Theo bà Đinh Thị Phương Khanh-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, đây được xem là cách hỗ trợ bà con nông dân ương cá tra giống hạn chế rủi ro. “Song song với dạy nghề, tỉnh sẽ vận động bà con tham gia tổ hợp tác ương cá tra giống”, bà Khanh cho biết.
Long An sẽ tổ chức dạy nông dân nuôi ương cá tra giống với hy vọng giảm thiểu rủi ro thất bại.
Mới đây, trong chuyến đi khảo sát việc ương cá tra giống tại Tân Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh đã chỉ đạo huyện Tân Hưng phải xác định vùng quy hoạch ương cá tra giống, tỉnh sẽ hỗ trợ người nuôi thủy sản hệ thống cấp thoát nước bảo đảm vệ sinh môi trường; kêu gọi doanh nghiệp thu mua cá tra giống cho nông dân, hướng dẫn nông dân kỹ thuật nuôi và thu hoạch cá tra giống.
Hiện, tỉnh Long An có khoảng 4.000ha ao ương cá tra giống. Tập trung chủ yếu tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, như: Tân Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng… Sau thời gian ương cá tra thua lỗ, hiện nhiều nông dân phải kêu bán ao, “treo” ao, hoặc lấp ao trồng cây khác…
Theo Phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng, hiện trên địa bàn huyện có hơn 1.000 hộ nuôi cá tra giống với diện tích hơn 1.799ha. Tổng số hộ nuôi có lợi nhuận là 446 hộ (chiếm 43%), còn lại là hòa vốn và thua lỗ.
“Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc nuôi thủy sản trên địa bàn huyện thời gian qua còn nhiều khó khăn: giá cả không ổn định, người nuôi bị thua lỗ; chưa có đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm nên khi cá đến thời điểm thu hoạch thường bị thương lái ép giá. Do vốn ít nên nhiều nông dân khi thua lỗ không còn vốn để tái đầu tư...”, ông Tài thổ lộ.
Tương tự, huyện Tân Thạnh sau hơn hai năm phát triển “nóng” đã có hơn 1.000 hộ dân ương cá tra giống với hơn 1.800 ha ao ương. Tính đến tháng 4/2019, toàn huyện có hơn 700 hộ thua lỗ.
Ông Tiến-kỹ thuật viên xử lý nước nuôi trồng của Công ty ADN (một công ty chuyên cung cấp giải pháp xử lý môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản tại TP.HCM) cho biết, khá nhiều hộ ương cá tra bột tại ĐBSCL thất bại.
Sau thất bại, nhiều hộ ương cá tra giống buộc phải lấp ao để trồng cây.
“Ngoài giá cả thị trường không ổn định, chất lượng cá tra bột không đảm bảo, nhiều nông dân ương cá tra giống không nắm chắc kỹ thuật, làm theo phong trào… nên sự thành bại trong ương nuôi cá tra giống hiện nay là 5 ăn-5 thua”- ông Tiến chia sẻ.
Theo Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản ĐBSCL, 75% hộ ương cá tra giống ở vùng này thất bại.
Tính toán của Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản cũng cho thấy, nhu cầu con giống cá tra hiện tại chỉ cần khoảng 600ha là đủ cung cấp cho người nuôi cá tra. Nhưng chỉ tính riêng tỉnh Long An đã có khoảng 4.000ha ao ương cá tra giống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.