Nhu cầu lúa gạo thấp
Trước tết, thương lái Trần Thu Nhân ở xã Phước Long (Bạc Liêu) đi mua lúa toàn bằng ghe lớn. Còn mấy ngày qua, chị chỉ mang ghe nhỏ đi mua lúa ở các hộ cần tiền bán gấp với giá thấp. Lúa Hàm Trâu (IR 50404) mua bán dao động ở mức 5.500 - 5.700 đồng/kg (giảm hơn 200 đồng/kg so hạ tuần tháng 12 năm ngoái).
|
Giá lúa chững lại đang khiến sản xuất và đời sống của nhiều nông hộ gặp khó khăn. |
Giá các loại lúa thường, có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, có điều kiện thâm canh cao như nhóm giống OM của Viện Lúa ĐBSCL (được khuyến cáo trồng) cũng giảm đáng kể, ít nhất từ 100-200 đồng/kg so mức giá tháng 12.2011. Tại Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng, lúa OM 4900, OM 4218, OM 1490... chựng giá ở mức 5.700-5.900 đồng/kg; kéo giá gạo chủng loại này dao động từ 8.800-9.500 đồng/kg.
Sức mua tại các điểm thu mua lương thực tập trung hay các chợ đầu mối Ninh Quới (Bạc Liêu); Vị Thanh (Hậu Giang); Thới Bình (Cà Mau); Ngã Năm (Sóc Trăng); Cái Bè (Tiền Giang) cũng giảm khá mạnh. Lượng lúa luân chuyển chậm, khối lượng giao dịch rất thấp. Động thái trên làm nông dân lo lắng khi lúa đông xuân sắp thu hoạch và niên vụ mới gần kề.
Theo đánh giá từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hợp đồng xuất khẩu gạo của đầu năm không nhiều, mới đạt khoảng 1,1 triệu tấn, thấp hơn năm ngoái khá nhiều. Đồng thời, lượng gạo lại phải rải đều, giao trong nhiều tháng, nên chưa tạo áp lực cầu. Cánh thương lái am hiểu thị trường lập tức giảm nhịp độ mua lúa, nghe ngóng tình hình.
Ông Trần Hòa - thương lái ở Ngã Năm (Sóc Trăng), nhận định: Thế mạnh lúa gạo Việt Nam là xuất khẩu, giờ ứng phó nhiều trở ngại về đầu ra trong việc tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu thì giảm giá nội địa là tất nhiên. Hiện tại, nông dân lãi rất thấp và đang lo.
Nông dân gặp khó
Thực tế, từ trước tết đến nay,?giá vật tư nông nghiệp và giá nhân công vẫn còn ở mức cao làm gia tăng chi phí sản xuất, gây bất lợi cho nhà nông trong thời gian tới. Ông Ca Quốc Hận - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) bày tỏ: Bộ, ngành chức năng cần “ra tay” kịp thời, đừng để giá lúa tuột dốc thêm, hay chựng lại. Bởi như thế nông dân đều bất lợi, vì sản xuất nối vụ liên tục.
Chuyên gia Phạm Giang Nam (Trường Đại học Bạc Liêu), nhận định: Doanh nghiệp cần cân nhắc không nên kéo hoặc để giá thu mua lúa xuống dưới 6.500 đồng/kg để chạy đua với gạo giá rẻ của các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar...
Theo ông Hận, tiêu thụ chậm, mất giá cuối vụ này, chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đầu vụ sau, nhất là trong điều kiện chưa hoàn thiện về tổ chức sản xuất. Trong khi đó, tập quán nông dân miệt ĐBSCL là trữ vật tư, lúa giống ngay sau tết để chuẩn bị cho vụ hè thu. Một khi giá lúa cứ “õng ẹo” giảm, làm khó nhà nông, thì khó càng thêm khó vào thời điểm những ngày tới.
Nông dân Danh Dal ở ấp Xà Phiên, Long Mỹ (Hậu Giang), cho biết: Tôi định mua 1 tấn phân đạm và 20 chai thuốc bảo vệ thực vật dành cho vụ lúa hè thu, nay bán cũng từng ấy lúa dự trữ, đành phải mua số vật tư ít hơn gần 200kg để sử dụng. Còn ông Danh Nhỏ (ấp Bà Gồng, Hồng Dân, Bạc Liêu) định nuôi tôm càng xanh xen canh với lúa vụ hè thu cũng phân vân, vì mất đi khoản tiền chênh lệch bởi giá lúa giảm khi bán ở thời điểm này.
Vũ Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.