Lũ chậm, tiếp máu cho "kẻ thù"

Thứ tư, ngày 06/10/2010 08:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lũ về sẽ diệt đi phần lớn số chuột cũng như sâu rầy của ruộng đồng ĐBSCL. Không có lũ, sang năm vựa lúa này phải đối đầu với hai kẻ thù lợi hại nhất ấy.
Bình luận 0

Chuột xông ra

Trên những cánh đồng bất tận của miệt sông nước này, có lẽ chuột là loài có được cuộc sống nhàn tản, tự do tự tại nhất so với bất cứ nơi nào trên cả nước. Thóc lúa tha hồ chén căng bụng, thiên địch hầu như không có, nhất là những năm trở lại đây, khi trăn, rắn bị săn bắt ráo riết… Mùa lũ mênh mông hàng năm là cuộc "đại thảm sát" của thiên nhiên để khống chế loài vật này và cũng để vùng ĐBSCL nức tiếng với món "sóc tràm" thịt chuột mỗi khi mùa nước về.

img
Người dân quận Ô Môn, Cần Thơ, thu hoạch lúa chết.

Những con thoát khỏi kết cục tại bàn nhậu thì cũng đành chết đói giữa mênh mông nước. Đấy là nói vui, thực ra trong mùa lũ, việc sinh sản của chuột không diễn ra vì thiếu thức ăn. Nhưng người ta không hiểu tại sao sau một mùa lũ lớn bị tiêu diệt gần như "không còn một mống", năm sau đàn chuột vẫn phát triển được.

Thế thì sau một năm không có cuộc "đại thảm sát" như năm nay, chắc chắn "dân số" chuột tại vùng này sẽ bùng nổ theo kiểu phản ứng nhiệt hạch. Hơn 10 năm trước, đại họa này đã gây dấu ấn kinh hoàng cho nhiều người dân ở đây.

Năm 1996, vùng Đồng Tháp đã phải chịu nạn chuột hoành hành nhưng thiệt hại không lớn lắm. Năm 1998, đỉnh lũ tại Tân Châu chỉ đạt 2,81m, thấp nhất trong 42 năm qua. Năm sau, khắp các cánh đồng vùng Đồng Tháp Mười nhung nhúc chuột... Chỉ cánh đồng rộng ngút ngát của mình, ông Lê Văn Lợi, ấp Hai Vụ, xã Kiến Bình, Tân Thạnh, Long An chua chát: "Vụ hè thu năm đó ruộng tui bị chuột phá sạch. Mọi người trong xã cũng thiệt hại nặng.

Năm nay 23 công đất của tôi không biết có giữ được kí lúa nào không nữa". Năm nay vào giữa đỉnh lũ, mức nước tại Tân Châu cũng chỉ cao hơn năm 1998 có 5cm. Tuy mức nước bây giờ có cao hơn nhưng ông Lợi cùng những nạn nhân của mùa chuột tàn phá lịch sử kia đều nhận định: "Dịch chuột sẽ lan rộng hơn, trầm trọng hơn". Có hai lẽ để nhận định kia có lý…

Lúa chét là thứ đặc sản, món quà hiếm hoi của mùa lũ muộn. Lũ không về, các gốc rạ không bị chết ngập trong nước tiếp tục đâm lá, trổ bông. Tuy nhiên ít người thu hoạch loại lúa này bởi năng suất rất thấp. Chính vì thế, lúa chét lại là nguồn thực phẩm quan trọng để nuôi chuột qua cả mùa lũ muộn.

Trước đây, giống lúa chủ yếu của vùng Đồng Tháp Mười là giống cao sản IR50404, giống lúa hiện nay của cả vùng là giống hạt dài, chất lượng cao. So với giống cũ, loại giống mới này ra nhiều lúa chét hơn, chính vì thế nguồn thực phẩm dành cho chuột trong mùa lũ muộn cũng sẽ nhiều hơn năm 1998.

Bắt đầu từ năm 2000, tại khu vực ĐBSCL những con đường cao hơn đỉnh lũ được xây dựng hàng loạt tại các vùng nông thôn. Đây là bước tiến rất quan trọng trong đời sống xã hội tại đây. Tuy nhiên, nó lại ngăn chặn phần nào cuộc "đại thảm sát" của thiên nhiên với lũ chuột.

Trên cánh đồng lấp xấp nước ở huyện Ô Môn, Cần Thơ, nhóm thợ săn chuột bất lực nhìn những hang chuột ở rìa một con đê đầy cây mai dương. Hữu - một người trong đám thợ săn tiếc rẻ: "Chắc toàn chuột bự, nhưng đào đường để bắt chuột thì ai dám". Tôi phải an ủi: "Sang năm, chuột đầy đồng, tha hồ mà bắt", Hữu nhìn tôi như một kẻ đến từ sao Hỏa: "Giỡn chi độc địa vậy cha?".

Sâu rầy bu tới

Năm nay, những cánh đồng, nơi ẩn nấp của đám rầy nâu, rầy xanh không bị ngập nước, đại dịch vàng lùn - lùn xoắn lá sẽ đe dọa cả một mùa lúa sau.

Lúa chét lại tiếp tục góp phần "tội ác" trong một đại dịch kinh khủng khác của vùng đồng bằng này sau mùa lũ mà không thấy nước: Bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá.

Những vạt lúa chét cùng những cánh đồng cỏ là nơi trú ngụ của những đám sâu rầy, chờ mùa lúa sau, sẽ xông ra tàn phá. Người dân ấp Cây Me, Cây Chuối, Cây Tre... xã Hưng Điền, Tân Hưng, Long An vẫn nhớ như in mùa lũ không về năm 1998, sang 1999, lúa hè thu mất trắng vì một loại sâu bệnh lạ lẫm: Cây lúa chuyển màu vàng cam, cây lùn và đẻ rất ít nhánh. Cùng chung số phận với các cánh đồng ở đây, hàng triệu ha lúa ở ĐBSCL gần như mất trắng vì một loại bệnh được đặt tên ngay năm đó: Bệnh vàng lùn - xoắn lá.

Bà Nguyễn Thị Tám (ấp Cây Me) cho biết: "Bệnh vàng lùn xoắn lá này trước khi nó được đặt tên, chúng tôi cũng gặp nhiều lần rồi. Năm nào lũ đẹt (lũ nhỏ), có nhiều rầy nâu, rầy xanh, bệnh này lại xuất hiện vào mùa tiếp theo".

Căn bệnh quái quỷ này chỉ được giải mã vào tháng 3 - 2006 sau khi được sự giúp đỡ của Viện Khoa học Nông nghiệp quốc gia Hàn Quốc: Bệnh xuất hiện do sự phối trộn của ba loại virus là lùn lúa cỏ, lùn xoắn lá do rầy nâu truyền bệnh và Tungro do rầy xanh truyền bệnh. Vào cao điểm hoạt động của rầy nâu, rầy xanh, bệnh sẽ xuất hiện.

Sau mùa lũ thấp lịch sử năm 1998, một loại bệnh mới của cây lúa được đặt tên: Vàng lùn xoắn lá! Sau mùa lũ 2010, loại bệnh nào nữa sẽ được đặt tên đây? Giữa cánh đồng mênh mông bao la, bỗng dưng tôi buột miệng: "Lạy trời chuyện đó đừng xảy ra...".

Còn nữa
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem