Nhờ sử dụng vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Phú Thọ hiệu quả, hàng ngàn hộ dân ở huyện miền núi Cẩm Khê đã có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại, nâng cao thu nhập.
Đàn bò sinh sản gia đình anh Trần Ngọc Hoàn, xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) gây dựng được từ nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh Thu Hà.
“Cần câu cơm” hiệu quả của nông dân
Anh Trần Văn Nhàn, thôn Đoàn Kết là 1 trong những hộ nghèo sử dụng vốn vay hiệu quả trên địa bàn xã Cấp Dẫn. Với diện tích trang trại hơn 3 mẫu, anh Nhàn đầu tư nuôi 10 con lợn, 3 con bò sinh sản, đào ao thả cá và chăn nuôi vịt, mỗi năm thu nhập hơn trăm triệu đồng.
Anh Nhàn thổ lộ: “Những năm đầu, vợ chồng tôi rất khó khăn do không có vốn làm ăn. Năm 2013, được Ngân hàng CSXH cho vay 20 triệu đồng chương trình tín dụng hộ nghèo tôi mới đầu tư chăn nuôi lợn nái. Tiền lãi lứa này tôi lại mở rộng quy mô nuôi lợn ở lứa sau và đầu tư thêm chăn nuôi bò, vịt, đào ao thả cá. Đến năm 2015, gia đình tôi thoát nghèo và hoàn trả vốn vay đúng hạn…”.
Theo anh Nhàn, trước đây anh chọn đàn lợn là vật nuôi chủ lực với quy mô 10 lợn nái, 200 lợn thịt. Tuy nhiên, thấy giá lợn hơi đang đà xuống thấp, để hạn chế thua lỗ, nên ngay từ cuối năm 2016, anh đã chủ động không vào đàn lợn thịt và giảm dần đàn lợn nái. “Hiện tại, tôi đang dồn vốn đầu tư nuôi cá giống. Với 2 mẫu ao nuôi cá giống, tôi thu về từ 12 – 15 triệu đồng/tháng nhờ xuất bán 3 tạ cá giống”, anh Nhàn chia sẻ.
Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh Trần Văn Nhàn (ngoài cùng, phải) có sự hỗ trợ của vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Riêng với mô hình nuôi cá giống, bình quân mỗi tháng anh thu hơn 10 triệu đồng. Ảnh: Thu Hà.
Cũng được Ngân hàng CSXH cho vay vốn làm ăn, anh Trần Ngọc Hoàn ở xã Cấp Dẫn cho hay, từ khi còn là hộ nghèo anh đã được Ngân hàng CSXH cho vay 10 triệu đồng để đầu tư nuôi trâu, bò. Đến năm 2017, sau khi đã thoát nghèo và trả hết nguồn vốn vay cũ anh tiếp tục được vay 20 triệu đồng theo chương trình hộ thoát nghèo. Anh Hoàn phấn khởi nói: “Với thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp và nhất là lãi suất vay thấp, vốn vay Ngân hàng CSXH là “cần câu cơm” hiệu quả cho dân nghèo vùng cao như chúng tôi”.
“Tôi mong muốn Ngân hàng CSXH tiếp tục đầu tư cho những hộ mới thoát nghèo nhưng vẫn còn khó khăn bấp bênh như gia đình tôi vay vốn để đầu tư phát triển trang trại, nâng cao thu nhập”, anh Trần Văn Nhàn.
|
Ông Trần Minh Hậu – Chủ tịch UBND xã Cấp Dẫn cho hay: “Cấp Dẫn là xã miền núi khó khăn, nguồn lực địa phương còn nhiều hạn hẹp. Những năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH đã “gỡ khó” địa phương rất nhiều. Hiện xã đang nhận ủy thác 10,390 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng CSXH đầu tư cho 445 hộ vay vốn làm ăn. Nhờ được vay vốn ưu đãi, tổ chức lại sản xuất trên địa bàn xã đã có hàng trăm hộ thoát nghèo. Trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm mạnh từ gần 50% (năm 2014) xuống còn 19.8% (năm 2017)”.
Tỷ lệ nợ xấu cực thấp
Ông Nguyễn Văn Xuân – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Khê cho biết, tính đến 31.3.2017, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Khê đang thực hiện 12 chương trình tín dụng với tổng dư nợ là 350,606 tỷ đồng, với 16.122 hộ vay, trong đó chương trình hộ nghèo có dư nợ cao nhất là 129,227 tỷ đồng.
Theo ông Xuân, hơn 99% tổng dư nợ được thực hiện theo phương thức ủy thác thông qua 4 tổ chức Hội, đoàn thể là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Hàng năm, Ngân hàng CSXH tỉnh, phòng giao dịch huyện đều phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể tổ chức tập huấn về chính sách cho vay tín dụng ưu đãi; tập huấn lồng ghép kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi để giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.
Không chỉ đạt giải “quán quân” nhận ủy thác vay vốn Ngân hàng CSXH lớn nhất, Hội Nông dân huyện Cẩm Khê còn quản lý vốn vay khá chặt chẽ và hiệu quả, tỷ lệ dư nợ quá hạn chỉ chiếm 0,08% - thấp nhất trong 4 tổ chức hội đoàn thể. Ông Lại Thế Hưng – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Cẩm Khê cho biết, hiện Hội ND đang thực hiện ủy thác vốn vay Ngân hàng CSXH với dư nợ 148,835 tỷ đồng thông qua 168 Tổ TKVV.
“Cùng với mô hình Tổ TKVV, phương thức cho vay ủy thác đã giúp tổ chức Hội ND có thêm điều kiện củng cố, nâng cao vai trò vị thế của mình. Được tập huấn khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện vay vốn làm ăn, hội viên, nông dân thêm tin tưởng và xin tham gia vào tổ chức hội ngày càng đông…”, ông Hưng khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.