Lợi nhuận hàng loạt doanh nghiệp "bốc hơi" trăm tỷ sau kiểm toán, vì sao?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 04/04/2024 16:57 PM (GMT+7)
Một loạt doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bất động sản công bố báo cáo kiểm toán với lợi nhuận giảm hàng trăm tỷ đồng, thậm chí chuyển từ lãi sang lỗ.
Bình luận 0

Lợi nhuận "bốc hơi" sau kiểm toán

Trong các trường hợp báo cáo tự lập "vênh" một trời một vực với kết quả kiểm toán phải kể đến là Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG).

Theo đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2023 vừa công bố, Lộc Trời chỉ còn lãi sau thuế 16,5 tỷ đồng, giảm gần 249 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Báo cáo giải trình, LTG cho rằng lãi sau thuế giảm sau kiểm toán chủ yếu do điều chỉnh liên quan khoản giảm trừ doanh thu, giá vốn hàng bán, lãi công ty liên kết. Trong đó, khoản lãi công ty liên kết của LTG giảm mạnh từ hơn 315 tỷ đồng còn hơn 527 triệu đồng sau kiểm toán.

Lợi nhuận hàng loạt doanh nghiệp "bốc hơi" trăm tỷ sau kiểm toán, vì sao?- Ảnh 1.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2023 vừa công bố, Lộc Trời chỉ còn lãi sau thuế 16,5 tỷ đồng, giảm gần 249 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Ảnh: Lộc Trời

Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) còn gây bất ngờ hơn khi chuyển từ lãi 3,9 tỷ đồng trong báo cáo tự lập, sang lỗ sau thuế tại báo cáo kiểm toán với khoản lỗ tới 144 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến TTF chuyển từ lãi sang lỗ là do bổ sung các khoản chi phí vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Trong đó, có 72 tỷ đồng chi phí thuế và lãi chậm nộp, đồng thời trích lập dự phòng bổ sung các khoản nợ khó đòi gần 17 tỷ đồng...

Ở phía các DN ngành xây dựng và bất động sản, có trường hợp của Công ty CP đầu tư LDG (HoSE: LDG) với báo cáo tài chính kiểm toán ghi nhận lỗ ròng 527 tỷ đồng, giảm thêm hơn 153 tỷ đồng so với tự lập.

Theo giải thích từ ban lãnh đạo LDG, mức chênh này chủ yếu do đơn vị kiểm toán thực hiện điều chỉnh trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và dự phòng giảm giá hàng tồn kho với báo cáo tự lập.

Tương tự, Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (HoSE: TDH) cũng công bố BCTC kiểm toán 2023 với việc lỗ ròng thêm 14 tỷ đồng, qua đó nâng mức lỗ ròng cả năm lên hơn 62 tỷ đồng.

Theo giải trình của TDH, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch trên là vì chi phí tài chính tăng 27% so với báo cáo tự lập, do trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư; chi phí quản lý tăng 4% do tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và chi phí dịch vụ mua ngoài; từ lãi khác gần 5 tỷ đồng chuyển thành lỗ khác gần 1 tỷ đồng do điều chỉnh giảm thu nhập khác từ hoạt động thanh lý tài sản, đồng thời ghi nhận tăng chi phí khác của dự án đã hoàn thành.

"Ông lớn" Novaland (HoSE: NVL) cũng ghi nhận lợi nhuận hợp nhất sau thuế trong báo cáo kiểm toán năm 2023 đạt gần 486 tỷ đồng, giảm 199 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Như vậy, lợi nhuận sau thuế của Novaland năm 2023 giảm đến 78% so với năm 2022.

Theo giải trình của Novaland, nguyên nhân phát sinh chênh lệch chủ yếu là do khoản lỗ đến từ việc trích lập dự phòng giảm giá trị hàng tồn kho tại công ty liên kết theo yêu cầu từ đơn vị kiểm toán trên quan điểm thận trọng. Khoản trích lập dự phòng này dự kiến sẽ được hoàn nhập khi dự án tiếp tục triển khai.

Lợi nhuận hàng loạt doanh nghiệp "bốc hơi" trăm tỷ sau kiểm toán, vì sao?- Ảnh 2.

Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) từ lãi 3,9 tỷ đồng sang lỗ sau thuế tại báo cáo kiểm toán tới 144 tỷ đồng. Ảnh: TTF

Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE: NBB) cũng chỉ ghi nhận khoản lãi sau thuế 1,1 tỷ đồng năm 2023. Trước đó, doanh nghiệp báo lãi hơn 8 tỷ đồng trong báo cáo tự lập.

Theo giải trình của NBB, lãi sau thuế sau kiểm toán giảm 87% là do chi phí quản lý tăng 1,1 tỷ và chi phí khác tăng 5,8 tỷ (trích lãi chậm nộp thuế).

Ở lĩnh vực xây dựng, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) cũng ghi nhận lỗ ròng 1.111 đồng, tăng thêm 333 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Nguyên nhân đến từ việc doanh thu thuần và giá vốn của có sự điều chỉnh ngược chiều nhau, dẫn đến lãi gộp giảm 13% so với báo cáo tự lập.

Bên cạnh đó, chi phí quản lý tăng đến 57%, lên 758 tỷ đồng, phần lớn là chi phí dự phòng.

Tính đến cuối năm 2023, HBC có lỗ lũy kế 3.240 tỷ đồng. Điều này làm vốn chủ sở tính đến cuối năm 2023 còn 93,4 tỷ đồng, giảm đến 92% so với năm 2022.

Đặc biệt, phía đơn vị kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2023 của HBC liên quan đến việc thu hồi tạm ứng, thu hồi nợ; nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế hơn 3.240 tỷ đồng và một số khoản nợ quá hạn thanh toán dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HBC.

Có đáng lo?

Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, hiện tượng kết quả kinh doanh sau kiểm toán "vênh" với báo cáo tự lập cũng không quá mới hay ghê gớm, vì hai việc hạch toán và kiểm toán có những hoạt động hơi khác nhau.

Theo ông Phương, việc lập báo cáo kết quả kinh doanh thường theo ý chí của chủ doanh nghiệp, của kế toán trưởng hay kể cả giám đốc tài chính, và ý chí là thường có sao làm vây, hoặc họ muốn như thế nào thì có cách hạch toán dựa trên báo cáo. Tuy nhiên, ở dưới góc độ kiểm toán thì họ chỉ quan tâm đến việc có bằng chứng, có số liệu cụ thể và mọi thứ phải rõ ràng.

"Đôi khi phía DN thể hiện kết quả dựa trên những thông tin nội bộ họ có, những vấn đề đôi khi đang ước tính, dự trù hoặc có khi dựa trên những chi phí mà DN định hạch toán trong những lần tới… Kết quả từ đó sẽ khác biệt nhưng cũng chỉ xoay quanh vấn đề doanh thu và chi phí là chính, từ đó mới tạo ra chuyện lợi nhuận tăng lên hay âm xuống", ông Phương diễn giải.

Theo chuyên gia này, vấn đề này phụ thuộc vào quan điểm của DN và kiểm toán khác nhau mà thôi. Và kết quả cuối cùng thì vẫn phải theo phía kiểm toán vì đây là đơn vị trung lập và chuyên ngành để kiểm soát những việc DN nói đúng hay sai.

"20 năm trước đã xảy ra những vấn đề tương tự thế này nên nhà đầu tư cứ bám theo kết quả kiểm toán cũng như những kết luận của kiểm toán để căn cứ đầu tư. Việc này cũng không quá nghiêm trọng trừ những DN cố tính gian dối và làm việc gian dối này theo thời gian dài, có tính hệ thống, liên tục… thì nhà đầu tư cần cân nhắc", ông Phương nói.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng lưu ý, đợt này sau soát xét thì DN từ lời nhiều sang lời ít, từ lời ít sang không lời thậm chí là lỗ thì cũng không có nghĩa trong đợt tới DN cũng bị như thế mà đôi khi có những việc đã được hạch toán trước, được xử lý trước thì kết quả kỳ tới sẽ tốt hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem