Long An: Đưa rau húng, rau cải về trồng kiểu công nghệ cao, thu hoạch liên tục có tiền đều tay

Trần Cửu Long Thứ hai, ngày 07/09/2020 13:57 PM (GMT+7)
Với mục tiêu xây dựng vùng hạ, gồm: Huyện Cần Đước và Cần Giuộc thành vựa rau ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) của tỉnh, những năm qua ngành nông nghiệp và các địa phương đã dốc nhiều công sức, tiền của cho đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Bình luận 0

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc) Đặng Duy Dũng, thời gian qua, nhờ sản xuất rau ƯDCNC đạt hiệu quả cao mà người dân dần thay đổi phương thức sản xuất theo hướng sản phẩm sạch và nâng cao hiệu quả. 

"Mỗi ngày, HTX thu mua của các thành viên khoảng 4 tấn rau sạch. Số lượng rau này được cung ứng cho thị trường TP.HCM và hệ thống nhà trẻ, nhà hàng, bếp ăn tại địa phương"- ông Dũng chia sẻ.

Tập tành với công nghệ cao

Đưa rau công nghệ cao về vùng hạ Long An  - Ảnh 1.

Sơ chế rau sạch tại HTX rau Phước Thịnh (Cần Giuộc). Ảnh: Trần Cửu Long

"Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, huyện đã chủ trì, phối hợp với sở ngành tỉnh tổ chức hội thảo xây dựng thương hiệu rau Cần Giuộc. Đồng thời, thành lập thêm các HTX, mời gọi đầu tư thêm các cửa hàng thực phẩm của Co.opfood, Bách hóa xanh; Co.op Mart; cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch San Hà Food, góp phần giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm sạch, an toàn đến đông đảo nhân dân trong huyện".

Ông Nguyễn Hồng Chương -

Trưởng phòng NNPTNT huyện Cần Giuộc

Trong sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, trồng rau trong nhà lưới là một trong những giải pháp tạo ra sản phẩm sạch và an toàn hiện nay. Lão nông Huỳnh Văn Chín (xã Mỹ Lộc, Cần Giuộc) cho biết, được Hội Nông dân tập huấn kiến thức trồng rau theo hướng ƯDCNC, ông xây dựng 800m2 nhà lưới kết hợp lắp đặt hệ thống tưới phun tự động để trồng cải rổ Hongkong. 

Với phương thức canh tác này, ông có thể tăng được số vòng quay trên một diện tích đất canh tác; trồng các loại rau chất lượng cao; tiết kiệm lượng nước tưới; hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và không bị ảnh hưởng bởi biến động bất thường của thời tiết. 

"Sản phẩm rau đảm bảo được các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng"- ông Chín khẳng định. 

Hiện sản phẩm của ông Chín được Tổ hợp tác Hưng Phát bao tiêu sản phẩm với giá 10.000 đồng/kg. Với giá cả ổn định, mỗi năm ông thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Huyện Cần Giuộc hiện có gần 1.000ha/1.750ha trồng rau ƯDCNC, trong đó có gần 60ha diện tích nhà lưới, nhà màng, nhà kính. Nhằm giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, thu nhập, thân thiện với môi trường… thời gian tới, các ngành chức năng huyện nỗ lực tìm đầu ra cho nông sản cho nông dân.

Long Trạch là xã có diện tích trồng màu lớn thứ hai của huyện Cần Đước với trên 244ha. Thời gian qua thông qua tuyên truyền, vận động của địa phương, nhiều nông dân ƯDCNC vào sản xuất. Xã này phấn đấu đến hết năm 2020, toàn xã có 220ha trồng rau ƯDCNC. Anh Bùi Thanh Giang (ấp Cầu Xây, xã Long Trạch), đang ƯDCNC cho hơn 1,2ha trồng rau cho biết, hiện anh chủ yếu trồng cải xanh và rau húng. 

"Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cho việc làm nhà lưới, hệ thống tưới phun sương khá cao, nhưng bù lại nông dân có thể sử dụng qua từ 3 đến 4 năm. Đặc biệt, là chất lượng, năng suất rau rất tốt. Với giá rau cải khá bình ổn ở mức 20.000 đồng/kg và rau húng trên 30.000 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi"- anh bộc bạch.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Rau Mười Hai (huyện Cần Đước) Lê Văn Giấy, hiện HTX có 25 thành viên và có hơn 8ha rau ƯDCNC. Thời gian qua, HTX đầu tư hàng tỷ đồng để trang bị nhà lưới, hệ thống tưới tự động. Trong canh tác, các xã viên cũng sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu sinh học nhằm tăng năng suất, giảm tỷ lệ sâu, bệnh, giảm chi phí và nhân công lao động. 

Mỗi ngày, HTX thu hoạch hơn 6 tấn rau sạch. Từ ngày thành lập HTX đến nay, có hàng chục doanh nghiệp đến tìm hiểu việc sản xuất rau và bao tiêu sản phẩm, tạo ổn định đầu ra cho nông dân.

Ông Lê Phước Tồn - thành viên HTX Rau Mười Hai cho biết, dù vốn đầu tư sản xuất rau ƯDCNC cao nhưng hiệu quả rất rõ rệt. Mỗi năm, với 1.000m2, người trồng rau ƯDCNC giảm được trên 20 triệu đồng tiền nhân công tưới nước theo kiểu cũ, giảm chi phí đổi đất nhờ sử dụng phân vi sinh làm đất tơi xốp, góp phần giảm giá thành sản phẩm. Lợi nhuận tăng hơn rất nhiều.

Với sự quyết tâm tập trung của chính quyền địa phương các xã vùng rau chuyên canh của huyện và sự hưởng ứng đồng tình của người dân, huyện Cần Đước tiến tới hình thành 700ha sản xuất rau ƯDCNC vào năm 2020 theo Nghị quyết Huyện ủy đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của tỉnh, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân.

Theo UBND huyện Cần Đước, nhằm mở rộng diện tích trồng rau ƯDCNC, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng, đáp ứng yêu cầu ứng dụng cơ giới hóa, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi. Đồng thời, lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, có khả năng nhân rộng, đảm bảo hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người nông dân.

Xây dựng chuỗi

Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, hiện tỉnh có hơn 13.500ha rau, năng suất 164 tạ/ha, sản lượng 221.600 tấn/năm, có 22 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác liên kết doanh nghiệp sản xuất rau. Thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh xây dựng nhiều mô hình với ƯDCNC trong sản xuất rau.

Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh, thực hiện ƯDCNC trên rau, các mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP ngày càng được nhân rộng, ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, kết hợp tưới tiết kiệm, sử dụng giống sạch bệnh, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, ủ phân hữu cơ bằng nấm Trichoderma từ các phụ phẩm nông nghiệp. 

Các mô hình sản xuất ƯDCNC mang lại hiệu quả cao, năng suất tăng 5-20%, lợi nhuận tăng cao 2-7 triệu đồng/1.000m2 so với cách trồng theo phương pháp truyền thống. 

"Hiện nay, tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc, việc triển khai ƯDCNC trong sản xuất rau được nhiều nông dân hưởng ứng, tự nhân rộng, nhất là tại vùng trồng rau truyền thống của tỉnh vì vừa hạn chế sâu, bệnh, vừa tăng năng suất và đáp ứng yêu cầu thị trường"- bà Khanh thông tin.

Bà Khanh cũng cho biết, để rộng đầu ra cho sản phẩm, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh công tác chỉ đạo sản xuất rau theo chuỗi thực phẩm an toàn bước đầu đạt kết quả. Ngành đang tiếp tục xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc; theo dõi chặt việc thực hiện các biên bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ đã ký kết để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các HTX rau sạch... 

"Hiện các đối tác tham gia chuỗi từng bước nắm bắt đầy đủ các quy định, kiến thức về quản lý chuỗi, về an toàn thực phẩm quy trình sản xuất an toàn, quy định giám sát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi, quy định truy xuất nguồn gốc, nhận diện sản phẩm an toàn được kiểm soát theo chuỗi" - bà Khanh chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem