Anh cảm thấy thế nào khi lại được ngồi chứng kiến nhà hát dựng lại vở “Lời thề thứ 9” - vở kịch từng tạo nên cơn sốt và tạo nên tên tuổi cho chính mình?
- Cách đây 24 năm, tôi - một diễn viên của vở “Lời thề thứ 9” đã cảm nhận thế này: Nhịp tim của nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ thời đó đã truyền hơi thở đến cho từng diễn viên như chúng tôi, cũng như từng hơi thở đến người dân, trong một hoàn cảnh đất nước đang chuyển mình từ cơ chế bao cấp sang thành cơ chế thị trường. Chính vì thế hoàn cảnh, thời gian hoàn toàn phù hợp, tạo nên tác phẩm sống trong lòng nhân dân theo đúng nghĩa.
|
Vở “Lời thề thứ 9” trên sàn tập Nhà hát Tuổi Trẻ. |
Tôi còn nhớ đoàn chúng tôi đã diễn trên 300 suất, đi dọc đất nước từ Hà Nội vào đến miền Trung rồi đến miền Tây - “thánh địa” của cải lương. Buổi diễn nào rạp cũng chật ních người xem và họ dường như “uống” từng lời thoại.
Lý do nào Nhà hát Tuổi Trẻ chọn “Lời thề thứ 9” để dựng lại?
- Từ năm 2010 trở lại đây, hố sâu phân cách giàu - nghèo càng lớn, sự công bằng trong xã hội bỗng nhiên trở thành quá xa xỉ bởi vì những người làm giàu thì quá chuyên nghiệp, còn người nghèo thì vẫn cứ lơ ngơ, loay hoay. Tôi chợt nhận ra rằng, hoá ra 24 năm rồi mà vở kịch vẫn đầy tính thời sự. Nếu có khác cũng chỉ là ngày xưa thì chỉ có một người xấu là Quánh Văn Thuần, còn giờ đây, có rất nhiều người như Quánh Văn Thuần (chủ tịch xã) đã tạo thành một thế lực, một nhóm người. Vậy là tôi nghĩ mình cần phải làm một cái gì đó, phải dựng lại vở kịch.
Nhiều người cứ hỏi tôi tại sao dựng lại một vở đã cũ như thế. Tôi xin hỏi lại, tất cả những đề tài về cuộc sống như tình yêu, hôn nhân, ngoại tình… có cũ không, quá cũ ấy chứ, nhưng vẫn được mọi người đưa vào tác phẩm của mình bởi nếu có góc nhìn khác, nếu như biết cách thổi vào luồng gió mới, biết đặt đúng chỗ, đúng thời điểm thì vẫn làm cho nó trở thành mới.
Anh có thể chia sẻ điểm nhấn của vở kịch?
- Ở đây bài học mà vở kịch muốn nói đến là sự vô cảm. Sự vô cảm ở các vị lãnh đạo, từ chủ tịch xã đến chủ tịch tỉnh. Tôi ấn tượng là lời của chủ tịch xã: “Tôi không hiểu…”. Tôi không hiểu vì tôi quá tự tin hay trái tim tôi đang dần nguội lạnh? Dù ông không ăn trộm, ăn cướp của ai nhưng ông vô cảm, trái tim nguội lạnh trước nỗi đau của nhân dân, vô cảm trước sự kiện xảy ra trong xã hội thì đó cũng đã là một tội ác rồi. Và tôi cũng thích cái kết của vở kịch, chỉ có tình cảm của người mẹ, chỉ có lòng nhân ái mới hoá giải được mọi xung đột. Đó chính là bản sắc của anh Lưu Quang Vũ. Chất nhân văn trong mỗi tác phẩm, mỗi kịch bản của anh luôn luôn sống trong mọi tầng lớp, mọi thời đại.
“Chỉ cần đo trên trang mạng xã hội, trên các báo, trên chính những ý kiến của khán giả thì tôi thấy rằng mọi người đang rất đón đợi vở này”.
NSƯT Chí Trung
Anh có cảm thấy mình hơi mạo hiểm và áp lực với “Lời thề thứ 9” khi mà cách đây 24 năm, vở diễn đã rất thành công?
- Tôi không bị một áp lực nào. Duy nhất có điều tôi băn khoăn đó là tâm huyết của mọi người, với sự lao động miệt mài trong một tháng trời, nếu vở diễn không thành công, không cuốn hút được khán giả, thì chỉ có thể nói đó là chuyên môn của chúng tôi kém chứ không phải vì kịch bản không hay. Lỗi đó thuộc về tôi, người chịu trách nhiệm đầu tiên, sau đó đến các diễn viên.
Đã từng thành công với vai Đôn sún trong vở kịch “Lời thề thứ 9”, bây giờ với tư cách là trợ lý đạo diễn, anh đã truyền tải kinh nghiệm cũng như cách diễn như thế nào cho lớp trẻ, đặc biệt về vai diễn của mình?
- Tôi thuộc như cháo chảy vở diễn này ở tất cả các vai, và tôi có nói với các bạn trẻ rằng, với tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, thì trong văn có thơ mà trong chữ thì có hình, có bóng. Khi đọc kịch bản, các bạn sẽ thấy bằng trắc trong câu, sự lên bổng xuống trầm, nếu như các bạn đọc mà không cảm thấy điều đó thì có nghĩa là các bạn chưa cảm nhận hết tác phẩm của Lưu Quang Vũ. Tôi nghĩ đây là vở diễn dành cho những người tử tế, nhưng cũng có một điều chua xót rằng, những điều tử tế thường không bán chạy (cười).
Xin cảm ơn anh!
Thanh Hà (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.