Lươn lớn nhanh, không bị bệnh
Lớp học này do Hội ND xã Thạnh Phú phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ tổ chức. Ông Phùng Quốc Thái – Chủ tịch Hội ND xã Thạnh Phú cho biết: Thạnh Phú là xã “lươn” với hơn 100 hộ nuôi lươn trong bể lót bạt, quy mô lớn nhỏ khác nhau.
Tuy nhiên, hầu hết các hộ nuôi theo kiểu tự phát, lộn xộn, chăn nuôi thiếu khoa học nên hiệu quả chưa cao, lươn còi cọc, bệnh tật. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, cuối tháng 1.2015, Hội ND xã đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn thành phố mở lớp dạy nghề nuôi lươn cho bà con ND, trang bị kỹ thuật nuôi lươn một cách bài bản nhất cho bà con.
Ông Phùng Quốc Thái – Chủ tịch Hội ND xã Thạnh Phú thăm mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt của gia đình bà Loan. Ảnh: Thu Hà
“Đáp ứng đúng nguyện vọng, nên bà con tham gia lớp học nghề rất hào hứng. Giáo viên ngoài thời gian đứng lớp, còn trao đổi qua điện thoại để giải đáp những thắc mắc của học viên trong quá trình nuôi lươn”- ông Thái chia sẻ.
Nói về hiệu quả của lớp học nghề, ông Thái cho hay: Đến nay, lớp học đã kết thúc được gần 4 tháng, cả 35 học viên tham gia lớp học nghề đều đang áp dụng rất tốt kiến thức được học. Do nắm chắc kỹ thuật nuôi nên thu nhập của học viên sau lớp học nghề được cải thiện rõ rệt. Nhờ các kiến thức chăm sóc, chăn nuôi khoa học, các hộ trong xã đã biết “quy hoạch” công việc nuôi lươn của mình tốt hơn, lươn lớn nhanh, không bị bệnh…
Bao tiêu cả “đầu ra”
" Song song với công tác dạy nghề cho ND, Hội ND và các ban ngành liên quan cần có những hình thức hỗ trợ thiết thực hơn nữa như tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, tích cực liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra sản phẩm của ND, chuyển giao KHKT tới bà con ND. Như vậy, hiệu quả của dạy nghề càng được phát huy”.
Ông Trần Ngọc Thành
|
Gia đình ông Trần Ngọc Thành và bà Phạm Thị Cẩm Loan (ấp Thạnh Phước) là 1 trong nhiều gia đình ở xã Thạnh Phú khấm khá lên nhờ phát triển mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt. Hiện ông Thành đang là Chủ nhiệm Hợp tác xã Phước Lộc Hòa với 9 thành viên chuyên nuôi và cung cấp lươn, ếch, cá lóc thương phẩm. Mặc dù có kinh nghiệm nhiều năm nuôi lươn, nhưng khi mở lớp dạy nghề thì cả 2 vợ chồng ông Thành bà Loan đều nhiệt tình đăng ký học. Đi học vợ chồng ông đã vỡ ra rất nhiều điều.
Chẳng hạn như trước đây, sau khi mua lươn giống về thả ông Thành để chúng sống hoang dã 2 tháng đầu mới tập cho lươn ăn, tỷ lệ lươn giống sống khoảng 50% là cao. Học nghề ông Thành được các giáo viên hướng dẫn sau 1 tháng nuôi hoang dã là đã có thể tập cho lươn giống ăn. Nhờ biết cách phòng, trị và phát hiện bệnh sớm nên tỷ lệ lươn sống đến 70-80%. Thu nhập gia đình ông cũng được nâng cao hơn.
Nói thêm về lợi ích học nghề, bà Loan ngồi bên cạnh khoe: "Trước đây vợ chồng tôi chỉ nuôi 5 bể lươn thương phẩm. Sau lớp học nghề, được trang bị kiến thức đầy đủ tôi đang nuôi thêm 4 bể lươn sinh sản để cung cấp lươn giống cho bà con".
Theo vợ chồng ông Thành nuôi lươn trong bể lót bạt không đòi hỏi diện tích lớn; kỹ thuật đơn giản; không tốn nhiều chi phí con giống, thức ăn, thời gian chăm sóc. Sau 6 tháng nuôi và chăm sóc, lươn loại I (trọng lượng 200 - 250 g/con) bán với giá từ 130.000 – 150.000 đồng/kg. Mỗi bể thả 1.000 con lươn giống, với năng suất khoảng 240kg lươn thương phẩm sẽ cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/bể. Trừ các chi phí, ông Thành thu lãi khoảng 15 triệu đồng/bể. “Về đầu ra chúng tôi hoàn toàn yên tâm vì hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với siêu thị Metro. Tuy nhiên muốn mở rộng sản xuất thì đa số ND trong xã đang thiếu vốn” – ông Thành cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.