Với người Việt dù bất cứ ở đâu, “ăn cơm” chỉ việc ăn nói chung gồm nhiều thứ chứ không chỉ có cơm. Cơm, gạo, thóc, lúa là những từ thuần Việt và đã gắn với lịch sử, với cuộc sống của người Việt từ ngàn đời nay.
Từ ĐBSCL, qua miền Trung, đến đồng bằng Bắc Bộ và lên tận rẻo cao, người Việt dù thuộc sắc tộc nào cũng đều biết trồng lúa. Và lúa, gạo sẽ còn gắn với người Việt lâu dài, dù với sự phát triển, có thể người Việt sẽ tiêu thụ ngày càng ít gạo đi, dù số lao động trực tiếp làm ra lúa gạo có giảm đi.
Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đứng đầu thế giới về hạt tiêu và hạt điều, gạo đứng thứ 5 cùng với cao su và đậu đỗ. Việt Nam có 24 mặt hàng nông nghiệp thực phẩm đứng hàng từ 1 đến 10 thế giới (37 mặt hàng đứng từ hàng 1 đến 20) cho thấy vai trò của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Xét về sản lượng gạo, năm 2009 Việt Nam đứng thứ 5 sau Trung Quốc (197 triệu tấn), Ấn Độ (131 triệu tấn), Indonesia (64 triệu tấn) và Banglades (45 triệu tấn).
Xét về thứ hạng trong nước, theo sản lượng, gạo là sản phẩm nông nhiệp hàng đầu của Việt Nam với tổng sản lượng (năm 2009) là 38,9 triệu tấn, tính ra tiền là 10,4 tỷ USD. Năm 2011 Bộ NNPTNT dự tính sản lượng gạo Việt Nam là 42 triệu tấn. Năm 2009 Việt Nam xuất khẩu 5,969 triệu tấn gạo (chiếm 15,35% sản lượng) và năm 2011 chắc đạt 7 triệu tấn gạo xuất khẩu.
Thái Lan tuy đứng thứ 7 thế giới về sản lượng (năm 2009: 31,5 triệu tấn, sau Myanmar 32,7 triệu tấn) nhưng đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo (Việt Nam xếp thứ 2).
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 1995 là 1,988 triệu tấn và đến năm 2010 là 6,886 triệu tấn (năm 2011 chắc chắn vượt 7 triệu tấn!). Có thể thấy lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 16 năm qua đã tăng gần 3,5 lần và đóng góp không nhỏ cho xuất khẩu của Việt Nam (năm 2010 đạt 3,23 tỷ USD chiếm 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước).
Nhắc tới những con số trên, nếu nhìn lại 25-30 năm trước, những năm cuối 1970 và các năm 1980, khi cả nước thiếu gạo ăn và mãi đến 1988 Việt Nam vẫn cần nhập khẩu 0,45 triệu tấn gạo, rồi người nông dân thực sự giành lại được quyền tự do sản xuất của mình và 2 năm sau, năm 1990 Việt Nam đã có thể xuất khẩu 1 triệu tấn gạo, chúng ta có thể thấy sức sống của người nông dân Việt Nam mạnh mẽ đến thế nào nếu không bị chính sách sai lầm cản trở. Nếu chính sách của Nhà nước thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động của bà con nông dân thì thành tích lúa gạo của Việt Nam còn cao hơn nữa.
Các nước công nghiệp có tỷ lệ lao động nông nghiệp trên tổng lao động rất nhỏ. Tỷ lệ giảm nhanh nhưng sản lượng tuyệt đối vẫn tăng đáng kể.
Năm 2010, tỷ lệ lao động nông nghiệp là 17% ở Ba Lan, 12,7% ở Malaysia, 5,2% ở Hàn Quốc, 2,22% ở Nhật Bản và 2% ở Pháp. Tỷ lệ này ở ta là 63,2%! Muốn trở thành nước công nghiệp hiện đại chí ít sau 30 năm nữa chúng ta cần có cơ cấu lao động nông nghiệp cỡ 10% khoảng như ở Malaysia hiện nay!
Quốc hội bàn cố làm sao giữ cho được 3,8 triệu ha diện tích trồng lúa. Nếu giữ được 3,8 triệu ha trong tương lai 25-30 năm có lẽ chỉ cần 10-20 nghìn trang trại trồng lúa quy mô lớn (từ vài trăm đến 1.000 ha/trang trại) với số lao động từ vài chục đến vài trăm người một trang trại. Nói cách khác số lao động sản xuất lúa hàng hóa sẽ chỉ còn cỡ 2-3 triệu người.
Không có số liệu lao động làm lúa gạo, nhưng có thể dự cảm từ con số lao động năm 2010 trong nông nghiệp là 29,63 triệu trong tổng số 46,91 triệu lao động (theo FAO), thì có thể thấy thách thức là vô cùng to lớn.
Số lao động nông nghiệp là 29,63 triệu và mức tăng là 1,22%/năm. Đấy là các số liệu xuất phát. Hãy xét vài kịch bản phát triển.
Giả sử, mức tăng lao động không đổi và mỗi năm chuyển được 1 triệu lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, thì sau 30 năm số lao động trong nông nghiệp sẽ còn 6,87 triệu (khi đó tổng lao động sẽ là 68,3 triệu), nói cách khác lao động nông nghiệp sẽ chiếm 10,47%. Nếu mỗi năm chỉ chuyển được 0,5 triệu lao động khỏi nông nghiệp, thì sau 30 năm vẫn còn 24,08 triệu lao động nông nghiệp (chiếm 36,75% tổng lao động).
Nếu mức tăng lao động giảm được xuống 1%/năm, và số lao động rút ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp vẫn là 1 triệu/năm (0,5 triệu/năm), thì sau 30 năm số lao động nông nghiệp còn 6,09 triệu chiếm 9,73% lao động (22,82 triệu chiếm 36,45% lao động).
Có thể thấy giảm tốc độ tăng lao động cũng có tác động đáng kể, nhưng việc chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ vẫn phải là nhiệm vụ chính. Với việc rút 1 triệu lao động khỏi lĩnh vực nông nghiệp, thì Việt Nam cần 30 năm mới đạt tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống cỡ 10% (mức tương tự như của Malaysia hiện nay), còn rút 0,5 triệu/năm thì sau 30 năm nữa vẫn chưa thể gọi là có cơ cấu lao động của một nền kinh tế hiện đại.
Cần hết sức nỗ lực mới có thể làm được và phải làm nếu muốn đất nước có nền nông nghiệp tiên tiến! Có chính sách ra sao để giúp bà con nông dân tiến hành sự chuyển đổi vĩ đại này là trách nhiệm hết sức lớn đối với Nhà nước và toàn xã hội.
TS Nguyễn Quang A
Vui lòng nhập nội dung bình luận.