Vừa qua, 7 trường đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác tham gia tổ chức và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì năm 2022. Các trường này gồm có: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Công nghệ giao thông vận tải, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Thăng Long, Đại học Thủy lợi.
Các trường sẽ có trách nhiệm trao đổi, phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy và xét tuyển, đồng thời cùng giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, các trường cũng sẽ cùng phối hợp và hỗ trợ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong công tác xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022.
Kỳ tuyển sinh đại học năm 2020 là năm đầu tiên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội triển khai, áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả bài kiểm tra tư duy. Trường đã tổ chức kỳ thi làm bài kiểm tra tư duy cho hơn 5.600 thí sinh tham gia tại 2 điểm thi Hà Nội và Thanh Hóa. Năm học 2021, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục hoàn thiện phương thức thi kiểm tra tư duy này để mở rộng phạm vi áp dụng và tuyển sinh. Tuy nhiên, sau đó trường đã phải quyết định dừng tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy do diễn biến dịch bệnh Covid-19 có nhiều phức tạp trên cả nước.
Theo đại diện lãnh đạo trường đại học Bách Khoa Hà Nội, đây chính là tiền đề quan trọng cho sự hợp tác giữa các trường đại học trong việc hợp tác sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển đại học năm 2022, giúp cho người học giảm áp lực số lần thi cử và cũng nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào cho các trường đại học.
Hồi tháng 10 năm nay, trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học (ĐH) năm học 2021-2022, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, Bộ GDĐT khuyến khích các trường ĐH chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo. Đồng thời, tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi, tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục ĐH và trung tâm khảo thí độc lập.
Yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đặt ra cho các cơ sở đào tạo là tổ chức tuyển sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng. Đổi mới công tác tuyển sinh, đề án tuyển sinh, xác định phương thức, hình thức tuyển sinh cần phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính công khai, minh bạch theo quy định. Chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng phương án tổ chức tuyển sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp.
Trao đổi với PV Dân Việt, Phó hiệu trưởng một trường đại học ở Hà Nội cho rằng, mong muốn các trường hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung của bộ là rất đúng xu thế nhưng chưa thể thực hiện được ngay trong năm 2022, đồng thời, vị này khẳng định, trường sẽ cân nhắc phương án tuyển sinh phù hợp để không gây sốc cho thí sinh và cũng tránh tốn kém.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.