Lợi ích lớn từ việc miễn thủy lợi phí

Thứ ba, ngày 24/05/2011 06:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 23.5, Bộ NNPTNT đã tổ chức "Hội nghị trực tuyến về tăng cường quản lý thủy nông và cấp bù thủy lợi phí".
Bình luận 0

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), từ cuối năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115 về miễn thủy lợi phí đối với nông dân được giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối.

Ông Vũ Văn Thặng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đánh giá: "Kết quả phục vụ tưới tiêu của các công trình thuỷ lợi tăng lên rõ rệt kể từ khi chính sách miễn giảm thuỷ lợi phí được triển khai thực hiện. Rất nhiều hệ thống công trình thuỷ lợi được duy tu sửa chữa, hệ thống kênh mương được tu sửa nạo vét đã nâng cao năng lực, mở rộng diện tích tưới". Ông Thặng cho biết thêm, hiệu quả của chính sách này là tăng diện tích tưới chủ động, tăng năng suất lúa. Diện tích rau màu, cây công nghiệp, cây vụ đông được tưới cũng tăng mạnh.

img

Nông dân là người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc miễn thủy lợi phí.

Theo đánh giá của một số địa phương như Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Tĩnh, Ninh Thuận... kinh phí từ miễn thuỷ lợi phí được dành cho công tác duy tu, sửa chữa công trình thuỷ lợi được tăng rõ rệt. Đặc biệt, hầu hết các tỉnh vùng ĐBSCL đã dành một lượng lớn kinh phí để thực hiện duy tu các công trình cống nạo vét, khơi thông kênh rạch.

Đa phần ý kiến tại hội nghị đều cho rằng cần duy trì chính sách miễn thuỷ lợi phí, tuy nhiên các đại biểu cũng chỉ ra chính sách này còn tồn tại nhiều bất cập cần phải giải quyết nhanh. Có ý kiến cho rằng, các vùng miền núi, Tây Nguyên sẽ gặp nhiều khó khăn do việc quản lý công trình thuỷ lợi trải trên địa bàn rộng, diện tích manh mún, chi phí quản lý, vận hành công trình cao nhưng mức thu quy định thấp, do vậy mức cấp bù rất thấp. Hầu hết các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi ở các tỉnh miền núi và Tây Nguyên đều có doanh thu không đủ bù đắp các chi phí hợp lý theo quy định, dẫn đến hoạt động còn nhiều khó khăn...

Ngoài ra hiện có bất cập trong mức thuỷ lợi phí tạo nguồn và đối với diện tích phải thực hiện bơm 2 cấp hay 3 cấp. Đại diện tỉnh Nghệ An cho rằng: Trong thực tế, việc tạo nguồn tưới rất đa dạng, có công trình tạo nguồn đến đầu mối công trình; có công trình tạo nguồn đến đến kênh cấp 2, 3; có công trình chỉ tạo nguồn đến bể hút trạm bơm tưới của tổ chức hợp tác dùng nước. Do vậy, khi phân chia kinh phí giữa các công trình quản lý hệ thống thuỷ lợi tạo nguồn và các đơn vị khác rất dễ nảy sinh tranh chấp. Bên cạnh đó, mức thu thuỷ lợi phí tạo nguồn cũng còn bất hợp lý, vì nếu thực hiện như hiện nay các tổ chức quản lý sẽ không đủ bù đắp chi phí, vì cùng một diện tích, cùng một biện pháp mức thuỷ lợi phí chỉ đạt 50-60% theo quy định...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem