Lũ lịch sử tại miền Trung: Hàng vạn hộ dân tháo chạy lũ

Dũ Tuấn - Trần Hòe - Công Xuân - Trương Hồng Thứ bảy, ngày 17/12/2016 05:44 AM (GMT+7)
Cơn lũ lớn nhất trong năm nay vẫn đang hoành hành, nhấn chìm hàng vạn ngôi nhà ở miền Trung. Từ đêm 15.12 tới tối hôm qua, nhiều hộ dân tiếp tục phải chạy lũ, di dời đến nơi cao ráo. Hàng nghìn ha hoa màu, hoa tết bị nhấn chìm trong dòng nước đục ngầu. Nông dân đau đớn đứng nhìn tiền tỷ trôi theo lũ. Một cái tết buồn đang cận kề...
Bình luận 0

Tan tác chạy lũ

Ngày 16.12, nước lũ tại tỉnh Bình Định tiếp tục dâng cao khiến hàng trăm xã bị cô lập, các tuyến đường Quốc lộ 1 và Quốc lộ 19 bị ngập sâu, chia cắt nhiều đoạn. Gần như toàn bộ các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và nhiều khu vực các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão, TP.Quy Nhơn… bị ngập trắng trong lũ.

Nhà chị Nguyễn Thị Nhị (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) nằm ven sông, sáng ngày 16.12, dòng lũ đổ về khiến cả gia đình bị cô lập. 2 đứa con nhỏ và bố mẹ chồng đã cao tuổi đang co ro trong lũ, chị hốt hoảng tìm cách cùng người thân tháo chạy nhưng bất thành. “Nước lũ tấn công nhanh quá, lúc đó tôi chỉ biết dỗ dành 2 đứa con. May mắn đội cứu hộ đến kịp thời. Tôi cùng 2 đứa con đưa lên bờ, giờ còn ông bà nội nữa”- chị Nhị nói.

img

Trong dòng lũ dữ dội, nhiều lực lượng cứu hộ tại xã Phước Lộc vẫn dầm mình cứu dân. Những bước chân đã bắt đầu mỏi nhưng họ vẫn không dừng lại vì mạng sống của người dân đang mong manh giữa lũ. “Hơn 30 hộ dân trong thôn bị chôn chân trong lũ, nhiều người lâm vào cảnh nguy hiểm. Chúng tôi lội dưới lũ gần 6 giờ đồng hồ, mệt lả người nhưng chậm chân thì lũ sẽ cuốn trôi người mất” - ông Nguyễn Xuân Bình- Trưởng thôn Phú Mỹ 1 (xã Phước Lộc) cho hay.

Đến trưa 16.12, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết: “Lũ tấn công quá dữ dội, hiện tại, có gần 65.000 hộ dân có nhà bị ngập trong nước và 4.497 hộ buộc phải di dời”.

Theo ông Hồ Quốc Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, từ đầu tháng 12 đến nay, tỉnh Bình Định phải chống chọi với 4 đợt lũ liên tiếp. Hiện toàn tỉnh đã có 25 người chết, 10 người bị thương và thiệt hại về tài sản ướt tỉnh 1.230 tỷ đồng. “Tỉnh Bình Định đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, phục vụ sản xuất và hỗ trợ dân sinh, với tổng kinh phí là 500 tỷ đồng”- ông Dũng cho hay.

Nông dân trắng tay

Tại Quảng Ngãi, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam… mưa to kèm thủy điện xả lũ khiến hàng vạn dân điêu đứng. Ngoài nỗi khổ nhà cửa bị chìm, nông dân đau đớn nhìn vựa hoa màu, hoa tết… tiền tỷ chìm theo dòng nước.

Trưa ngày 16.12, tại thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, dưới cơn mưa như trút nước, vợ chồng ông Trương Bông (57 tuổi), cố gắng dùng xe cút kít để chuyển từng chậu hoa đang ngập trong biển nước lên trên cao. "Lũ về, chẳng còn ai kịp nghĩ gì nữa, chỉ tìm mọi cách chạy thoát thân chứ nào có nghĩ tới cứu tài sản, vật nuôi” - ông Bông buồn bã nói. Được biết, vụ hoa tết năm nay, ông Bông đã đầu tư hơn 10 triệu đồng để trồng khoảng 1.000 chậu cúc. Giờ thì Tết chưa đến, nhưng khó khăn, thiệt hại đã hiện hữu.

img

Người dân tại Bình Định phải sử dụng  phao để chạy lũ. D.T

Cơn “đại hồng thủy” liên tục trút xuống địa bàn Quảng Nam mấy ngày qua khiến người dân trở tay không kịp, hiện đã có 4 người chết trong mưa lũ, nông dân nguy cơ mất ăn tết vì trâu, bò hoa màu bị lũ nhấn chìm hư hỏng nặng. Ngoài những con số người chết ngày một tăng, toàn tỉnh có hơn 2.000 nhà bị ngập, có 5 nhà ở huyện Tiên Phước bị đất đá sạt lở gây sụp đổ và hư  hỏng; về nông nghiệp thiệt hại 85,4ha hoa màu các loại, cộng lũ đợt 1 gần 3.000ha.

Tại Thừa Thiên- Huế, người dân cũng đang rớt nước mắt nhìn tài sản trôi sông. Toàn xã Phú Dương (Phú Vang) có 6,5ha hoa các loại trồng bán vào dịp tết thì tất cả đều mất trắng do nước lũ làm cho thối rễ, chết cây, thiệt hại ước tính hơn 3 tỷ đồng. Ông Trần Hiếu Cơ- Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết, do xã nằm ở vùng thấp trũng, trong khi hoa tết người dân thường trồng trên các luống đất nên khi nước lũ ngập sâu và ngâm dài ngày thì không thể cứu được hoa. /.

Ngày 16.12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đi kiểm tra công tác phòng chống mưa lũ tại Bình Định. Đoàn công tác của Phó Thủ tướng đã dùng canô đi thị sát vùng lũ phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn, Bình Định) và vùng lũ ở thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước). Tại những nơi đã đi qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã hỏi thăm tình hình, động viên, an ủi người dân vùng ngập lũ. “Tôi yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai ngay việc chuyển lương thực, nước uống đến cho người dân vùng lũ. Bộ Quốc phòng còn phải chỉ đạo các lực lượng tham gia sơ tán, cứu hộ người dân vùng lũ. Phải kiểm tra, rà soát, bằng mọi biện pháp phải tiếp cận cho được các khu vực dân cư còn đang bị ngập sâu, chia cắt để kịp thời hỗ trợ về lương thực, thực phẩm cho người dân, không để người dân nào bị đói, khát”- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.    
Dũ Tuấn (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem