Giá xuất khẩu gạo tăng, vì sao lợi nhuận Tập đoàn Lộc Trời giảm 94%, Công ty Trung An bị kiểm toán từ chối?
Giá xuất khẩu gạo tăng, vì sao lợi nhuận Tập đoàn Lộc Trời giảm 94%, Công ty Trung An bị kiểm toán từ chối?
Nguyễn Phương
Thứ tư, ngày 03/04/2024 14:34 PM (GMT+7)
Mặc dù giá xuất khẩu gạo thời gian vừa qua liên tục tăng và lập đỉnh, nhưng một báo cáo sau kiểm toán cho thấy, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời lại giảm đến 94%. Hiện nhiều doanh nghiệp khác cũng đang trong tình trạng "khát" dòng tiền mặt để thu mua lúa nguyên liệu.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) vừa công bố "Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023". Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời giảm tới 93,8%, tương đương giảm 249 tỷ đồng so với báo cáo tự lập chưa kiểm toán. Đây là khoản lợi nhuận sau thuế thấp nhất của Lộc Trời kể từ khi niêm yết trên sàn UPCoM.
Giải trình về sự biến động trên, ban lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời nêu 4 nguyên nhân.
Một là, các khoản giảm trừ doanh thu giảm 4,3%, tương ứng giảm 19,4 tỷ đồng và giá vốn hàng bán tăng 0,1%, tương ứng tăng 15,8 tỷ đồng do bỏ qua phần chiết khấu thương mại và chưa phản ánh phù hợp giá vốn các giao dịch bán hàng trong nội bộ tập đoàn.
Hai là, lợi nhuận từ công ty liên kết giảm tới 99,8%, tương ứng giảm 315,3 tỷ đồng. Cụ thể, việc xác định giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua chưa được phản ánh phù hợp trong Báo cáo tài chính hợp nhất do tập đoàn tự lập.
Trước đó, Lộc Trời báo lãi từ công ty liên kết tăng đột biến vào quý II, ghi nhận khoản lãi 327 tỷ đồng. Đây là phần lãi lũy kế của công ty sau khi mua Công ty cổ phần Lương thực Lộc Nhân. Lộc Nhân được Lộc Trời hoàn tất mua lại vào ngày 16/2/2023. Sau giao dịch này, tỷ lệ biểu quyết và tỷ lệ lợi ích của Lộc Trời tại đây là 49%.
Nguyên nhân thứ ba là, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 10,7%, tương ứng giảm 76,9 tỷ đồng do điều chỉnh các khoản giảm trừ doanh thu và giá vốn hàng bán tại công ty mẹ.
Bốn là, chi phí khác giảm, tương ứng giảm 3,3 tỷ đồng do hạch toán chưa phù hợp.
Đầu năm nay, Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời đã trúng thầu đơn hàng 65.000 tấn gạo cho Bulog - Cơ quan hậu cần nhà nước Indonesia. Theo đó, các phương án mua lúa, sản xuất, đóng bao và vận chuyển đã được công ty phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để triển khai.
Để huy động lượng tiền mặt rất lớn để thanh toán cho nông dân khi lúa thu hoạch rộ rất khó khăn. Đồng thời, do tập quán kinh doanh, nông dân có thói quen bán lúa cho các thương lái và thương lái bán cho các công ty. Điều này khiến chi phí bị đội lên, hao hụt trong quá tình thu mua cùng với đó là nông dân có thể không nắm rõ các chính sách thanh toán từ phía công ty.
Hiện tập đoàn đang thuyết phục các thương lái cũng như bà con nông dân đăng ký liên kết sản xuất và mở tài khoản ngân hàng thanh toán thay vì phải rút tiền mặt để trả. Tập đoàn cũng tìm các biện pháp cấp thiết và dài hạn để không xảy ra chậm trễ chi trả tiền mua lúa như hiện nay, Tập đoàn Lộc Trời khẳng định.
Nhiều doanh nghiệp gạo đang "khát" dòng tiền lưu động
Khó khăn hơn Lộc Trời, vừa trải qua năm đầu tiên báo lỗ kể từ khi niêm yết, CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Mã: TAR) mới đây còn bị đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra kết luận đối với báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023.
Theo Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán phía Nam (AASCS), Trung An đang chờ kết quả xác minh của cơ quan chức năng về các vấn đề được nêu trong kết luận thanh tra của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ngày 13/9/2023.
Cụ thể, gồm các vấn đề liên quan đến 15 triệu cổ phiếu TAR trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2021; hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ năm 2021; số liệu hàng tồn kho công bố trên BCTC năm 2022 với giá trị hơn 1.255 tỷ đồng.
Vì lý do trên nên đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra kết luận về báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2023 của Gạo Trung An.
Cũng liên quan đến vốn, với CTCP Xuất nhập khẩu An Giang- Angimex (Mã: AGM), từ cuối năm 2023 tới nay, HĐQT Angimex liên tục thông qua chuyển nhượng vốn công ty con, liên doanh, liên kết nhằm thu hồi vốn bổ sung vốn lưu động.
Ngày 7/3, HĐQT Angimex thông qua chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Angimex - Kitoku (viết tắt là AKJ), tương ứng 32.96% vốn điều lệ, cho CTCP APC Holdings. Giá chuyển nhượng do APC Holdings đề nghị.
Trước đó, vào ngày 1/3, HĐQT Angimex đã thông qua chuyển nhượng tối đa 3,25 triệu cổ phiếu, tương đương 29,55% vốn CTCP Golden Paddy cho CTCP The Golden Group. Giá trị dự kiến giao dịch là 31,4 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong năm 2024.
HĐQT Angimex còn muốn chuyển nhượng toàn bộ 25% vốn Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn - An Giang (Sagico) cho Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM và CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX). Giá trị chuyển nhượng chưa được công bố, nhưng sẽ dựa trên đề xuất của 3 đơn vị trên.
Năm 2022, Angimex lỗ ròng hơn 234 tỷ đồng và tiếp tục lỗ 207 tỷ đồng trong năm 2023, qua đó đẩy lỗ lũy kế lên hơn 153 tỷ đồng - vượt vốn điều lệ, dẫn đến nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc. Về biện pháp khắc phục, Công ty đề xuất dùng quỹ đầu tư phát triển (120 tỷ đồng) và quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu (5 tỷ đồng) để bù đắp lỗ quỹ kế.
Năm 2024, Angimex đặt kế hoạch doanh thu 2.854 tỷ đồng, gấp 3,5 lần thực hiện 2023. Lãi trước thuế dự kiến 27 tỷ đồng, sau 2 năm lỗ.
Xuất khẩu gạo thuận lợi, doanh nghiệp không thể cứ rơi vào thế khó
Với nguồn cung dồi dào từ vụ Đông Xuân cùng nhu cầu nhập khẩu ở mức cao trên thị trường thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng tới.
Hiện tượng thời tiết El Nino, yếu tố khiến nhiều khu vực lớn ở châu Á khô hạn trong năm 2023, dự kiến tiếp diễn trong nửa đầu năm 2024. Hiện tượng này đe dọa nguồn cung gạo, lúa mỳ, dầu cọ và nhiều mặt hàng nông sản khác tại nhiều nước nhập khẩu và xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
Các nhà giao dịch và giới chức nhiều nước dự đoán sản lượng gạo của châu Á trong nửa đầu năm 2024 sẽ giảm do điều kiện trồng trọt khô hạn. Các dự báo gần đây cho thấy nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines và Indonesia, hai nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2024.
Các quốc gia tại châu Phi cũng đang chuyển hướng sang nhập khẩu gạo Việt Nam sau khi Ấn Độ áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ giữa năm ngoái.
Trong khi đó, sản lượng gạo cũng được dự báo sẽ giảm tại các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ và Thái Lan. Còn tại Việt Nam, tình trạng xâm nhập mặn cũng đang ảnh hưởng đến một phần diện tích sản xuất.
Giá gạo sau khi chịu áp lực giảm do Việt Nam và nhiều nước bước vào vụ thu hoạch cũng đang tăng trở lại.
Giá lúa gạo hôm nay ngày 2/4 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục điều chỉnh tăng với gạo. Hiện nhiều nông dân còn lúa chào bán với giá cao.
Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 10.550 - 10.600 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 duy trì ổn định ở mức 13.000 - 13.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Như vậy, mới chỉ trong 2 phiên đầu tháng 4, giá gạo trong nước đã tăng từ 150 – 550 đồng/kg.
Trên thị trường lúa, ghi nhận tại các địa phương như Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… bình quân giá lúa dao động quanh mốc 7.400 - 8.000 đồng/kg. Giao dịch lúa khô rất ít, nhiều nông dân còn lúa giữ lại và chào bán giá cao, giá lúa thơm có xu hướng tăng.
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 7.700 - 7.900 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.700 - 7.900 đồng/kg; IR 504 ở mức 7.400 - 7.500 đồng/kg; OM 5451 ở mức 7.500 - 7.600 đồng/kg; lúa OM 380 dao động 7.500 - 7.600 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 dao động quanh mốc 7.700 - 7.900 đồng/kg; nếp Long An duy trì quanh mốc 7.700 - 7.900 đồng/kg.
Những ngày qua, tại nhiều địa phương, nông dân đã thu hoạch gần xong lúa vụ Đông Xuân 2024. Giá lúa có giảm hơn so với đầu vụ, nhưng lợi nhuận của nông dân vẫn tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay không còn đà giảm. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA, gạo tiêu chuẩn 5% tấm hiện ở mức 582 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 558 USD/tấn; gạo 100% tấm duy trì ổn định ở mức 478 USD/tấn.
Quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, với lượng xuất 2,07 triệu tấn và kim ngạch 1,37 tỷ USD; tăng 12% về lượng và tăng 40% về kim ngạch so với 3 tháng đầu năm 2023. Việt Nam tiếp tục là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, bên cạnh Ấn Độ và Thái Lan.
Xuất khẩu gạo rõ ràng là rất thuận lợi, doanh nghiệp không thể cứ rơi vào thế khó. Các chuyên giá khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo sang các thị trường lớn, truyền thống.
Doanh nghiệp cũng cần thu xếp tận dụng hiệu quả các nguồn vốn để thu mua lúa gạo và xuất khẩu gạo hiệu quả. Trong văn bản mới nhất, Thủ tướng Chính phủ đã giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi, đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng phục vụ thu mua lúa và xuất khẩu gạo.
Về phía mình, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cần đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không chỉ quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình để phục vụ cho số lượng lớn người dân thu nhập trung bình và thấp.
Thị trường gạo thế giới đang tiếp tục chịu tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia. Đáng kể là Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; thời tiết không thuận lợi gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều nước… gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của các quốc gia. Trong khi đó, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, việc Trung Quốc và Indonesia gia tăng nhập khẩu gạo vẫn đang tạo nhiều cơ hội hơn cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.