Một xã nông thôn mới ở Quảng Nam, dân đã giàu, cảnh sắc sông nước, làng đẹp như phim, đáng sống
Một xã nông thôn mới ở Quảng Nam nhìn qua flycam đẹp như phim, mạnh về kinh tế du lịch
Thứ tư, ngày 08/01/2025 05:19 AM (GMT+7)
Nhờ làm tốt công tác quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch cộng đồng…, xã Cẩm Thanh (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cẩm Thanh là xã vùng ven nằm về phía đông Hội An, nơi đây là vùng căn cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến.
Cẩm Thanh có hệ thống sông lạch chằng chịt gắn với rừng dừa nước ngập mặn cửa sông ven biển, là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch.
Bà Lê Thị Thúy Diễm - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho biết, để thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), hằng năm địa phương luôn bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, thành phố về thực hiện các nhiệm vụ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân các quy định tiêu chí về danh hiệu gia đình văn hóa, thôn xã văn hóa gắn với xây dựng NTM.
Tỷ lệ gia đình đạt văn hóa hàng năm của xã Cẩm Thanh (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) luôn đạt trên 95%.
Công tác thi đua khen thưởng gia đình văn hóa tiêu biểu, thôn văn hóa cũng được duy trì nhằm kịp thời biểu dương và nhân rộng các mô hình điển hình trong phong trào.
“Đặc biệt, hoạt động của trung tâm VH-TT xã được địa phương quan tâm, luôn dành nguồn lực lớn để đầu tư và tổ chức các hoạt động.
Hiện trung tâm này đã nâng cấp với diện tích hơn 20.000m2 bao gồm hệ thống nhà cộng đồng, thư viện, khu vui chơi trẻ em, sân bóng đá... thu hút người dân và thanh thiếu nhi đến vui chơi.
Xã Cẩm Thanh (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) phát huy lợi thế văn hóa, du lịch trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: T.L.
Địa phương cũng đã xong bước thiết kế lấy ý kiến và đang chờ phê duyệt chủ trương đầu tư nhà thi đấu đa năng tại trung tâm với kinh phí 10 tỷ đồng và đã ghi vốn đầu tư nâng cấp hệ thống sân vận động xã trong năm 2025” - bà Diễm cho biết.
Hiện nay, trên địa xã có đội văn nghệ quần chúng phục vụ các chương trình lễ hội sự kiện của địa phương cũng như tham gia các hội thi hội diễn cấp thành phố, cấp tỉnh.
Nhờ đó, Cẩm Thanh là xã đầu tiên của Hội An hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã NTM vào năm 2015, hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao năm 2020 và hướng đến NTM kiểu mẫu trong năm 2025.
Toàn xã có 6 thôn, qua bình xét phong trào trong 2 năm 2023 - 2024 đều đạt thôn văn hóa. Đây là điều kiện thuận lợi để duy trì bền vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hóa xây dựng thành công xã NTM trên địa bàn.
Phát huy thế mạnh
Để đạt được những thành công trong xây dựng NTM, Cẩm Thanh đã bảo tồn, phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên, xã hội trên địa bàn. Sự phát triển mạnh của kinh tế du lịch đã đem lại nguồn thu lớn cho địa phương với mức doanh thu từ vé tham quan gần 30 tỷ đồng/năm.
Nhà cộng đồng Cẩm Thanh, xã nông thôn mới Cẩm Thanh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.L
Từ nguồn thu này xã đã đầu tư nâng cấp hệ thống nhà văn hóa, khu thể thao các thôn, mua sắm cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ các hoạt động tại các nhà văn hóa đảm bảo đạt chuẩn...
Cẩm Thanh có các lễ hội gắn liền với đời sống người dân nông thôn như lễ hội cầu ngư, lễ hội xuống đồng, lễ hội tế xuân tại các di tích đình làng.
Trong quá trình xây dựng NTM, địa phương cũng đã khơi dậy và phát huy sức mạnh văn hóa tinh thần của cộng đồng thông qua việc khuyến khích cộng đồng dân cư duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống hàng năm.
Đặc biệt từ năm 2024, khi mà nghề làm nhà tre dừa truyền thống được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì lễ hội truyền thống tre dừa cũng sẽ được tính đến vừa nhằm bảo tồn giá trị vừa tạo ra sản phẩm du lịch tại địa phương.
Cẩm Thanh là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, do đó việc thành lập ban quản lý di tích, thực hiện quản lý chặt chẽ, không để xảy ra các hành vi vi phạm quy định của Luật Di sản văn hóa cũng như các quy định pháp luật hiện hành trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân trong các xã luôn đoàn kết, tích cực đóng góp sức người, sức của cho việc bảo vệ, quản lý tu bổ và tôn tạo các di tích.
“Trong suốt quá trình xây dựng NTM, Đảng ủy, chính quyền xã luôn xác định tiêu chí văn hóa giữ vai trò quan trọng và quyết định sự thành công của việc xây dựng xã NTM. Bởi tiêu chí văn hóa đạt thì chắc chắn các tiêu chí về kinh tế, du lịch, môi trường, giáo dục hay an ninh trật tự sẽ đạt và ngược lại.
Tiêu chí văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực cho sự phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân nông thôn.
Do đó trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, địa phương luôn chú trọng các tiêu chí văn hóa cũng như việc bảo tồn phát huy giá trị lễ hội truyền thống góp phần phát triển du lịch địa phương” - bà Lê Thị Thúy Diễm nêu kinh nghiệm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.