Loạt vấn đề giao thông "nóng" đang chờ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giải đáp
Loạt vấn đề giao thông "nóng" đang chờ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giải đáp
Thế Anh
Thứ ba, ngày 06/06/2023 10:47 AM (GMT+7)
Những năm qua, ngành GTVT chưa bao giờ hết "nóng" và có nhiều thách thức đối với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khi phải "gồng gánh" trách nhiệm với hàng loạt dự án giao thông lớn, những vấn đề tồn đọng nhiều năm chậm được giải quyết từ dự án cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành.
Theo Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tuần làm việc thứ 3 diễn ra từ ngày 5/6- 11/6/2023, trọng tâm là hoạt động chất vấn. Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và 4 Bộ trưởng.
Tại phiên chất vấn lần này, giao thông Vận tải là nhóm vấn đề cuối cùng được chất vấn trước Quốc hội. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng sẽ trả lời về giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa.
Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Thực tế, trong những năm qua, ngành GTVT chưa bao giờ hết "nóng" và có nhiều thách thức đối với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khi phải "gồng gánh" trách nhiệm với hàng loạt dự án giao thông lớn, những vấn đề tồn đọng nhiều năm chậm được giải quyết từ dự án cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành.
Đặc biệt, vấn đề đăng kiểm phương tiện giao thông, sát hạch cấp giấy phép lái xe đang là vấn đề "nóng" gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, cần được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giải đáp.
Cùng với đó, năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn 94.161 tỷ đồng. Đây cũng là giá trị vốn được giao lớn nhất của Bộ GTVT từ trước tới nay. Việc "tiêu" hết nguồn vốn được bố trí là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, cần có những cách làm, giải pháp đột phá đang chờ Tư lệnh ngành GTVT phía trước.
Sửa sai lĩnh vực đăng kiểm
Từ tháng 10/2022 đến nay, cơ quan thực thi pháp luật đã khám xét và khởi tố bắt giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các Trung tâm đăng kiểm đã có 106/281 trung tâm phải dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra.
Đối với phương tiện thủy, đã điều tra, khởi tố, bắt tạm giam nhiều lãnh đạo và đăng kiểm viên của Phòng Tàu sông thuộc Cục ĐKVN. Hiện có 68 vụ án đã khởi tố, khám xét 103 trung tâm, 4 Chi cục đăng kiểm; khởi tố gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên với nhiều tội danh khác nhau.
Cùng đó, đình chỉ sinh hoạt đảng đối với 24 đảng viên; xử lý kỷ luật đảng bằng hình thức khai trừ Đảng đối với 49 đảng viên, 10 chi bộ đảng bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Bộ GTVT xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bị khởi tố, bắt tạm giam.
Việc hàng loạt lãnh đạo, nhân viên đăng kiểm vướng vòng lao lý đã bộc lộ rõ những "lỗ hổng" trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đăng kiểm. Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm đã thẳng thắn nhận thấy trách nhiệm của mình đối với lĩnh vực đăng kiểm.
Đã có những ngày tháng tình trạng ùn tắc đăng kiểm kéo dài, người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do phương tiện không được đăng kiểm kịp thời khiến cho các phương tiện phải "đắp chiếu" không được tham gia giao thông.
Nhận thức rõ những "lỗ hổng" dẫn tới sai phạm, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định pháp luật, Thông tư liên quan. Các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT cũng chưa sát sao, kịp thời nhận diện những bất cập, phát sinh để tham mưu chỉ đạo sửa đổi cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn; công tác thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu.
"Sàng lọc" đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe
Đối với lĩnh vực công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã thừa nhận một số nơi có hiện tượng buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực.
Ngay từ đầu năm 2023, Bộ GTVT đã quyết định thành lập các Đoàn kiểm tra toàn diện, tổng thể công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của các sở giao thông vận tải trên phạm vi toàn quốc đồng thời quán triệt quá trình kiểm tra phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, nghiêm túc, làm đến đâu xử lý sai phạm đến đó; chịu trách nhiệm trước bộ và pháp luật về kết quả thanh, kiểm tra.
Bộ GTVT nhận thấy có tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, thực hiện của sở giao thông vận tải tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực như việc khai thác dữ liệu thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành (DAT) để quản lý công tác đào tạo còn hạn chế; chưa kiểm tra, giám sát khoá học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế; để cơ sở đào tạo gửi báo cáo qua phần mềm chậm nhiều ngày; xét duyệt thí sinh đạt điều kiện dự sát hạch khi chưa đối chiếu đầy đủ dữ liệu qua hệ thống DAT; có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau, sát hạch viên trao đổi với thí sinh trong sát hạch lý thuyết.
Đặc biệt qua công tác kiểm tra, Thanh tra Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam đã chuyển thông tin nhiều cơ sở đào tạo lái xe nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực đến cơ quan công an địa phương để xác minh, làm rõ, xử lý theo đúng thẩm quyền quy định.
Làm sao "tiêu" hết nguồn vốn được bố trí?
Trong năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn 94.161 tỷ đồng. Đây cũng là thách thức rất lớn đối với Tư lệnh ngành GTVT cũng như các chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam và các dự án giao trọng điểm.
Đến ngày 17/5, khối lượng giải ngân của Bộ GTVT đạt hơn 28.000 tỷ đồng, đạt 29,5%. Cụ thể, nhóm dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã giải ngân hơn 4.882/hơn 17.157 tỷ đồng (đạt 28,5%).
Nhóm dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân đạt hơn 14.330/gần 45.500 tỷ đồng (đạt 31,5%); nhóm các dự án trọng điểm, cấp bách đạt gần 230/hơn 18.855 tỷ đồng (đạt 12,4%)
Nhóm các dự án ODA đạt gần 3.800/gần 7.800 tỷ đồng (đạt 48,3%); nhóm các dự án trong nước khác giải ngân hơn 4.800/gần 23.000 tỷ đồng (đạt 21%).
Đến nay, Bộ GTVT đã khánh thành 5/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 gồm có: Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn; Cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45; Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ GTVT đã đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần. Dự án có tổng chiều dài 729 km được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau).
Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Với kế hoạch vốn được Chính phủ giao lên tới hơn 94.000 tỷ đồng, Bộ GTVT sẽ quyết tâm, nỗ lực tối đa để giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2023 được giao.
Để hoàn thành nhiệm vụ, Bộ GTVT đề nghị các chủ đầu, Ban quản lý dự án tập trung triển khai hoàn thiện các thủ tục để tạm ứng hợp đồng toàn bộ các gói thầu thuộc dự án cao tốc giai đoạn 2; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công, đặc biệt tại các vị trí đường công vụ, đường tiếp cận, các công trình cầu lớn, hầm, các vị trí xử lý nền đất yếu, các vị trí có khối lượng đào lớn cần điều phối sang đắp….
Nỗ lực tìm nhà thầu dự án sân bay Long Thành
Đến nay, dự án sân bay Long Thành chưa tìm được nhà thầu thi công gói thầu 5.10 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã nhiều lần xin gia hạn kéo dài thêm thời gian lựa chọn nhà thầu. Việc tiếp tục gia hạn thời gian mời thầu là để thu hút thêm các nhà thầu tham gia đấu thầu đối với gói thầu này.
Trong lúc tìm nhà thầu đủ năng lực, chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã phải xin Chính phủ cho phép xây dựng gói thầu nhà ga hành khách từ 33 tháng lên 39 tháng, kéo dài đến năm 2026 để có thời gian xây dựng và chạy thử nhà ga hành khách.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về lý do dự án chậm tiến độ, ACV cho biết đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án (dự án thành phần 3 gồm rà phá bom mìn, xây rào, san nền, móng cọc...) trên 98.500 tỉ đồng, trong đó công trình nhà ga hành khách có giá trị gần 35.000 tỉ đồng phải hủy thầu vì nhà thầu không đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra.
Cũng theo ACV, gói thầu làm nhà ga sử dụng nguồn vốn trong nước là chưa có tiền lệ. Việc đấu thầu quốc tế theo các quy định sử dụng nguồn vốn trong nước cũng gặp những hạn chế do vướng mắc giữa quy định trong nước cùng các thông lệ quốc tế.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, tổ chức ngày 3/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo việc thúc đẩy dự án sân bay Long Thành. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh: "Nếu không hoàn thành công việc thì thay người".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.