Lúa hè thu gặp khó

Thứ hai, ngày 13/05/2013 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhu cầu của thế giới sụt giảm trong khi nguồn cung tăng khiến giá lúa gạo xuất khẩu lẫn tiêu thụ trong nước tiếp tục giảm.
Bình luận 0

Trước áp lực vụ hè thu chỉ còn khoảng 1 tháng nữa sẽ bước vào vụ thu hoạch khiến ngành lương thực lo ngại một tương lai không mấy sáng sủa cho nông dân và doanh nghiệp.

Lúa rớt giá, không ai mua

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), cho đến nay toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống hơn 1,2 triệu ha/1,68 triệu ha lúa hè thu. Những nơi xuống giống sớm như Đồng Tháp, Sóc Trăng, Long An, Kiên Giang... đang bắt đầu thu hoạch. Dự kiến đến giữa tháng 5.2013 có hơn 200.000ha được thu hoạch và khoảng một tháng nữa sẽ bắt đầu thu hoạch rộ.

img
Lúa gạo lại vào chu trình tồn, ế, nhưng chưa thấy động thái cho thu mua tạm trữ.

Nông dân thu hoạch trong bối cảnh giá lúa gạo cứ rớt giá dài dài khiến họ như ngồi trên đống lửa. Đặc biệt là lúa thường IR 50404 đã rớt giá “không phanh” khoảng 1 tháng nay, từ 4.500 đồng/kg lúa tươi giảm còn 4.000 – 4.100 đồng/kg. Trong khi đó các loại lúa hạt dài, lúa thơm giá vẫn ổn định.

Theo các doanh nghiệp thu mua và chế biến gạo, giá lúa IR 50404 giảm chủ yếu là lúa hè thu sớm có chất lượng xấu, hạt gạo đen, đục nên rất khó tiêu thụ. “Trong khi đó, thị trường gạo thơm Mỹ, Úc, Hongkong... có nhu cầu nên vẫn giữ được giá ổn định. Thị trường gạo cao cấp với các loại lúa chất lượng cao cũng vậy, nên vụ hè thu tới các hộ trồng lúa IR 50404 thực sự sẽ khó có được giá bán cao như vụ đông – xuân qua” – ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Giám đốc Công ty Gentraco (Cần Thơ) dự báo.

Theo ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, trước tình hình “dầu sôi lửa bỏng” như vậy nhưng cho đến nay vẫn chưa nghe ở trên đả động gì đến việc triển khai thu mua tạm trữ để vực dậy giá lúa vụ hè thu. “ Thực tế, giao cho địa phương tạm trữ đâu có dễ, kho đâu, tiền đâu mà tạm trữ? Rồi ai lo đầu ra? Tôi cho rằng nếu nhà nước chưa có giải pháp nào hay hơn thì hãy cứ để như cũ, giao cho VFA họ làm” – ông Đức nói.

Ông Huỳnh Văn Gành - Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang lo lắng: “Thống kê mới nhất cho thấy ở Kiên Giang còn tồn trên 580.000 tấn lúa hàng hóa vụ đông xuân. Đã mấy tháng trôi qua, nhiều hộ chưa bán được lúa do giá thấp, đang gặp nhiều khó khăn bởi áp lực cần vốn trả nợ vật tư, tái đầu tư vụ sau, chi tiêu trong gia đình...

Nay vụ hè thu đã bắt đầu thu hoạch ở nhiều nơi, đồng nghĩa với sản lượng lúa tăng thêm, trong khi giá giảm khiến tình hình rất rối”. Anh Nguyễn Văn Tiễn - nông dân trồng lúa ở huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, thấp thỏm: “Vụ hè thu này năng suất kém hơn vụ đông xuân, trong khi chi phí lại tăng hơn. Với giá bán 4.000 – 4.100 đồng/kg lúa tươi IR 50404 hiện nay, nông dân đã bị lỗ từ 5 – 7 triệu đồng/ha. Mới thu hoạch đã vậy, không biết tới lúc thu hoạch rộ thì giá còn giảm đến đâu”.

Trông chờ mua tạm trữ

Sự lo lắng của nông dân là có cơ sở khi mấy ngày gần đây, thương lái gần như đã ngừng mua lúa. Bà Trần Thị Bông - thương lái ở huyện Thoại Sơn, An Giang cho biết: “Ở dưới Rạch Giá, Kiên Giang, nông dân kêu tôi xuống mua lúa cả tuần nay rồi, lúa khô vụ đông xuân ở dưới còn nhiều lắm, nhưng tôi chưa dám mua vì doanh nghiệp cũng đang ngừng mua hoặc chỉ mua nhỏ giọt. Lúa đông xuân họ còn chưa mua thì nói gì đến lúa hè thu sớm, chất lượng kém hơn hẳn”.

Theo các chuyên gia, giá lúa trong nước thấp là hệ lụy của việc giá xuất khẩu giảm trong nhiều tháng qua. Thực tế, dù Việt Nam đã bán ra nhiều gạo trong 4 tháng đầu năm 2013, được hơn 2,15 triệu tấn, nhưng không chắc và giao hàng chậm.

Các doanh nghiệp vì áp lực tồn kho và quay vòng vốn, trả nợ ngân hàng nên phải bán gạo với giá thấp để giải quyết đầu ra, khiến việc kinh doanh không hiệu quả. Cho nên, dù giá gạo Việt Nam thấp nhất thế giới nhưng khách hàng ngại mua vì giá không ổn định, sợ rủi ro sẽ giảm giá tiếp.

Ông Lâm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Châu Thành, Bến Tre) cho biết, mấy ngày gần đây các doanh nghiệp nước ngoài đã ngừng mua gạo Việt. Trong khi đó, các doanh nghiệp còn đang “ôm” khoảng 2 triệu tấn gạo để kho chưa bán được.

Vì vậy, việc tiêu thụ lúa hè thu ở ĐBSCL (ước khoảng 9 triệu tấn – PV) đang là vấn đề vô cùng nan giải. Tất cả đều đang trông chờ vào chính sách thu mua tạm trữ của Chính phủ như mọi năm nhưng đến nay vẫn chưa thấy có động tĩnh gì.

Trong khi đó, phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết, các doanh nghiệp của VFA đang gặp nhiều khó khăn nên đã gửi công văn lên Chính phủ xin rút khỏi nhiệm vụ thu mua tạm trữ vụ hè thu này và kiến nghị chuyển cho các địa phương đảm nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem