Kinh Phật có dạy: “Ta không ban phước, không giáng họa cho ai hết mà chính các người lãnh cái quả do mình gây ra” - nghĩa là: Mọi hành động của con người đều có nhân - quả. Người tạo nhân tốt lành, thường xuyên làm việc thiện thì quả tốt lành đương nhiên sẽ đến với họ mà thôi.
Tức là: Chả ai ban lộc được cho ta hết!
Thế nhưng, tôi chứng kiến không biết biết bao năm rồi, việc người người chạy vào chùa bẻ cây thậm chí chặt luôn cả nhành to đùng mang về nhà gọi là Lộc chùa!
Hỗn độn cảnh tranh cướp lộc. Ảnh minh họa: I.T
Tôi cũng chứng kiến không ít cảnh bao năm nay, người đi lễ chùa cứ đổi tiền lẻ rồi tiện tay nhét vào bất cứ nơi nào nhét được trên Tam Bảo, dưới chân tượng Phật; mang vàng mã vào đốt tung tóe... trông rất phản cảm. Tôi nói luôn: Nhà Phật, nhà chùa không có chuyện rải tiền lẻ, đốt vàng mã. Đấy là cái tội: Tội lãng phí!
Điều tôi xót xa nữa là rất nhiều người còn không phân biệt được đâu là Chùa, đâu là Đền, Đình nên dẫn tới việc thi thoảng tôi vào chùa lại thấy có người mang cả con gà trống hay cả cái thủ lợn đòi dâng lên Tam Bảo bằng được. Nhiều người giải thích mãi cũng không xong chỉ tới khi Sư trụ trì của tôi ra phân tích mới lui khỏi nhà chùa.
Vậy đi chùa sao cho đúng?
Người đi chùa chỉ cần thành tâm, nhà Phật đâu bắt mang theo lễ khi vào chùa đâu. Nếu có tâm thì chỉ mua nhành hoa, trái cây, thẻ hương và thắp đốt hương ngoài trời (không thắp hương trên Tam Bảo để tránh cháy nổ).
Còn nữa, nếu có tâm muốn công đức cho nhà chùa để duy tu, sửa chữa thì chỉ cần đặt tiền một lần vào một hòm công đức là đủ. Nhà Phật nói: "Tâm xuất Phật biết" – nghĩa là "Tâm nghĩ sao thì Phật đã tỏ".
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.