Loài vật nuôi mang về 1.400 tỷ đồng/năm, Bắc Giang quyết định chi 1.300 tỷ lập vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 27/04/2021 12:24 PM (GMT+7)
Theo Đề án "Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021 - 2025", tổng kinh phí thực hiện trong 5 năm là trên 1.300 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 7,5 tỷ đồng còn lại là kinh phí của người chăn nuôi.
Bình luận 0

Nuôi gà đặc sản, chỉ 1 huyện của Bắc Giang đã thu về 1.400 tỷ đồng/năm

Tỉnh Bắc Giang là tỉnh luôn đứng trong nhóm có tổng đàn gà lớn nhất cả nước. Chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tập trung chính ở một số huyện như: Yên Thế, Tân Yên, Lục Nam. Tính đến năm 2020, tổng đàn gà toàn tỉnh đạt 15,7 triệu con.

Bắc Giang: 1,3 nghìn tỷ đồng xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho gà đồi Yên Thế - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Cục Thú y (Bộ NNPTNT) và lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang kiểm tra công tác an toàn dịch bệnh tại HTX giống gia cầm Mạnh Ngân ở bản Rừng Dài, xã Tam Tiến (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang).

Theo ông Lê Văn Dương - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang cho biết, trong những năm gần đây việc vận chuyển tiêu thụ gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, bán chạy ra súc, gia cầm mắc dịch bệnh vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh dẫn đến nguy cơ cao phát sinh, lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Trong giai đoạn 2018 - 2020, bệnh tụ huyết trùng gia cầm, dịch tả vịt, Niu-cát-xơn trên gà phát sinh lẻ tẻ tại các địa phương trong tỉnh. Tháng 3/2020, dịch cúm gia cầm xảy ra tại huyện Hiệp Hòa làm 1.388 con gia cầm bị mắc bệnh và tiêu hủy.

Đứng trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngày càng phức tạp, ngày 4/12/2020, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025". 

Đề án với mục đích từng bước nâng cao chất lượng, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh cho đàn vật nuôi, trong đó, một trong những giải pháp hiệu quả là xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Bắc Giang: 1,3 nghìn tỷ đồng xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho gà đồi Yên Thế - Ảnh 3.

Hiện, HTX giống gia cầm Mạnh Ngân có 9 thành viên, quy mô đàn gia cầm bố mẹ trên 1 vạn con.

Theo đó, mục tiêu của dự án là xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà của huyện Yên Thế, bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Cụ thể, xây dựng 30 trang trại gà an toàn dịch bệnh trong năm 2021; xây dựng 19/19 xã, thị trấn thuộc huyện Yên Thế là cơ sở an toàn dịch bệnh trong giai đoạn 2021 - 2022; hoàn thành việc khống chế bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn trên gà tại huyện Yên Thế (Cục Thú y thẩm định, công nhận trong năm 2022).

Tham gia Đề án, các hộ chăn nuôi sẽ được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuyên truyền và Hội nghị. Bên cạnh đó, được hỗ trợ về vaccine, hóa chất. 

Ngoài ra, khi tham gia sẽ được thẩm định chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, giám sát hàng năm và hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại cho sản phẩm chăn nuôi.

Theo Đề án, tổng kinh phí thực hiện từ 2021 - 2025 là hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 7,5 tỷ đồng còn lại là kinh phí của người chăn nuôi.

Bắc Giang: 1,3 nghìn tỷ đồng xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho gà đồi Yên Thế - Ảnh 5.

Lãnh đạo Cục Thú y (Bộ NNPTNT) và Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang kiểm tra chuỗi thực phẩm sạch của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế.

Để triển khai thực hiện Đề án, sáng nay (26/4), tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị Triển khai và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác 3 bên giữa Cục Thú y (Bộ NNPTNT) - Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Yên Thế.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết, quy mô tổng đàn gà của huyện luôn duy trì ổn định từ 3,8 - 4,2 triệu con/năm. Hàng năm cung cấp ra thị trường 10 - 12 triệu con, giá trị sản xuất khoảng 1.400 tỷ đồng (chiếm 60% giá trị ngành chăn nuôi của huyện).

"Để tiếp tục giữ vững và phát triển thương hiệu gà đồi Yên Thế một cách bền vững. Bên cạnh việc thực hiện tốt đồng bộ các giải pháp thì một nhiệm vụ rất quan trọng là người chăn nuôi phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cho đàn gà thông qua việc tổ chức thực hiện hiệu quả của Đề án" - ông Sơn nói.

Bắc Giang: 1,3 nghìn tỷ đồng xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho gà đồi Yên Thế - Ảnh 6.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) phát biểu tại Hội nghị.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đề nghị Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Thế cần phải tổ chức quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ. Đặc biệt, chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng trị bệnh để đảm bảo không lây lan trên diện rộng.

Ông Đông cũng cho biết, khảo sát tại các tỉnh, thực trạng hệ thống thú y cho thấy có rất nhiều bất cập, đặc biệt bị "đứt gãy" ở cấp huyện, xã.

"Đề nghị Bắc Giang cần phải củng cố mạng lưới thú y, đặc biệt là các trạm thú y ở cấp huyện và các chốt kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm" - ông Đông nhấn mạnh.

Bắc Giang: 1,3 nghìn tỷ đồng xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho gà đồi Yên Thế - Ảnh 7.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Cục Thú y - Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang - UBND huyện Yên Thế.

Cũng tại Hội nghị, Cục Thú y, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Thế đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Đề án "Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025".

Ông Bạch Trọng Tọa, Giám đốc Trung tâm Gà giống gốc Dabaco Yên Thế cho hay, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn huyện Yên Thế là một vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách. Đây là sẽ yếu tố giúp nâng cao vị thế thương hiệu gà đồi Yên Thế trên thị trường trong và ngoài nước.

"Điều quan trọng nhất là hạn chế được dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó giá trị sản phẩm được nâng lên, tăng mức thu nhập cho người chăn nuôi, dần thay đổi thói quen chăn nuôi và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường" - ông Tọa chia sẻ.







Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem