Lợi nhuận rơi theo giá dầu, doanh nghiệp xăng dầu “gánh” lỗ tới hơn 4.000 tỷ

Huyền Anh Thứ hai, ngày 03/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Lợi nhuận quý II của các “đại gia” xăng dầu như Petrolimex hay PVOil đã có lãi trong quý II, sau khi lỗ nặng quý I do chịu tác động kép từ dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm. Trong khi đó, đại gia sản xuất xăng dầu BSR vẫn lỗ tiếp 1.900 tỷ trong quý II và lỗ ròng hơn 4.000 tỷ trong nửa đầu năm.
Bình luận 0

Lợi nhuận rơi theo giá dầu, "ông lớn" xăng dầu lỗ hơn 4.000 tỷ 

CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR), thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), nơi cung ứng khoảng 30% nhu cầu năng lượng cả nước mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm 2020 với doanh thu đạt được là 13.736 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm 2019.

Do giá vốn hàng bán cao lên đến hơn 15.615 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của BSR đạt được trong kỳ  âm 1.878 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận gộp của BSR là 440 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của BSR tăng trưởng tới 150%. Cộng với việc tiết kiệm chi phí tài chính chi phí bán hàng trên 22%. Tuy nhiên, thu vẫn không đủ bù chi khiến cho BSR báo lỗ sau thuế 1.898 tỷ đồng trong quý này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, khoản lỗ ròng của BSR đã lên tới 4.230 tỷ đồng trong bối cảnh doanh thu thuần sụt giảm 38% còn 31.730 tỷ đồng. Năm trước, doanh nghiệp lãi sau thuế 110 tỷ trong quý II và 700 tỷ đồng sau 6 tháng.

Theo lý giải của BSR, tháng 4/2019, giá dầu thô (Dated Brent) ở mức cao nhất của năm 2019 cụ thể giá dầu thô tăng từ 59,5 USD/thùng bình quân tháng 1/2019 lên 71,3 USD/thùng bình quân tháng 4/2019 và sau đó giảm dần xuống còn 64,1 USD/thùng bình quân tháng 6/2019.

Trong khi đó, tháng 4/2020 có giá dầu thô thấp kỷ lục, cụ thể giá dầu từ mức 31,8 USD/thùng bình quân tháng 3/2020 giảm còn 18,5 USD/thùng bình quân tháng 4/2020 (giảm 13,3 USD/thùng) đã làm kết quả sản xuất kinh doanh của BSR sụt giảm nghiêm trọng do đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục của nhà máy lọc dầu, nhà máy luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian để chế biến từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán điều này dẫn đến khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn bị ảnh hưởng của tồn kho có giá cao hơn giá thị trường.

Bên cạnh đó, quý II/2020 BSR ngoài việc chịu tác động xấu bởi giá dầu thô và sản phẩm thì còn chịu tác động bởi dịch Covid-19, giãn cách xã hội khiến nhu cầu các sản phẩm lọc hóa dầu giảm rất mạnh đồng thời khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính cũng thu hẹp rất nhiều so với cùng kỳ năm trước nhất là trong thời gian tháng 4, 5/2020 giá các sản phẩm phẩm A92, A95, JetA1, DO thấp hơn giá dầu thô đã làm cho kết quả sản xuất kinh doanh tháng 4 và tháng 5 tiếp tục lỗ.

Theo BSR, do giá dầu dần phục hồi vào tháng 5, do đó kết quả kinh doanh trong tháng 6 của doanh nghiệp cũng khởi sắc, lãi 1.405 tỷ đồng.

Lợi nhuận rơi theo giá dầu, đai gia sản xuất xăng dầu “gánh” lỗ tới hơn 4.000 tỷ sau 6 tháng - Ảnh 2.

Chịu tác động kép, các "đại gia" xăng dầu lồ hàng trăm tới hàng nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020

Không còn "gánh" lỗ trong quý II/2020 nhưng do chịu tác động kép từ dịch Covid-19 và sự sụt giảm của giá dầu nên lợi nhuận của PVOil vẫn báo lỗ trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, quý II/2020, PVOil giảm 46% doanh thu, xuống chỉ còn 11.653 tỷ đồng. Giá vốn giảm sâu hơn nên lãi gộp còn giảm 18% xuống 781 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng từ 4,4% lên 6,7%.

Chốt quý, PVOil lãi sau thuế hợp nhất 183 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do quý I/2020 ghi nhận khoản lỗ lên tới 423 tỷ đồng, khiến cho công ty này vẫn lỗ ròng 246 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm.

Doanh nghiệp cho biết do ảnh hưởng của biến động xăng dầu thế giới và tác động mạnh của dịch bệnh Coivid-19 trong tháng 4 làm cho tình hình kinh doanh xăng dầu của các đầu mối nói chung và PV Oil nói riêng gặp nhiều khó khăn. Theo đó, các công ty con phải chịu khoản lỗ 115,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 116,6 tỷ đồng kéo giảm lợi nhuận hợp nhất.

Đối thủ của PVOil là Petrolimex - đơn vị chiếm 49% thị phần bán lẻ xăng dầu Việt Nam cũng có kết quả tương tự.

Theo đó, Petrolimex báo lãi quý II/2020 đạt 733 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu của Petrolimex giảm 29% từ 91.700 tỷ xuống 65.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm sâu từ 3.200 tỷ xuống âm 911 tỷ và lỗ sau thuế 1.080 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này cũng khả quan hơn nhiều so với mức lỗ ròng trên 1.800 đồng trong quý I/2020.

Năm 2020, Petrolimex đặt mục tiêu 122.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 1.570 tỷ đồng lãi trước thuế. Sau nửa năm, Petrolimex đã thực hiện được 53% mục tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi do lỗ trước thuế tới 911 tỷ đồng.

Giảm tồn kho, tăng dự phòng giảm giá xăng dầu

Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp xăng dầu cho thấy, doanh nghiệp đã giảm mạnh lượng tồn kho trong 6 tháng đầu năm 2020 khi dầu vẫn đang duy trì ở mức giá thấp.

So với đầu năm hàng tồn kho cuối quý II của Petrolimex đã giảm từ mức 11.772 tỷ xuống còn 8.911 tỷ đồng, tương ứng giảm 24%. Đáng lưu ý, dù tồn kho giảm so với đầu năm nhưng khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho lại tăng từ 56 tỷ đầu năm lên 148 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu so với cuối quý I thì tồn kho của Petrolimex đã tăng 32% trong khi đó hàng tồn kho của đối thủ PVOil tăng tới 90%.

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Petrolimex đạt 59.344 tỷ đồng, giảm 2.418 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn của Petrolimex hết quý II vẫn chiếm tới 29% cơ cấu tổng tài sản của doanh nghiệp, đạt 17.144 tỷ đồng.

Tổng nợ đi vay của Petrolimex tại ngày 30/6 đạt 15.368 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn và tương đương so với đầu năm. 

Lợi nhuận rơi theo giá dầu, đai gia sản xuất xăng dầu “gánh” lỗ tới hơn 4.000 tỷ sau 6 tháng - Ảnh 4.

Doanh nghiệp giảm tồn khưng tăng dự phòng giảm giá

Tại PVOil, thời điểm 30/6/2020, doanh nghiệp có 1.828 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm hơn 1.000 tỷ so với đầu năm. Ngược lại, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng thêm 533 tỷ đồng lên 5.910 tỷ đồng.

Nợ vay giảm đáng kể. Trong đó, vay nợ ngắn hạn giảm từ 4.710 tỷ xuống 2.980 tỷ đồng và vay dài hạn giảm từ 194 tỷ xuống 95 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hàng tồn kho của doanh nghiệp này giảm từ mức 2.448 tỷ đồng xuống chỉ còn 2.221 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho lại tăng đột biến thêm gấp gần 10 lần so với đầu năm.

Tương tự, tại BSR giá trị hàng tồn kho từ 8.515 tỷ đồng, xuống 5.797 tỷ đồng. Ngược lại với 2 doanh nghiệp kể trên, dự phòng giảm giá hàng tồn kho của BSR lại giảm từ 20 tỷ xuống chỉ còn gần 15 tỷ đồng.

Tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn (tiền gửi kỳ hạn 3 tháng – 12 tháng) của BRS trong kỳ này tăng nhanh từ mức 4 tỷ lên trên 52 tỷ đồng, trong khi tiền và các khoản tương đương tiền không biến động mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem