nguồn gốc từ miền nam Hoa Kỳ và phía đông bắc Mexico, và còn được tìm thấy trên các châu lục khác.

Tôm hùm đất thích sống trong môi trường nước ngọt ấm như sông, hồ, ao, suối, kênh, mương và đầm lầy ngập nước theo mùa. Chúng có thể phát triển một cách nhanh chóng ngay cả khi nguồn nước chỉ có theo mùa, và có thể chịu đựng tình trạng khô hạn lên đến bốn tháng. Loài này còn có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện thủy vực khác nhau, chẳng hạn như độ mặn trung bình, nồng độ oxi thấp, nhiệt độ khắc nghiệt, và môi trường ô nhiễm.

Tôm hùm đất đã được quan sát thấy làm giảm đáng kể sự phong phú, đa dạng hoặc khối lượng sinh khối của nhiều loài bản địa, bao gồm cả ăn thịt lưỡng cư, côn trùng, ốc sên, và thực vật thủy sinh. Ngoài ra, tôm hùm đất cũng gây ra tác động tiêu cực đối với ngành công nghiệp đánh bắt thương mại bằng cách hủy hoại lưới, ăn trứng cá, cạnh tranh thức ăn với cá tilapia, giảm số lượng thực vật thủy sinh chìm và làm xáo lộ các khu đẻ trứng của Tilapia zilli. 

Cụ thể, chúng cạnh tranh với tôm bản địa: Tôm hùm đất rất hung hăng nên chúng có thể tấn công các loài tôm bản địa nhằm tranh giành thức ăn trong môi trường tự nhiên. Đặc biệt, các loài nguy cấp bao gồm loài Austropotamobius pallipes, Astacus astacus, Austropotamobius torrentium đã suy giảm đáng kể do sự cạnh tranh và truyền bệnh từ tôm hùm đất.

Giảm đa dạng sinh học của thực vật thủy sinh: Hoạt động ăn thực vật dữ dội của tôm hùm đất thường gây giảm sinh khối và đa dạng sinh học của thực vật thủy sinh cỡ lớn.

Thay đổi chất lượng nước và đặc điểm trầm tích: Hoạt động kiếm ăn và hành vi đào hang của tôm hùm đất làm thay đổi chất lượng nước, tăng sự xáo trộn sinh học, và gia tăng giải phóng chất dinh dưỡng từ trầm tích.

Gây thiệt hại cho hệ thống tưới tiêu nông nghiệp: Khi về đêm, tôm hùm đất thường tập trung nhiều dưới đáy, chúng bắt đầu đào những hang sâu từ 1-2m để trú ẩn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ thống tưới tiêu, đê điều thủy lợi, gây xói mòn kênh, hư hỏng nền đất.

Là vật chủ của nhiều mầm bệnh: Tôm hùm đất còn là vật chủ của nhiều mầm bệnh có thể phát tán ra ngoài môi trường.

Loài sinh vật có giá đắt hơn tôm sú, nhiều người mua về ăn mà không biết là loài "hung hăng" bị cấm nhập khẩu- Ảnh 2.

Tôm hùm đất là loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm, nhưng nhiều người vẫn mua về chế biến thành các món ăn. Ảnh: Slav Yakounin (nguồn Wikimedia)

Tôm hùm đất Procambarus clarkii đã gây ra ảnh hưởng lớn đối với môi trường sinh thái ở nhiều quốc gia trên thế giới

Tại Hoa Kỳ và Mexico: Tôm hùm đất có nguồn gốc từ miền nam Hoa Kỳ và phía đông bắc Mexico, và hiện là loài tôm hùm phân bố rộng nhất trên thế giới. Chúng đã gây ra những thiệt hại về nông nghiệp và thủy sản. 

Tại Châu Âu: Tôm hùm đất đã được du nhập và gây ra một dịch hại xâm lấn nghiêm trọng. Cụ thể, ở Tây Ban Nha, sự xuất hiện của P. clarkii đã gây ra sự giảm 99% về phủ cây thủy sinh, dẫn đến mất mát 71% số loài giáp xác nhỏ, giảm 83% số loài lưỡng cư, giảm 75% số loài vịt, và giảm 52% số loài chim nước.

Tại Trung Quốc: Tôm hùm đất được nuôi nhiều và tạo ra giá trị kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động đào hang của chúng đã gây ra những hậu quả đối với đê, mương và hệ thống tưới tiêu, dẫn đến mất nước và gây thiệt hại cho đồng ruộng. Còn tại Nhật Bản, tôm hùm đất cũng đã gây ra tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái nước ngọt...

Trước thực trạng này, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp pháp lý để ngăn chặn sự xâm lấn của tôm hùm đất. Cụ thể, ngày 27/5/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2417/BTNMT-TCMT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng cục Hải quan; Tổng cục Quản lý thị trường; Cục Cảnh sát môi trường đề nghị phối hợp tăng cường kiểm soát loài tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii.

Loài tôm hùm nước ngọt là loài có nguy cơ xâm hại theo quy định tại Phụ lục II của Thông tư 35/2018/TT-BTNMT, đồng thời cũng không phải loài trong Danh mục thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.

Việc vận chuyển, buôn bán, hoặc nhân nuôi trái phép Tôm hùm đất Procambarus clarkii ở Việt Nam có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Theo Công văn 6361/BNN-TY 2023 của Bộ NNPTNT, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tại các cảng hàng không, cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, đường sông, đường biển… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống trái phép vào Việt Nam.

Theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, hành vi nhập khẩu trái phép loài thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Ngoài ra, việc buôn bán, vận chuyển trái phép tôm hùm đất có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng hoặc đến 07 năm tù theo Điều 246, Bộ Luật Hình sự năm 2017 về tội nhập khẩu, phát tán động vật, thực vật ngoại lai xâm hại, hoặc có nguy cơ gây hại.

Để ngăn chặn sự xâm nhập của loài này, cần có các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ, giáo dục cộng đồng về nguy cơ, và thiết lập hệ thống giám sát sinh vật xâm lấn. Nếu phát hiện sự hiện diện của Procambarus clarkii, cần thông báo ngay lập tức cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem