Trần Cửu Long
Thứ hai, ngày 21/09/2020 21:31 PM (GMT+7)
Long An là tỉnh có hàng chục ngàn ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC). Mục tiêu lớn nhất của ƯDCNC là tăng giá trị, đẩy mạnh đầu ra sản phẩm nhưng trên thực tế việc liên kết tiêu thụ đang khá khó khăn ở tỉnh này.
Mới đây, tại Đại hội Đảng bộ huyện Đức Huệ lần thứ XI, Ban Chấp hành Đảng bộ đưa ra nghị quyết là phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây chanh, lúa chất lượng cao bằng cách đưa ƯDCNC vào sản xuất.
Hiện, huyện biên giới này đang xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao hơn 1.347ha, tập trung ở các xã: Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Tây, Bình Thành, Mỹ Bình, Bình Hòa Bắc. Vùng sản xuất chuyên canh cây chanh đến nay đã đạt 2.620ha, chủ yếu tập trung tại các xã: Bình Hòa Nam, Bình Thành, Bình Hòa Bắc, Mỹ Bình.
Ông Trần Thanh Phong - Bí thư Huyện ủy đánh giá, chương trình xây dựng vùng sản xuất chuyên canh lúa và vùng chuyên canh cây chanh chất lượng cao đã đạt những kết quả khả quan. Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo nhận định của Sở NNPTNT Long An, qua 4 năm thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC, nhiều mô hình cho hiệu quả cao đã tạo sức lan tỏa. Hiện, tổng số vốn tỉnh Long An đã đầu tư phát triển các công trình nông nghiệp ƯDCNC hơn 19,800 tỷ đồng. Ngoài ra, các huyện bố trí ngân sách huyện lồng ghép các nguồn vốn khác đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn huyện.
Tỉnh Long An lên kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, tiếp tục mở rộng diện tích và đối tượng thực hiện, cụ thể: Cây lúa là 60.200ha; thanh long 6.000ha; cây chanh 3.000ha; duy trì 2.000 rau ƯDCNC; con tôm 100ha và 50% đàn bò thịt ƯDCND.
Đầu ra gập ghềnh
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh, bên cạnh những kết quả nông nghiệp ƯDCNC đạt được, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tính đến cuối năm 2019, các doanh nghiệp, HTX của tỉnh Long An đã thực hiện được 201 hợp đồng với doanh nghiệp các tỉnh, thành phố. Cũng theo Sở NNPTNT, việc liên kết tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chỉ tập trung ở một số loại cây trồng.
Cụ thể: Lúa có 17 HTX và 1 tổ hợp tác thực hiện liên kết với các doanh nghiệp với hơn 4.900ha, sản lượng hơn 26.000 tấn/năm. Rau có 18 HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp, siêu thị chủ yếu ở địa bàn TP.HCM với 157ha, sản lượng hơn 5.700 tấn/năm.
Cây chanh hình thức liên kết chủ yếu là các doanh nghiệp, thương lái mua trực tiếp sản phẩm của hộ dân, tất cả đều không có hợp đồng. Riêng huyện Bến Lức có HTX Nông nghiệp Thạnh Lợi liên kết sản xuất với Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ 45ha, sản lượng 450 tấn/năm.
Hình thức hợp đồng liên kết là mua bán, hỗ trợ kỹ thuật, vốn đăng ký và duy trì chanh đạt chuẩn GlobalGAP. Còn cây thanh long hình thức liên kết chủ yếu cũng là các doanh nghiệp, thương lái mua trực tiếp sản phẩm của hộ dân, tất cả đều không có hợp đồng.
Ông Lưu Khánh Cường-một nông dân trồng chanh tại xã Lương Hòa (Bến Lức) cho biết, hiện nay, nông dân trồng chanh không ngại ƯDCNC trong sản xuất nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là đầu ra sản phẩm. Nhiều nông dân trồng chanh theo hướng VietGAP nhưng đầu ra sản phẩm chưa ổn định.
Theo ông Cảnh, thời gian tới, về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ phải bền vững, lấy chữ tín với nhau và có sự thống nhất kết hợp hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia liên kết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.