Lũ chậm, chất chồng thiệt hại

Thứ ba, ngày 05/10/2010 07:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không chỉ thất thu mùa cá và không chỉ những người làm nghề đánh bắt cá mới khổ, mà những người dân ĐBSCL khác cũng đang khốn đốn vì không có lũ!
Bình luận 0

Nỗi khổ có "tính chất bắc cầu"

Những ngày này, các tiệm lưới Năm Tấn, Dì Ba, Tư An… dưới chân cầu Thơm Rơm (xã Thuận Hưng, Thốt Nốt, Cần Thơ) vắng teo. Nơi đây có hàng trăm cơ sở sản xuất cùng hơn 3 chục cửa hàng bán lưới cung cấp cho cả vùng ĐBSCL. Sự thất thu của các cơ sở làm lưới năm nay có thể khắc hoạ phần nào những thiệt hại của cả vùng đồng bằng này khi con cá không về.

img
Nông dân xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An gieo sạ sớm vì lũ muộn.

Ông Phạm Phước Phong - chủ tiệm lưới Năm Tấn chẳng giấu giếm gì: "Sức bán hả? Mất tám còn hai anh ơi. Thì đó! Lũ không về thì không có cá, cá không về thì người ta mua lưới làm chi, "tính chất bắc cầu" vậy mà". Những năm trước, vào thời gian này, mỗi ngày ông xuất tới gần 50kg lưới cước.

Chỉ tay vào vị khách đang lẩn mẩn kiểm tra từng mắt lưới, ông Tấn cười buồn: "Sáng tới trưa, có mỗi người khách này lại còn đang trả giá". Khách ngẩng lên cười chua chát: "Mua cầu may thôi ông Năm ơi! Nhớ cá, nhớ nước thì mua đại để đó thôi, chắc gì đã có dịp dùng đến". Lưới không bán được, số công nhân tuyển dụng từ đầu mùa lũ của cơ sở Năm Tấn từ 200 bị cắt giảm xuống 40. Ông Phong ước tính lượng công nhân làm lưới của cả khu vực "chợ lưới" này bị lũ muộn "sa thải" khoảng trên ngàn người.

Chị Vũ Thị Hòa - công nhân đan lưới rầu rầu: "Ông chủ "mất tám còn hai", gia đình tôi thì "mất hai còn một". Thì ra, cả ba mẹ con chị đều làm ở đây, không có lũ, lưới ế, sau lượt "tinh giảm biên chế" chỉ mình chị được giữ lại.

Chị cho biết, nhà toàn đàn bà con gái, mấy việc mùa lũ (đánh bắt cá, cua, chuột, rắn, rùa…) không rành. May mà có nghề làm lưới, lương tháng mỗi người cũng được trên triệu đồng, mọi năm lũ kéo dài là có việc làm đến 4 - 5 tháng. Năm nay nồi cơm của gia đình chị bị rút xuống còn 1/3 so với mọi năm.

Ông Phong bảo: "Tôi làm nghề này suốt 34 năm nay mà chưa thấy năm nào "hẻo" như lần này", nói xong, ông chỉ sang mấy bà đang đứng trước mấy cái lồng loe ngoe mấy con rắn, rùa: "Chỉ sướng mấy bà này, giá rắn, rùa tăng gấp đôi mà vẫn hết hàng". Mấy bà nhăn nhó: "Sướng chi cậu ơi! Đầu mùa lũ, tụi tui kí mấy cái hợp đồng cung cấp thường xuyên cho mấy hàng đặc sản, nay hàng không có, sắp phải đền tiền người ta đây nè".

Cũng như chuột, khi nước lên, rắn tập trung tại các gò đống nên cũng dễ bắt. Năm nay rắn vẫn ung dung tản mát khắp các cánh đồng mênh mông, giá rắn gần như tăng gấp đôi: rằn ri cá, rằn ri cóc tăng từ 120.000 đồng lên 200.000 đồng/kg, rắn nước cũng tăng từ 40.000 đồng lên 70.000 đồng/kg…

Hoá ra, lũ không về không chỉ làm nông dân khốn đốn mà các ngành dịch vụ phục vụ mùa lũ cũng khốn theo. Người làm mắm cũng đành "treo khạp" vì giá nguyên liệu quá đắt, các làng nghề đóng xuồng phục vụ mùa lũ cũng buồn hiu, lạnh bóng...

Mọi nguồn sống bị đình trệ

Lũ về muộn, không chỉ con cá mà các sản vật đặc trưng của vùng ĐBSCL cũng lỗi hẹn với người dân nơi đây. Chỉ có cái đói, cái nghèo là không lỗi hẹn.

Trên mảnh đất mà mỗi người có 65m2 đất canh tác ở ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang), chị Nguyễn Thị Thu lui cui buộc lại mấy cái vợt, miệng phân trần: "Nước lên, đàn bà con gái như tui cũng có thể kiếm ăn được. Vợt ốc bán được 1.000 đồng/kg. Hái bông súng thì cứ 3 cọng quấn thành lọn là bán được 1.000 đồng. Mỗi ngày, tôi hái cả trăm bông".

Năm nay, ốc không có, còn bông súng đã hiếm thì chớ lại còi cọc, hái cả chục bông vẫn chưa cuốn được một lọn. Cũng phải, bông súng vào mùa lũ dài tới ba mét, mập thù lù, bây giờ nếu có thì nó cũng chỉ dài độ vài tấc. Không có phù sa cọng nào cọng nấy teo héo, dai nhách…

Nhìn mấy ông bạn dẫn bầy chó và vác mấy cây chĩa đi qua, anh Xèng - người đòi cho lọp vào nồi... luộc ăn khi trước thò cổ ra động viên: "Ráng đừng về không nghen". Quay sang chúng tôi anh giải thích: "Tụi nó đi săn chuột. Nhưng bắt được ít lắm. Mọi năm nước lên, chuột tập trung ở mấy gò đống nên bắt nhiều, nay chúng ở tản mát nên bắt được ít lắm".

img
Các tiệm bán lưới ở xã Thuận Hưng (Thốt Nốt, Cần Thơ) những ngày này vắng khách.

Xèng lim dim nhớ lại thuở "huy hoàng": "Nói về các nghề mùa lũ, tụi tôi ở đây là chúa trùm đó nghen. Bắt chuột, bắt rùa, bắt rắn… đều là loại siêu hạng. Không siêu hạng thì sống sao nổi với mấy chục m2 đất canh tác"…

Quá chiều bạn, mấy nông dân miền Tây cũng cố kiếm cho được mớ cá linh. Nước lên chút đỉnh, ngoài sông cái đã có cá linh. Ngồi bên nồi lẩu, háo hức cho miếng cá cùng miếng bông súng vào mồm bỗng bị cảm giác "như đấm vào họng": Thịt thì xác, xương thì cứng, mật đắng lè, cọng bông súng thiếu phù sa cứng đơ, dai nhách.

Thì ra anh cá linh đỏng đảnh như con gái, chỉ mềm, chỉ ngon lúc xuân thì, mùa lũ đã trôi qua quá nửa, cá đã lớn nên cái ngon ngọt đâu còn. Suốt mùa lũ muộn này, người dân đồng bằng này sẽ phải ăn những "quả đắng" như con cá linh quá thì kia. Nhưng nỗi khốn khổ về một mùa lũ muộn mới chỉ bắt đầu. Những hiểm hoạ tai ác sẽ kéo về dồn dập ngay sau mùa lũ. Có thể nói, lũ muộn đã tiếp máu cho kẻ thù của những đồng lúa nơi đây.

Còn nữa  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem