Lớp học "đặc biệt" không tiếng trống trường của “cô giáo Thùy”

Hoàng Hạnh - Tâm Anh Thứ ba, ngày 12/11/2024 09:32 AM (GMT+7)
Giữa lòng TP.Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) có một lớp học tình thương do Bí thư đoàn cơ sở phường 7 Trần Thanh Thùy phụ trách, giảng dạy cho hàng chục trẻ em nghèo. Học trò của cô Thùy là những cháu ban ngày theo cha mẹ bán vé số mưu sinh, tối về lại đến lớp tìm con chữ.
Bình luận 0

Cô giáo… khoác áo đoàn viên

Mỗi buổi chiều, trong căn phòng rộng hơn 50m2 tại trụ sở sinh hoạt văn hóa khóm 4, phường 7, TP.Bạc Liêu vang tiếng đọc vỡ lòng của những đứa trẻ nghèo. Những tiếng "ê a" tập đánh vần ấy đã dần thành quen thuộc với người dân sinh sống quanh đó.

Đó là lớp học tình thương của chị Trần Thanh Thùy – Bí thư đoàn cơ sở phường 7, được tổ chức suốt nhiều năm qua. Lớp học này diễn ra vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần.

Lớp học "đặc biệt" không tiếng trống trường của “cô giáo” Thùy- Ảnh 1.

Chị Trần Thanh Thùy – Bí thư đoàn cơ sở phường 7, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu - người phụ trách lớp học tình thương cho biết, sẽ quyết tâm học hỏi nhiều hơn để ngày càng truyền đạt tốt hơn cho học sinh của mình. Ảnh: Tâm Anh

"Học sinh của mình đều là các cháu có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ bọn trẻ là người bán vé số, phụ hồ, hay giúp việc, nên họ không có điều kiện cho con mình đến trường", chị Thùy nói và cho biết, có những cháu không đủ các loại giấy tờ tùy thân để đi học, hay đã quá tuổi vào lớp 1.

Dù lớp học không một tiếng trống trường, cô giáo cũng đơn giản chỉ khoác lên mình chiếc áo đoàn, nhưng hiện tại, lớp có đến 38 cháu theo học. Theo cô Thùy, lớp học bắt đầu 17h30 phút đến 19h, nhưng hiếm lắm sỉ số lớp mới đầy đủ, vì các em theo cha mẹ mưu sinh không về kịp để học.

"Thời gian quy định cho các em vào lớp là vậy, chứ thật ra ở đây, em nào đến trước thì học trước, đến sau thì học sau. Cá biệt có những hôm mình phải chạy đến phòng trọ gọi học trò đến lớp", chị Thùy cười tươi nói.

Lớp học "đặc biệt" không tiếng trống trường của “cô giáo” Thùy- Ảnh 2.

38 học sinh trong lớp học tình thương của cô giáo Thùy tuy mỗi người một cảnh, nhưng các cháu đề có chung quyết tâm là học để có thể viết được tên mình. Ảnh: Tâm Anh

Do công tác bên đoàn nên khi đảm nhận lớp học, chị Thùy gặp không ít khó khăn khi giảng dạy. Nhận thấy mình chưa có kỹ năng truyền đạt kiến thức, vì dạy thì nhiều mà học sinh không tiếp thu được bao nhiêu.

Dù vậy, nhưng với quyết tâm đem con chữ đến cho học trò nghèo của mình, chị Thùy bắt đầu tìm hiểu, học hỏi cách thức, phương pháp giảng dạy của người quen đang công tác trong ngành sư phạm, rồi về áp dụng mới dần cải thiện được chất lượng học tập của các cháu.

Theo chị Thùy, do cuộc sống nên các cháu thường xuyên phải bươn chải ngoài xã hội, tiếp xúc môi trường thiếu lành mạnh, dễ tiếp thu thói hư tật xấu. Do vậy, lớp học của chị không chỉ dạy chữ cho các cháu, mà còn dạy cả kỹ năng sống, đạo đức làm người…

Ngoài ra, để giúp học sinh của mình an tập học tập, cô Thùy còn thường xuyên vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm cho các em và gia đình.

Đồng thời để khích lệ tinh thần học tập, vào cuối mỗi buổi học, cô giáo cũng thường phát ít quà, bánh cho các cháu. Đặc biệt là vào các ngày lễ Quốc tế thiếu nhi, Tết trung thu… các em đều được tặng quà, và được tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí.

"Con học để biết viết tên mình"

38 học sinh của cô giáo Thùy mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng các cháu có chung một quyết tâm là cố học thật giỏi để có thể biết đọc, và biết viết chính tên mình.

Cháu Trần Hồng Loan (9 tuổi) cho biết, hàng ngày cháu phải theo mẹ bán vé số để mưu sinh. Vào ngày tựu trường hàng năm, cháu đi bán vé số quanh trường, khi nhìn thấy các bạn đồng trang lứa được cha mẹ đưa đến lớp học, có lần cháu đã khóc.

Lớp học "đặc biệt" không tiếng trống trường của “cô giáo” Thùy- Ảnh 3.

Lớp học tình thương của cô giáo Thùy hiện còn thu hút được sự quan tâm của nhiều đoàn viên, thanh niên đến hỗ trợ cô trong công tác giảng dạy. Ảnh: Tâm Anh

"Năm 2023, con được cô Thùy và các cô chú ở Đoàn cơ sở phường 7 vận động mẹ cho đi học lớp tình thương này. Khi đến lớp, con được các cô, chú tạo điều kiện để học tập", cháu Loan nói và cho biết sẽ quyết tâm học thật giỏi.

Nói về nỗ lực của học trò này, cô Thùy cho biết, sau gần 1 năm học chữ, Loan đã biết được gần hết mặt chữ, đang học ráp vần và làm được vài phép tính đơn giản.

Cùng phận nghèo khó như cháu Loan, 2 anh em Trần Gia Hưng (10 tuổi) và em gái là Trần Trúc Văn (8 tuổi) đang theo học lớp 1 tại lớp học tình thương của cô Thùy.

Hưng cho biết quyết tâm của 2 anh em là cố gắng học để mau biết chữ, biết viết tên mình và tên cha, mẹ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem