Trồng cây dược liệu, chàng kỹ sư công nghiệp người Tày Thái Nguyên giúp nhiều bà con có thu nhập ổn định

Hà Thanh - Kiều Hải Chủ nhật, ngày 23/06/2024 13:10 PM (GMT+7)
Trải qua nhiều công việc khác nhau, chàng kỹ sư công nghiệp người Tày ở Thái Nguyên đã quyết định trở về quê bám đất, bám rừng, phát triển mô hình trồng cây dược liệu, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với thu nhập ổn định.
Bình luận 0

Sinh ra và lớn lên ở xã Yên Trạch, một xã nghèo của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, năm 2014 anh Nguyễn Quốc Hoàng (SN 1991, người dân tộc Tày) tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên. 

Trải qua nhiều công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đến năm 2020 anh Hoàng quyết định về quê khởi nghiệp với niềm đam mê nông nghiệp và quyết tâm bám đất bám rừng. Nhiều người cho rằng đây sẽ là một quyết định mạo hiểm đối với chàng kỹ sư công nghiệp ngành kỹ thuật máy tính.

Trồng cây dược liệu, chàng kỹ sư công nghiệp người Tày Thái Nguyên giúp nhiều bà con có thu nhập ổn định- Ảnh 1.

Giàn mướp đắng rừng xanh mướt được trồng theo hướng hữu cơ của HTX Nông nghiệp Tiên Phong (xã Yên Trạch, huyện Phú Lương). Ảnh: Quốc Hoàng.

Nhưng, với suy nghĩ mỗi sự lựa chọn đều mang lại cho mình những cơ hội và thách thức, chỉ cần đủ đam mê và không ngừng sáng tạo thì con đường đi đến thành công sẽ luôn rộng mở. 

Nghĩ là làm, năm 2018 anh Hoàng tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp Tiên Phong chuyên về lĩnh vực trồng cây dược liệu, trong đó chủ yếu là cà gai leo. Lúc bấy giờ, HTX vẫn còn non trẻ chỉ với 7 thành viên, chưa có nhiều kinh nghiệm nên mô hình trồng cà gai leo bước đầu đã không thành công.

Tuy nhiên, "vấp ở đâu đứng lên ở đấy", anh Hoàng đã mạnh dạn tiếp nhận lại HTX và trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Tiên Phong.

Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề thuốc nam nên anh Hoàng được thừa hưởng và biết khá nhiều loài cây thảo dược mọc trên rừng núi phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên. Nhưng để hiểu sâu hơn, anh lựa chọn theo học lớp Trung cấp Y học cổ truyền và đã tốt nghiệp năm 2022.

Qua quá trình tìm tòi, học hỏi thấy được những thế mạnh của vùng đất quê nhà, anh Hoàng đã quyết định chọn cây mướp đắng rừng để trồng và phát triển. Ban đầu, anh trồng thử nghiệm trên diện tích 0,8 ha và đã thành công, đem về doanh thu hơn 500 triệu đồng.

Trồng cây dược liệu, chàng kỹ sư công nghiệp người Tày Thái Nguyên giúp nhiều bà con có thu nhập ổn định- Ảnh 2.

Anh Hoàng chọn cây mướp đắng rừng để trồng và phát triển trên diện tích lớn. Ảnh: Quốc Hoàng

Năm 2024, anh Hoàng đã mở rộng quy mô, nâng tổng diện tích trồng mướp đắng rừng lên 3,3 ha và đưa cây mướp đắng rừng trở thành cây trồng chủ lực của Hợp tác xã. Cùng với đó, anh trồng đan xen các loại cây dược liệu khác như: Khôi nhung, đu dủ, ba kích... tất cả đều được trồng hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Dự kiến, đầu năm 2025 anh sẽ mở rộng diện tích trồng thêm 4 ha mướp đắng rừng nữa để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Hoàng cho biết: Từ quả mướp đắng rừng, HTX đã nghiên cứu và sản xuất ra các sản phẩm có công dụng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh như: Trà mướp đắng rừng thái lát, trà mướp đắng rừng sấy khô nguyên quả và trà túi lọc.

Trồng cây dược liệu, chàng kỹ sư công nghiệp người Tày Thái Nguyên giúp nhiều bà con có thu nhập ổn định- Ảnh 3.

Mướp đắng rừng được trồng tại HTX nông nghiệp Tiên Phong (Phú Lương, Thái Nguyên). Ảnh: Quốc Hoàng.

Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn phát triển thêm các sản phẩm từ các loại cây dược liệu khác với tất cả 15 sản phẩm như: Cao dạ dày, cao mỡ máu, cao xương khớp, cao bôi ngoài da, cao dược liệu khôi nhung, cao lá gan, cao dược liệu cà gai leo, lá nam đắp xương khớp... 

Đến nay, tất cả các sản phẩm đều có tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm và được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2023 HTX đã bán ra thị trường khoảng 4.000 sản phẩm các loại. Trong năm 2024, HTX phấn đấu đạt chứng nhận hữu cơ, VietGAP và OCOP đối với các sản phẩm.

Trồng cây dược liệu, chàng kỹ sư công nghiệp người Tày Thái Nguyên giúp nhiều bà con có thu nhập ổn định- Ảnh 4.

Năm 2024, anh Hoàng dự kiến sẽ xây dựng thương hiệu OCOP đối với sản phẩm quả mướp đắng rừng. Ảnh: Quốc Hoàng

Ngoài ra, HTX còn xây dựng được một trung tâm chăm sóc sức khỏe hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp bằng phương pháp vật lý trị liệu kèm đắp thuốc nam chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân, được bà con tin tưởng.

Đến nay, số lượng thành viên của HTX đã tăng lên 14 người, trong đó, HTX đang tạo việc làm cho gần 20 lao động chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với việc bán hàng thông qua phương thức truyền thống, HTX còn chú trọng phát triển công nghệ thông tin, xây dựng đội ngũ bán hàng, quảng bá và tư vấn sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Nhờ đó, các sản phẩm của HTX được đưa ra thị trường ngày một rộng lớn, nhanh chóng và hiệu quả.

Bà Trịnh Ngọc Trà – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lương đánh giá: Mô hình phát triển kinh tế của HTX Nông nghiệp Tiên Phong nói chung và của anh Nguyễn Quốc Hoàng nói riêng là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương đã được nhiều lãnh đạo, doanh nghiệp cũng như HTX trong và ngoài tỉnh đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm. 

Ngoài ra, anh Hoàng còn được mời tham gia nhiều chương trình giới thiệu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên... Đặc biệt, năm 2022, anh Hoàng nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên vì có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất.

Bên cạnh việc tham gia phát triển kinh tế, anh Hoàng còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, ủng hộ giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách tại địa phương. 

Quá trình khởi nghiệp của anh Hoàng không chỉ khẳng định giá trị của sự sáng tạo và kiên trì mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững và gắn kết cộng đồng, từ đó góp phần nâng cao đời sống và kinh tế cho người dân trên địa bàn và các vùng lân cận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem