Cụ thể, Viện Kiểm sát cho rằng, trong vụ án này Lê Xuân Giang đã trực tiếp chiếm đoạt hơn 800 tỷ đồng, phạm tội nhiều lần.
Với Lê Văn Tú, Nguyễn Thị Thủy là những người giúp sức, tổ chức thực hiện hành vi lừa đảo theo chỉ đạo của Lê Xuân Giang. 4 bị cáo còn lại có vai trò trực tiếp thực hiện lôi kéo bị hại tham gia mô hình đa cấp.
Về trách nhiệm dân sự, VKSND căn cứ hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, đề nghị tòa tuyên Lê Xuân Giang phải bồi thường trên 800 tỷ đồng cho hơn 68.000 bị hại. Ngoài ra, cơ quan công tố đề nghị Nguyễn Thị Thủy và 5 bị cáo còn lại phải nộp lại tổng số tiền hơn 132 tỷ đã chiếm hưởng bất hợp pháp do hành vi lừa đảo.
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên 7 bị cáo phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mức án như sau:
Lê Xuân Giang tù chung thân; Lê Văn Tú – cựu Tổng Giám đốc từ 19 - 20 năm tù; Nguyễn Thị Thủy (cựu Phó Tổng Giám đốc) từ 17 - 19 năm tù.
Các bị cáo là thành viên nhóm phát triển thị trường của Công ty Liên Kết Việt, bị đề gồm: Lê Thanh Sơn từ 14 - 15 năm tù; Trịnh Xuân Sáng từ 15 - 16 năm tù; Vũ Thị Hồng Dung và Nguyễn Xuân Trường chung mức phạt từ 12 - 13 năm tù.
Sau khi nghe bản luận tội, Lê Xuân Giang thừa nhận hành vi phạm tội, mong muốn được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Với người bị Viện Kiểm sát nhận định quanh co là Lê Văn Tú, Tú nói mức án Viện Kiểm sát đề nghị với mình quá nặng, xin được giảm nhẹ.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, Lê Xuân Giang - Cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt) cùng các đồng phạm đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của rất nhiều bị hại.
Các đồng phạm với Lê Xuân Giang gồm có các cựu lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt là Lê Văn Tú – cựu Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt, Nguyễn Thị Thủy - cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt.
Ngoài ra còn có các thành viên nhóm phát triển thị trường của Công ty Liên Kết Việt gồm: Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Vũ Thị Hồng Dung, Nguyễn Xuân Trường.
Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP (Công ty BQP) và Công ty Liên Kết Việt đề do Lê Xuân Giang thành lập, điều hành hoạt động.
Theo đó, Công ty BQP thành lập ngày 27/4/2005, Lê Xuân Giang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty. Công ty Liên Kết Việt thành lập ngày 8/6/2010, người đại diện theo pháp luật là Lê Xuân Giang (tên gọi khách là Lê Xuân Hà).
Lợi dụng Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, trong khoảng từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Giang, Tú, Thủy, Sơn, Sáng, Dung và Trường đã sử dụng thủ đoạn gian dối, tạo dựng và cung cấp thông tin sai lệch cho các bị hại để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP.
Cụ thể như Công ty Liên Kết Việt là công ty con của Công ty BQP; Công ty BQP là Công ty CP tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc Phòng, là công ty của Bộ Quốc Phòng; Lê Xuân Giang và các lãnh đạo của công ty là cán bộ của Bộ Quốc Phòng; các sản phẩm kinh doanh là sản phẩm liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc Phòng, đã được thử nghiệm, đưa vào sử dụng tại các bệnh viện trung ương.
Chúng còn thông tin sai lệch rằng Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP là những doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật, có lợi nhuận cao, có nhiều đóng góp với xã hội nên được Lãnh đạo Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, ghi nhận qua việc được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM tặng bằng khen cho công ty và các lãnh đạo của công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Thực chất, các bằng khen, giấy chứng nhận đều do chính Lê Xuân Giang đã làm giả.
Sau khi tạo lòng tin về Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP, về hàng hóa kinh doanh đa cấp và uy tín trong hoạt động kinh doanh của các công ty này, Giang, Tú, Thủy, Sơn, Sáng, Dung, Trường đã sử dụng những thủ đoạn gian dối, trái pháp luật để lôi kéo các bị hại bỏ tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của Liên Kết Việt, nhằm được hưởng hoa hồng, tiền thưởng cao do chế độ trả thưởng các chương trình khuyến mại trái pháp luật do các bị can này đặt ra.
Để lôi kéo, chiếm đoạt được nhiều tiền của các bị hại đóng vào Công ty Liên Kết Việt, các quy định trái pháp luật về hoạt động đa cấp được đặt ra như chỉ cần đóng tiền vào Công ty Liên Kết Việt mà không cần lấy hàng hóa ra để kinh doanh là có thể trở thành nhà phân phối của công ty, một người có thể đứng tên nhiều mã hàng.
Lê Xuân Giang và các đồng phạm đặt ra mô hình trả thưởng theo mô hình kim tự tháp, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước, từ tiền lôi kéo người tham gia mới, từ những khoản tiền của những người tham gia trong mạng lưới đa cấp của Công ty Liên Kết Việt, mà không phải từ hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, với số tiền thưởng, tiền hoa hồng hứa hẹn sẽ trả cho các nạn nhân lên tới trên 65% tổng số tiền thu được của chính các bị hại.
Sau 1 năm hoạt động, đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới, phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh thành.
Chúng lôi kéo được hơn 68 nghìn bị hại tại 49 tỉnh, thành tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp, đã nộp cho Lê Xuân Giang và Công ty Liên Kết Việt hơn 2 nghìn tỷ đồng.
Trong tổng số tiền hơn 2 nghìn tỷ đồng thu được của các bị hại, sau khi trừ đi số tiền chi trả hoa hồng, tiền thưởng, tiền nuôi bộ máy hoạt động, Lê Xuân Giang và đồng bọn chiếm đoạt hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.