Lớp học có 80 học sinh thuộc đủ mọi độ tuổi khác nhau, từ em bé 5 tuổi đến cụ già 70, theo học.
Ông Nghiêm Quốc Đạt sinh năm 1942 trong 1 gia đình nghèo ở Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội. Nhà nghèo, bố mất sớm nên ngay từ nhỏ, mấy anh chị em đã phải tự bảo ban nhau để kiếm sống qua ngày. Đường học hành của ông cũng vì thế mà long đong, lận đận.
Khó khăn nhưng bất cứ lúc nào rảnh rỗi, cậu bé Nghiêm Quốc Đạt lại mang giấy, bút lông, mực tàu đến nhà ông nội vốn là 1 nhà Nho để học chữ. Từ những nét chữ nhất, nhị, tam, tứ…, dần dần, với sự ham học hỏi, ông Đạt đã nhanh chóng đọc thông, viết thạo chữ Nho. Hồi đó, ông còn được đánh giá là người có nét chữ “rồng bay phượng múa”.
|
Uốn từng nét chữ cho học trò |
Cháu bé lên 5 học cùng cụ già thất thập
Rồi đến những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông Đạt đành gác bút nghiên để lặn lội khắp nơi kiếm tiền nuôi sống gia đình. Ông sống chủ yếu bằng nghề chiếu bóng và đủ thứ nghề khác như buôn cát, bán đồng nát… Nhiều lúc, tạm gác sang một bên những khó khăn của cuộc sống mưu sinh, ông lại đem mực tàu, giấy đỏ ra luyện viết để khỏi quên đi những nét chữ ngày nào.
Với ông, luyện chữ Nho cũng chính là rèn luyện tâm tính, cốt cách con người nên không bao giờ ông sao nhãng. Khi cuộc sống đỡ vất vả hơn, ông trở lại là một thầy đồ như ngày xưa. Rất nhiều người đến xin chữ ông vào những dịp lễ, tết.
Năm 2006, nhận thấy chữ Nho đang dần bị mai một, là một người thạo chữ nghĩa, ông Đạt không đành lòng đứng nhìn những nét chữ của nền Nho học ngày trước bị chìm dần vào quên lãng. Ông tâm sự: "Tôi thấy trẻ con thời nay khi hỏi đến thì không biết nhiều về lịch sử của cha ông mình, nhiều đứa trẻ chỉ mải mê vào những trò tiêu khiển như điện tử hoặc xem phim ảnh quá nhiều mà không để ý tới bản sắc văn hóa dân tộc".
Chính vì thế, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông quyết định mở lớp để dạy chữ Nho cho những ai trong làng có nhu cầu học. Ông bảo mỗi nét chữ ông dạy cho người khác cũng chính là tấm lòng của ông gửi vào đó.
Ban đầu, ông Đạt dạy chữ Nho cho những người cháu trong dòng họ. Dần dần, nhiều người biết và xin học theo. Đến nay, lớp học của ông đã lên đến gần 80 người. Học sinh của ông cũng gồm nhiều độ tuổi. Người trẻ nhất mới lên 5.
Người già nhất cũng đã ngấp nghé ngưỡng tuổi thất tuần. Mở lớp, không những không thu học phí, ông còn tự lo bàn, ghế, phấn, bảng và nghiên cứu để soạn ra một cuốn giáo án riêng để tiện việc giảng dạy. Tính đến nay, sau 6 năm hoạt động, lớp học của ông Đạt đã cho tốt nghiệp gần 500 học sinh thuộc đủ thành phần, lứa tuổi khác nhau. Lớp học đặc biệt đó cứ âm thầm hoạt động suốt 6 năm qua để giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam.
|
Thầy đồ Nghiêm Quốc Đạt dạy chữ Nho giữ bản sắc văn hóa Việt Nam |
Dạy nét chữ, rèn nết người
Chúng tôi gặp ông Nghiêm Quốc Đạt khi ông đang say sưa luyện chữ cho học sinh của mình. Với dáng người mảnh khảnh, giản dị trong bộ quần áo nâu đã bạc màu, ông như mang hết những gì mình biết ra để giảng giải và trả lời mọi thắc mắc của tất cả các học sinh.
Lớp học của ông mang tên Sao Khuê, đó là một vì sao mà theo quan niệm của người Việt Nam, biểu tượng cho sự thông minh và trình độ học vấn. Lớp học Sao Khuê một tuần học hai buổi vào thứ năm và Chủ nhật. Học viên trong lớp là tất cả những ai có lòng đam mê với chữ Nho từ học sinh, sinh viên cho đến công chức nhà nước và những người lao động.
Với mỗi học trò, ông Đạt đều tận tâm chỉ bảo, ông quan niệm dạy chữ Hán là “dạy nét chữ và uốn nết người”. Ban đầu, ông dạy học trò cách viết các nét cơ bản, rồi cách ghép chữ. Mỗi một chữ đều được ông giảng giải về nghĩa một cách sâu sắc, vận dụng linh hoạt vào đời sống thực để dạy học trò đạo làm người.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Kim Tiến - một học sinh đặc biệt của lớp - cho biết: "Chiến tranh cướp mất của tôi 1 tay và 1 chân. Mặc cảm vì tàn tật, tôi thường hay nổi nóng với vợ con. Sau khi biết được lớp học Sao Khuê, tôi đã tìm đến tận nơi xin thầy Đạt cho theo học. Ban đầu học viết chữ bằng tay trái quả là rất khó khăn nhưng vì yêu chữ Nho và hứng thú với những kiến thức mà thầy dạy, tôi đã quyết tâm theo học bằng được. Giờ đây tôi đã viết chữ thành thạo bằng tay trái. Không những thế, tôi còn biết cách kiềm chế bản thân, không hay nổi nóng như trước nữa và cũng không còn mặc cảm về mình".
Ông Đạt cho biết thêm, lớp học của ông có rất nhiều học sinh từ Sơn La, Hòa Bình, Nam Định và nhiều nơi khác theo học. Hiện lớp học vừa nhận một học sinh rất đặc biệt là một cụ ông tên Trọng đã gần 70 tuổi ở tận trong Nam. Khi biết được lớp học của ông trên báo chí, cụ Trọng đã viết thư ra tận nơi để xin học.
Ông Đạt giảng bài qua điện thoại, còn chữ thì viết mẫu vào giấy và gửi chuyển phát nhanh vào tận nơi cho ông cụ. Sau khi viết xong, ông Trọng lại gửi ra để thầy giáo Đạt nhận xét và sửa chữa. Khi được hỏi về tâm nguyện của mình, ông Đạt cho biết, giờ ông chỉ có một mong muốn là làm sao đào tạo được thật nhiều học sinh và có một chỗ học thật rộng rãi, thoải mái để ông có thể chuyên tâm vào dạy chữ, dạy người.
Ngồi cả ở sân, hè để học"Hồi mới mở, lớp học chỉ là không gian nhỏ trong phòng khách của gia đình. Bàn ghế là những tấm ván đơn sơ tôi xin được của hàng xóm. Có những buổi lớp học đông chật kín, không đủ ghế để ngồi, các học sinh phải ngồi cả xuống nền nhà, ngoài hè, ngoài sân. Sau này, Trường tiểu học Sơn Đồng cho tôi mượn phòng học vào Chủ nhật để tiện cho việc giảng dạy nên các học sinh đã có không gian rộng hơn để học tập" - ông Đạt tâm sự.
Cuốn giáo án đặc biệt
Cũng do đặc thù của lớp học là đủ mọi thành phần nên cách dạy của ông Đạt cũng đặc biệt. Ông không dạy cách viết, cách đọc bình thường mà còn làm thơ về các chữ để học trò có thể nhớ và hiểu nghĩa. Trong cuốn giáo án do ông soạn ra để dạy học trò ghi không ít những câu đố về chữ như: “Sinh ra vốn một con người/ Lớn lên mới gạch ngang thời giữa thân” (chữ "đại nhân"), hay “Chữ gì trên có mái che/ Dưới người con gái ấp e đứng nhìn” (chữ "nhà"). Chính cách dạy này của ông đã giúp cho học trò không những nhớ mặt chữ mà còn nhớ nghĩa.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.