Loạt ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn “khủng”, top đầu sẽ có xáo trộn mạnh?
Loạt ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn “khủng”, top đầu sẽ có xáo trộn mạnh?
Phong Bình
Thứ hai, ngày 01/04/2024 11:20 AM (GMT+7)
Năm 2023 đã chứng kiến năm tăng vốn mạnh của ngành ngân hàng. Đến nay, Việt Nam đã có 12 ngân hàng thương mại có quy mô vốn điều lệ đạt trên 1 tỷ USD. Vẫn chưa dừng lại ở đó, nhiều nhà băng tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng vốn trong năm 2024 này.
Hiện VPBank đang là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất sau khi tăng vốn thành công. Các ngân hàng Big 4 vẫn đang nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng vốn của mình.
Được biết, năm nay Vietcombank vẫn tiếp tục trình cổ đông kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài. Mục tiêu này đã được đưa ra từ năm 2019, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
BIDV chưa có chi tiết các nội dung kế hoạch tăng vốn trình cổ đông năm nay, tuy nhiên năm 2023, BIDV cũng đã có kế hoạch phát hành thêm 455 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ. Đầu năm 2024, BIDV đã có nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường nhằm điều chỉnh thời gian thực hiện sang "trong năm 2024".
Còn VietinBank (CTG) cũng đã có Nghị quyết thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 bằng việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với giá trị 11.647 tỷ đồng. Năm ngoái, CTG cũng đã tăng vốn thêm 5.642 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên 53.700 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận để lại của năm 2020.
Gây chú ý là Techcombank (TCB) khi trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, ngân hàng đặt mục tiêu tăng vốn đến 100%. Hiện TCB đang nằm trong top 10 những nhà băng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống với 35.225 tỷ đồng.
Theo kế hoạch trình cổ đông, TCB dự kiến phát hành thêm 3.522 triệu cổ phần tương đương tỷ lệ phát hành 100%. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của TCB sẽ đạt mức 70.450 tỷ đồng, vượt qua Big 4 hiện tại và tiến thẳng vào Top 2 nhà băng có vốn điều lệ lớn nhất.
Trước đó hồi 2023, trong khi nhiều nhà băng khác tăng vốn mạnh thì vốn điều lệ của TCB chỉ nhích nhẹ thêm gần 53 tỷ khi phát hành ESOP cho người lao động.
Hàng loạt nhà băng lên phương án tăng vốn điều lệ
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng đặt mục tiêu phát hành cao trong năm nay. LPB cho biết, việc tăng vốn điều lệ ngân hàng có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng tốt các chỉ tiêu an toàn, nâng cao khả năng quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng đồng thời mở rộng quy mô cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng, tăng độ tin cậy và uy tín.
Với định hướng này, LPB lên phương án tăng thêm tối đa 8.000 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua việc chào bán thêm tối đa 800 triệu cổ phiếu ra công chúng, chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán không thấp hơn mệnh giá.
Dự kiến, LPB sẽ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán này để cho vay ngắn hạn 4.528 tỷ đồng và trung hạn 3.472 tỷ đồng trong lĩnh vực Nông nghiệp nông thôn, tiêu dùng, thương mại, công nghiệp chế biến sáng tạo… giai đoạn 2024 – 2025.
Trước đó năm 2023, LPB cũng đã tăng vốn điều lệ thêm 8.285 tỷ đồng. Nếu thành công huy động trong năm 2024, vốn điều lệ của LPB sẽ đạt trên 33.576 tỷ đồng.
Còn đối với NCB, đầu năm 2024, NCB đã được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng theo hình thức phát hành riêng lẻ. Hiện vốn điều lệ của NCB là 5.601 tỷ đồng, sau khi phát hành thành công 620 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ đạt 11.802 tỷ đồng. Kế hoạch tăng vốn này tiếp tục được đưa vào trong chương trình nghị sự ĐHĐCĐ thường niên 2024 của NCB. Được biết, NCB sẽ dành phần lớn (5.300 tỷ đồng) từ đợt phát hành này để bổ sung nguồn vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh, khoảng 900 tỷ đồng còn lại sẽ được đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu và nâng cấp cơ sở vật chất.
Các nhà băng khác cũng lần lượt hé lộ kế hoạch tiếp tục tăng vốn trong năm 2024 như OCB muốn tăng thêm 4.168 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, phát hành ESOP và phát hành cổ phiếu riêng lẻ; VIB tăng vốn từ 25.368 tỷ đồng lên tối đa 29.791 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông tỷ lệ tối đa 17% và cho cán bộ nhân viên tối đa 0,44%; SeABank cũng muốn tăng thêm 5.043 tỷ đồng thông qua phát hành thêm cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 13,18%, phát hành ESOP 1,8% và chào bán cổ phiếu riêng lẻ/hoán đổi nợ tỷ lệ 4,8%.
Mới đây, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Nam Á Bank cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ của ngân hàng thêm 3.145 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ 10.580 tỷ đồng lên 13.725 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (2.645 tỷ đồng) và phát hành ESOP (500 tỷ đồng).
Vẫn còn nhiều nhà băng chưa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên, tuy nhiên với xu thế hiện tại, danh sách tăng vốn điều lệ ngành ngân hàng sẽ vẫn tiếp tục dài thêm. Nếu được ĐHĐCĐ thông qua và tăng vốn thành công, bản đồ quy mô vốn điều lệ ngân hàng sẽ còn tiếp tục thay đổi lớn trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.