Nhật Minh
Thứ năm, ngày 18/06/2020 14:52 PM (GMT+7)
Do tác động của đại dịch Covid-19, mục tiêu dự kiến bị phá vỡ khi các ngân hàng buộc phải điều chỉnh giảm tới 20 - 40% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2020. Theo nhận định, quý II này sẽ là "điểm trũng" trong bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong năm 2020 này.
Kết thúc năm tài chính 2019, ngành ngân hàng đã gặt hái được không ít thành công, lợi nhuận thu về tăng đáng kể so với một năm trước đó.
Trong đó, không ít nhà băng đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng (Techcombank, VPBank, BIDV, Vietinbank, Agribank), thậm chí Vietcombank còn đạt mức lợi nhuận trước thuế gần 1 tỷ USD. Đó chính là cơ sở để các nhà băng xây dựng mục tiêu lợi nhuận cao cho năm 2020.
Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, kết thúc quý I năm nay, bức tranh lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã không còn như dự báo.
Đơn cử như Vietcombank, lợi nhuận quý I/2020 đạt 5.333 tỷ đồng, giảm 11,14% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận sụt giảm chủ yếu do các ngân hàng phải giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, nhất là với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Kết thúc quý I/2020, BIDV đã giảm lãi trước thuế tới 28% so với cùng kỳ do dự phòng tăng hơn 6.000 tỷ đồng. Tương tự, Vietinbank lãi sau thuế 2.404 tỷ đồng trong quý I/2020, giảm 5% so với cùng kỳ 2019.
Cùng với sự sụt giảm trong bức tranh lợi nhuận của quý I/2020, mục tiêu ban đầu của các ngân hàng cũng sớm bị phá vỡ khi nhiều nhà băng phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020. Mức điều chỉnh lên tới 40%.
Tại MB, theo kế hoạch trình Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2020 ngày 24/6 tới, lợi nhuận trước thuế năm nay sẽ giảm 10% so với năm 2019, ước đạt hơn 9.000 tỷ đồng.
Tại Eximbank, kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm 10,3%, kế hoạch xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng có nợ xấu, nợ VAMC theo kế hoạch đầu năm buộc phải giãn tiến độ sang năm tiếp theo, khiến tổng kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự kiến đạt 1.318 tỷ đồng, giảm tới 40% so với con số đưa ra hồi đầu năm 2020, cho dù vẫn tăng 22% so với kết quả năm 2019.
Trong khi đó, đại diện Sacombank cho hay, do ảnh hưởng của Covid-19, ngân hàng phải tập trung cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng. Vì thế, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm nay giảm 20% so với thực hiện năm 2019, dự kiến đạt 2.573 tỷ đồng.
Tương tự, tại ĐHĐCĐ, ACB đã thông qua kế hoạch kinh doanh với dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận ở mức 7.636 tỷ đồng, giảm hơn 12% so với con số được thông tin tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 1/2020, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát ở Việt Nam (8.700 tỷ đồng trước thuế).
VPBank cũng đặt mục tiêu kinh doanh an toàn, với lợi nhuận hợp nhất năm nay dự kiến là 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1% so với thực hiện năm 2019.
"Điểm trũng" trong bức tranh lợi nhuận ngân hàng 2020?
Theo phân tích tại báo cáo chiến lược đầu tư phát hành mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành ngân hàng dự kiến sẽ chứng kiến sự giảm tốc đáng kể về mức độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020. Đặc biệt, quý II này sẽ là "điểm trũng" lợi nhuận.
Thực tế, lợi nhuận quý đầu năm của nhiều ngân hàng đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Song, do ngân hàng phải đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ từ đầu tháng 4 đến nay, nên lợi nhuận thời gian tới có thể sẽ bị tác động mạnh hơn. Nguyên nhân do các ngân hàng phải giảm lãi suất, ủng hộ chủ trương của Chính phủ, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, nhất là với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Tổng giám đốc một ngân hàng cũng cho hay, mức lãi trong quý II/2020 giảm là điều khó tránh vì số tiền giảm đi do áp dụng các ưu đãi này. Các chính sách hỗ trợ, cùng san sẻ rủi ro với khách hàng như vậy chắc chắn sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu nhập từ tín dụng. Nguồn thu phí cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khi mọi giao dịch trong nền kinh tế bị chậm lại.
Trên thực tế, bước sang tháng 5, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng vẫn rất thấp so với nhiều năm qua.
Tính đến ngày 29/5/2020, tín dụng chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng tín dụng năm nay thấp hơn nhiều (5 tháng đầu năm 2019 tăng 5,74%), và còn cách rất xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%.
Dù vậy, khó khăn cho ngành ngân hàng sẽ giảm khi nền kinh tế bước sang quý III và quý IV, khi hoạt động sản xuất - kinh doanh cơ bản hồi phục, nhu cầu vay vốn tăng trở lại thì mới xuất hiện cơ hội phát triển cho ngành ngân hàng và các ngành nghề khác.
Chính vì dự báo được khó khăn chưa sớm kết thúc và lợi nhuận khả năng sụt giảm tiếp trong quý II/2020, các chuyên gia cho rằng, việc giảm tăng trưởng tín dụng là cơ hội tốt để các ngân hàng điều chỉnh danh mục cho vay hướng tới một khẩu vị rủi ro mới an toàn và bền vững hơn.
Thậm chí, đây là thời cơ để các ngân hàng hướng tới điều chỉnh danh mục tài sản, tiến tới giảm tỷ trọng tín dụng, tăng các tài sản khác, mặc dù đó là điều không hề dễ dàng vì tín dụng luôn được coi là tài sản cơ bản nhất của kinh doanh ngân hàng nhưng cũng mang lại nhiều tổn thất nhất nếu rủi ro tín dụng xảy ra.
"Để bù đắp cho sự sụt giảm về lợi nhuận, các ngân hàng cần phải đa dạng hóa hoạt động của mình. Trong đó, chú trọng đến việc phát triển hoạt động dịch vụ để vừa đảm bảo tăng thu, bù đắp cho phần thiếu hụt do bị tác động bởi đại dịch, sự sụt giảm về nhu cầu tín dụng, đồng thời, tạo nguồn thu bền vững lâu dài. Cùng với đó, cần đẩy nhanh quá trình số hóa, tăng cường thanh toán không tiền mặt, đây cũng là giải pháp giúp ngân hàng tăng nguồn thu nhập từ dịch vụ", ông Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.