Có một cuộc họp ở Đà Nẵng dành cho lãnh đạo báo chí văn nghệ, trí thức, văn nghệ sĩ... của Miền Trung Tây Nguyên do ban Tuyên giáo Trung ương triệu tập, tôi đăng ký máy bay để đi. Nhưng máy bay Đà Nẵng- Pleiku, thứ 6, ngày tôi cần về lại không có chuyến. Đi xe giường nằm thì nghĩ cũng có tuổi rồi, lỡ bụng dạ nó xục xịch thì rồi... cả xe khổ. Thế là quyết tự lái xe đi, chở theo cậu cán bộ, trẻ hơn, khỏe hơn nhưng... không biết lái xe.
Đoạn sạt trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh Văn Công Hùng
Đã hàng chục lần lái xe đường Hồ Chí Minh, mà mới nhất tháng vừa rồi có đến 2 chuyến một mình chạy về Huế, bởi thế tôi thuộc đường này gần như các tài xế xe khách, nên khi nghe vài người nhắc cẩn thận tắc đường vì mưa thì tôi... cười, vì nếu lụt thì lụt đường Một chứ, đường Hồ Chí Minh là để “cứu” đường Một mỗi khi bão lụt mà. Có chăng, 2 chuyến đi vừa rồi tôi phát hiện, nền đường Hồ Chí Minh hỏng nhiều quá, nhiều đoạn hỏng trầm trọng…
Thế là phon phon đi. Khi xuống đi trong mưa trắng trời bắt đầu từ Kon Tum, nhưng có hề chi, xe chạy chứ ta có chạy đâu, ta ngồi điều khiển nó mà, dù có lúc chạy trên chon von núi, mây đen kịt xà trước kính dù là đang trưa cũng thấy khiêm khiếp.
Hai ngày họp ở Đà Nẵng, mưa to như bão. Vừa họp vừa ngóng tin bão lũ để tính đường về. Tuyệt không thấy ai nhắc gì đến tắc đường Hồ Chí Minh, chỉ thấy Nha Trang, Tuy Hòa, Bình Định, rồi cả Quảng Nam nữa...
Sáng sớm thứ 6, ngày 16 tháng 12, dậy sớm tôi vẫn liếc một loạt báo, ti vi và cả mạng xã hội. Yên tâm rồi, không thấy nhắc gì đường Hồ Chí Minh. Có thế chứ. Chỉ non chiều sẽ có mặt ở nhà, tối kịp xử lý công việc đã định.
Nhiều xe giường nằm bị tắc lại 24 giờ. Ảnh Văn Công Hùng
Đà Nẵng sáng ấy rất lạ, như chưa từng là... Đà Nẵng. Sáu giờ mà vẫn tối om và trống trơn, trong khi bình thường thì thành phố biển chỉ 4 giờ đã nắng chan hòa và người đi chật phố. Gió quật ràn rạt, mưa xiên tối mặt. Tôi lái xe đến Hà Nha, cách Đà Nẵng chừng bốn chục cây thì dừng xe ăn sáng, uống cà phê, mất chừng ba mươi phút lại chạy tiếp, định bụng sẽ ăn trưa ở Kon Tum, rồi lè vè về Pleiku, khỏe re.
Gần chín giờ tới ngã ba làng Hồi, một ngã ba lớn trên đường Hồ Chí Minh, thuộc huyện Phước Sơn, Quảng Nam, cách thị trấn Khâm Đức 7 cây số, thấy lố nhố xe dừng trong mưa. Tưởng cảnh sát giao thông kiểm tra, tôi dừng và chủ động đến gặp một cảnh sát giao thông đang lụp xụp áo mưa đứng đấy, hỏi có việc gì thì được trả lời: "Tắc đường anh ạ, kia kìa".
Trước mắt tôi, cách chừng 50 mét là một đống bùn tươi chắn ngang đường, chính xác là con dốc.
- Lâu chưa em?
- Dạ từ nửa đêm. Thực ra là từ tối qua, gần nửa đêm thông được một lúc rồi lại bị.
- Ơ thế sao không ai thông báo gì hết nhỉ, các xe đang ùn ùn tới tiếp kìa, em thấy không. Phải báo để họ chặn xe chuyển hướng từ xa chứ. Dạ báo cho Đà Nẵng và Kon Tum rồi anh.
- Báo rồi mà sao xe vẫn chạy nhỉ, anh chạy từ Đà Nẵng đến đây có thấy cảnh báo gì đâu? - Để em gọi cho đội trưởng.
- Ừ gọi đi em, tội họ. Mưa gió thế này, anh thấy rất nhiều xe khách giường nằm đang đổ đến đấy, cả từ Cao Bằng, Lạng Sơn...
Tôi lội lên phía đống bùn. Thấy có vẻ to, nhưng chị chủ quán bảo chỗ ấy là dốc, cái dốc cao, đất trên núi trùm lên con dốc ấy nên trông nó thế chứ không nhiều lắm. Một cái xe gạt đất đang làm. Tôi hỏi một người có vẻ là chủ xe đang đứng gần đấy: "Khi nào xong hả bác?". "Chắc phải đến 3 giờ". Chết rồi. Lội quay lại, lúc này xe vẫn ùn ùn đến. Và thấy một điều rất lạ là, hầu như ai cũng coi như việc đương nhiên thế, chấp nhận thôi.
Hàng nghìn xe bị tắc nghẽn. Ảnh Văn Công Hùng
Lại lội lại, trên trời thì mưa, dưới là bùn, thấy có mấy anh trẻ trẻ đang dùng máy đo, đứng bên kia đường phóng sang bên này, một lát rồi... rút. Và cái máy gạt, sau này có người giải thích cho tôi là cái xúc lật, loại cổ lỗ sĩ giờ chả ai dùng, cũng ngơ ngác đứng. Xúm lại hỏi thì được giải thích là... xẹp lốp. Mấy ông hì hục thay lốp, chúng tôi lục tục vào cái quán bên đường. Nói luôn, chỗ này có 2 cái quán, một quán lớn, bởi là nhà ở luôn. Lớn là so với bên đường Hồ Chí Minh thôi, còn một quán tạm, mấy tấm tôn độn thêm tấm nhựa trên mấy cái cọc. Mì tôm trứng thì đợi... 10 phút, 15 ngàn. Cơm thì phải chờ vì đang nấu. Đợi 30 phút thì cơm nấu xong. Một đĩa cơm, trên bày 3 miếng thịt lợn luộc và một góc trứng tráng, 30 ngàn. Ai muốn nhanh thì xông thẳng vào bếp tự làm. Nước mắm trong chai, ai thấy thì rót trực tiếp vào đĩa, ai không thấy thì... ăn nhạt.
Quay ra, máy gạt đã kịp thay lốp lần thứ 2 và cũng kịp xẹp lần thứ 2. Và im lìm đứng. Một đồng nghiệp truyền hình Kon Tum bảo: "Máy gì như cái thìa kia, làm sao mà xúc được. Thôi quay về Đà Nẵng". Chả thấy ai có trách nhiệm để hỏi, lại hỏi bác lúc nãy, bảo đang thuê xe đầu kéo kéo 2 cái máy bánh xích lên, máy ấy lên thì ngon rồi. Lại khấp khởi mừng, về xe ngồi... chờ.
Một lát thì xe chở máy xúc bánh xích lên, 2 chiếc thật. Lên đến nơi là nó tung hoành ngay. Nhưng chỉ một lát thì một “ông” lại đứng, thấy mọi người lại cầm cle, mỏ lết xông tới, gõ gõ phang phang nửa tiếng thì nó lại chạy...
Xe dồn đến càng đông, người càng nghìn nghịt. Vấn đề là, mưa vẫn rất to và bùn vẫn chảy cả khu vực rộng nên chỉ có thể xuống ăn rồi lại trèo lên xe ngồi. Các nhu cầu tối thiểu thì chủ yếu là... nhịn, bởi chui ra khỏi xe là một cực hình. Lúc này thì các gia đình ở dưới làng được huy động lên, có gà mổ gà, có cá làm cá, thịt trong tủ lạnh được huy động hết. Người Quảng thật thà, nên các thực phẩm chủ yếu là... luộc. Luộc rồi thả vào mì tôm, luộc rồi thả vào cơm. Nhiều người đứng ngoài mưa bê tô mì ăn…
Trời về khuya, các xe tắt đèn để tiết kiệm ắc quy. Im lìm, lặng lẽ đến rợn người. Và cũng không thể mở cửa, hầu hết các xe đều kín mít. Một bạn nhắn tôi: "Nhớ để hở tí cửa không ngạt chết đấy". Thế rồi mà cũng có lúc tôi quên, mưa tạt nên kéo kín lại. Thi thoảng phải nổ máy để chạy máy lạnh sưởi xe không thì bị hơi nước bám đầy.
Các xe máy xúc xử lý sự cố. Ảnh Văn Công Hùng
Vấn đề là, không có một thông báo, một kế hoạch, một giải thích nào được đưa ra cho những người khách trên hàng trăm chiếc xe kia, rằng tại sao tắc, đang xử lý thế nào, bao giờ có thể xong...
Những hành khách trên mấy chục chiếc xe giường nằm xuyên Việt cứ im lặng chịu đựng. Tài xế không biết, họ lại càng không biết. Mấy cán bộ trên các xe biển xanh không biết, tôi vừa là cán bộ vừa kiêm lái xe cũng không biết, chả ai biết gì, cứ âm thầm chịu đựng rồi đoán mò. Thi thoảng lại có tin đồn khi có những người rón rén hé cửa bước xuống giải quyết nhu cầu, rằng 2 giờ thông xe, rồi chuyển lên 3 giờ... Và cũng không dám ngủ ngon, cứ luôn trong tâm thế sẵn sàng nổ máy đạp ga nên giầy cũng không cởi, chỉ hạ ghế ra chập chờn. Mà cái giống ghế lái, nó không cho người nằm xoay trở, chỉ một lát là mỏi, lại bật dậy ngồi...
Đêm cứ đen kịt thế, mấy xe khách đợi bớt người mới đi mua cơm cho khách. Từng tô cơm được đưa lên xe, xe tốt thì mở đèn he hé còn không thì tắt, âm thầm lặng lẽ. Có mấy chị người Tày Cao Bằng cứ rón ra rón rén trên cái xe Đăk Lắc trông rất tội. Tôi cứ ước ao, giá lúc này có một bác cán bộ nào đó, của xã cũng được, huyện càng tốt, tỉnh càng tuyệt vời, đến đây chia sẻ với bà con. Tặng bà con cái khăn chai nước càng tốt, mà hỏi suông mấy câu cũng xong. Mấy trăm con người chứ ít đâu. Và ước, có một tổng chỉ huy cuộc này ở đây, thi thoảng thông báo vài câu, trên loa hoặc đến từng cụm xe, rằng chúng ta đang như thế như thế, sẽ giải quyết như thế như thế, bà con cứ yên tâm...
Và cũng qua đây, mới thấy sự cứu hộ của chúng ta, cụ thể là ở đây, đến bây giờ vẫn vô cùng thủ công và nghiệp dư. 3 cái máy xúc thì đến 2 cái có vấn đề, vừa làm vừa sửa, và có vẻ như cứ cố làm, đến đâu thì đến. Có ý kiến của một ông khách, chắc cũng là người làm giao thông cho rằng, công tác ứng cứu/cứu hộ sau thiên tai ở đây quá tệ, vài cái xe công trình lèo tèo đưa tới thì cái được cái hỏng, hay chuyện mạnh ai nấy làm, không có chỉ huy khiến cho hàng đoàn xe dài vài km, ăn chực nằm chờ gần nguyên 24 tiếng, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Chỉ cần 1 ông cấp huyện, huy động nhân tài/vật lực trong huyện (kể cả tự tổ chức giải phóng thông đường bằng kinh phí quyên góp từ các chủ xe) cũng chỉ cần vài giờ đồng hồ là thông suốt. Không lẽ, huyện không huy động được vài cái máy ủi/ máy xúc/máy phát điện từ sức dân ...?
Một điều quan trọng nữa, hành khách cũng cần được cứu hộ, cả tâm lý và sức khỏe, chứ không chỉ cứu hộ đường. Họ cần biết họ không bị bỏ rơi khi hoạn nạn, chỉ cần những thông báo, những lời động viên, chia sẻ.
Các cụ ta xưa đã nói “xảy nhà ra thất nghiệp”. Họ qua đường, lạ nước lạ cái. Chúng ta là chủ nhà, chủ đường, biết hoặc biết lờ mờ, chia sẻ với họ, an ủi họ. Chả ai muốn chuyện xảy ra để phải (được) chia sẻ, an ủi, nhưng những lời hỏi thăm đúng lúc nó có giá trị biết bao. Mà có phải đâu chỉ vài chục người, dù vài chục cũng nhiều rồi, mà đây hàng mấy trăm người, nếu tính cả hai đầu có khi lên cả ngàn, rất nhiều trẻ em, trong suốt gần một ngày và một đêm giữa rừng… Chưa kể ốm đau đột xuất, do thời tiết, do tâm lý, rồi chuyện vệ sinh, cho khách và cho cả những người dân sở tại ở đấy, khi mà cả mấy trăm con người với biết bao nhu cầu cá nhân…
Gần sáng, lại cầm dù lò mò xuống nói chuyện với anh cảnh sát giao thông thức suốt từ trưa qua, mới biết dưới cái đống đất kia có một chiếc xe tải bị vùi. Và lúc hơn 7 giờ sáng hôm sau, tức 2 tiếng nữa là đầy 24 tiếng từ lúc xe tôi đỗ lại, chạy qua đống đất đã được gạt qua một bên, quả là có một cái xe tải, loại rất to và dài, nằm sõng sượt bên đường. Xe nối đuôi nhau nhích qua nên tôi không thể chụp ảnh, cũng như không thể hỏi tình hình tài xế thế nào?Gần một ngày đêm để vượt một đống đất do núi lở xuống, thấy… tang thương nhưng cũng thu được nhiều bài học, trong đó cảm phục nhất là tinh thần chịu đựng của hành khách. Mà nghĩ cho cùng, ngoài chịu đựng ra, họ còn có thể làm gì được?…
Bây giờ ngồi nghĩ lại, thấy việc xẻ núi làm đường hình như có điều gì đấy chưa ổn. Bởi những chỗ ấy chỉ xẻ sâu xuống, dựng taluy, bằng đúng con đường, mà đất lại bở, mưa xuống là như bùn, nó trượt xuống lấp đường là cái chắc. Chả có chuyên môn, nhưng nghĩ, nhẽ ra họ xẻ thêm ra mỗi bên ít nhất là chục mét, nhiều thì dăm chục mét, trồng cây trên ấy, thì cứ gọi là vô tư. Và trên đường Hồ Chí Minh, không chỉ có mỗi đoạn ấy. Ngay giữa thị trấn Phước Sơn, cách bãi bùn chúng tôi kẹt 7 cây số, một đống bùn lù lù cũng vừa sạt xuống lấp 1/2 mặt đường…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.