Lứa dê vàng sắp phải học trực tuyến, phụ huynh xác định cho “đúp” thêm một năm
TP.HCM: Lứa "Dê vàng" sắp học trực tuyến, phụ huynh xác định cho con "lùi bước về sau"
Mỹ Quỳnh
Thứ năm, ngày 19/08/2021 06:00 AM (GMT+7)
Ngày tựu trường đến gần, nhưng tình hình dịch bệnh tại TP.HCM vẫn rất căng thẳng. Lứa học sinh sinh sinh năm 2015 (năm Dê vàng) bước vào lớp 1 sắp được học trực tuyến, nhiều phụ huynh lo lắng, rối như tơ vò, thậm chí xác định sẽ cho con học chậm một năm.
Theo báo cáo công tác chuẩn bị năm học mới 2021-2022, quận 12 (TP.HCM) - là một trong những địa phương có tỉ lệ học sinh vào lớp 1 cao nhất thành phố. Đây cũng là nơi tập trung đông người lao động từ các địa phương khác đổ về, nên đời sống kinh tế còn rất khó khăn. Vì vậy, việc triển khai học trực tuyến là "cả một vấn đề" đối với họ.
Trao đổi với phóng viên, chị Võ Thị Hà (ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12) cho biết, con gái út của chị sinh năm 2015, chuẩn bị bước vào lớp 1. Nghe thông tin TP.HCM tổ chức học trực tuyến, chị thật sự lo lắng.
Chị Hà cho biết, ngoài bé nhỏ nhất sắp vào lớp 1 thì 3 đứa con khác của chị cũng đang học các lớp 10, 7, 3. Gia đình nghèo khó, một mình chị đơn thân bươn chải lo cho các con ăn học, do đó, nếu học trực tuyến thì chắc chắn chị không đáp ứng được.
Chị nói: "Tôi rối quá, không biết tính như thế nào lúc này. Hiện tại, mấy mẹ con đang chạy ăn từng bữa, no đói qua ngày. Học trực tuyến thì phải có máy tính, nhà cả 4 đứa nhỏ đều học đâu thể chỉ dùng một máy. Mà ngay cả một máy còn mua không nổi, nói gì nhiều máy".
Tương tự, vợ chồng chị Đào Thị Lê (ngụ Thạnh Lộc, quận 12) cho biết, anh chị có hai con nhỏ. Đứa lớn học lớp 4 hiện đang gửi về quê nhờ ông bà chăm, đứa nhỏ năm nay vào lớp 1. Học trực tuyến với anh chị là một việc lạ lẫm và xa "tầm với". Hiện tại, vào ban ngày hai vợ chồng đều lam lũ kiếm sống. Anh thì chạy xe giao hàng cho một công ty trên địa bàn, chị đi làm ở cơ sở bún tươi. Đứa nhỏ sắp vào lớp 1 được gửi cho hàng xóm coi đỡ vì trường mầm non đang đóng cửa.
"Tôi không biết nếu học trực tuyến thì phải làm thế nào, con nhỏ xíu như thế đâu thể tập trung ngồi học được nên phải có người lớn kèm. Mà cả vợ lẫn chồng đều phải đi làm mưu sinh, lo chi phí trang trải hàng ngày, không thể ở nhà ngồi học với con. Nếu áp dụng học trực tuyến, tôi phải chấp nhận cho cháu nghỉ, năm sau hoặc khi nào đến trường được thì học", chị Lê nói.
Chấp nhận cho con học chậm một năm
Những ngày gần đây, phụ huynh có con sắp bước vào lớp 1 đang thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Đa phần, ai cũng chấp nhận việc học trực tuyến vì tình thế bắt buộc trong điều kiện dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, xét về hiệu quả và sự thuận lợi khi triển khai phương án này thì vẫn còn nhiều tranh cãi.
Chị Hồng Hạnh (ngụ quận Gò Vấp) nói: "Dịch bệnh phức tạp, học trực tuyến là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, hơi... tốn nhân lực. Con học thì mẹ cũng phải học cùng. Cô dạy cho mẹ, xong mẹ dạy lại cho con. Chưa kể có sắp xếp được công việc hay không nữa. Nếu dịch bệnh còn kéo dài, sự an toàn chưa được đảm bảo thì có thể cho con "đúp" một năm, không sao cả".
Còn chị Phương Thanh (ngụ TP.Thủ Đức) cho biết, hiện tại gia đình chị đang "mỗi người một nơi". Con thì ở quê với ông bà, chồng làm nhiệm vụ trong đơn vị, chị hiện ở khu cách ly. Với tình hình này, chị đang cân nhắc xin cho con học tại địa phương vì ông bà lớn tuổi không thể hỗ trợ học trực tuyến, hoặc sẽ "chơi lớn" cho con nghỉ, sang năm bắt đầu đi học.
Theo một giáo viên tại Trường tiểu học Hà Huy Giáp (phường Thạnh Lộc, quận 12), việc triển khai học trực tuyến cho học sinh lớp 1 là điều rất khó, nhất là ở địa bàn có rất nhiều lao động nghèo. Đối với những gia đình này, đầu tiên là họ không đáp ứng được điều kiện vật chất khi triển khai học trực tuyến.
Ngoài ra, trẻ lớp 1 còn rất nhỏ, việc học trực tuyến chắc chắn phải có người lớn kèm. Tuy nhiên, họ phải bươn chải kiếm sống vào ban ngày, đa phần chỉ rảnh vào ban đêm.
Ngoài ra, đối với giáo viên, việc dạy trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn. Thông thường, những tuần đầu tiên của lớp 1 là giáo viên phải làm quen các bé, trực tiếp hướng dẫn những thói quen sinh hoạt mới ở môi trường tiểu học, phải cầm tay nắn chữ cho từng em… học trực tuyến sẽ rất khó để hướng dẫn những việc này. Bên cạnh đó, hiện các lớp học đều có sĩ số rất đông, việc dạy trực tuyến càng khó gấp bội vì không thể bao quát được hết. "Nói chung, cô khổ mà trò cũng khổ", giáo viên này cho biết.
Theo giáo viên này, nếu triển khai các kỹ năng qua clip, các trò chơi, hình ảnh, màu sắc… có thể bé tập trung được, còn bắt các bé viết chữ, bé sẽ không hứng thú. Bạn nào chưa được học còn hào hứng viết mấy dòng đầu, bạn nào học rồi thì sẽ chóng chán và biện đủ lí do để trốn học.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, trước mắt, các trường sẽ tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian đầu năm học (khoảng 6-10 tuần).
Riêng lớp 1 sẽ xây dựng các đoạn phim bài giảng và đưa lên môi trường internet để giúp phụ huynh tương tác, hướng dẫn trẻ học và làm quen dần với việc học.
Sở GD-ĐT cũng đưa ra các phương án để tổ chức dạy học trực tiếp trở lại. Trong đó, sau khi thành phố hết giãn cách theo Chỉ thị 16 (có thể vẫn tiếp tục giãn cách xã hội ở mức thấp hơn như Chỉ thị 15) sẽ ưu tiên lớp 1, lớp 2, các lớp đầu và cuối cấp chia nhỏ lớp để bố trí học trực tiếp.
Đồng thời, bố trí phụ đạo, ôn tập, củng cố cho học sinh lớp 1 và các lớp cuối cấp. Để đảm bảo chương trình và kết quả học tập thì có thể kéo dài thời gian năm học 2021-2022 riêng đối với các lớp này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.