Không lo đầu ra
Dự án sản xuất lúa hữu cơ được ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL triển khai với diện tích 1.000ha trong vụ lúa đông xuân 2016-2017. Theo đánh giá của ND trong dự án, ruộng áp dụng mô hình sử dụng phân hữu cơ đạt năng suất cao hơn gần 100kg/1.000m2 (chi phí giảm 10%); giá lúa bán cao hơn 400 đồng/kg so với những hộ sản xuất lúa không áp dụng mô hình.
Chủ tịch Hội ND Việt Nam Lại Xuân Môn (phải) trao đổi với ND về mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Ảnh: CHÚC LY
“Tôi đề nghị các cấp Hội của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tuyên truyền, vận động và tổ chức xây dựng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, đảm bảo cho ND sử dụng sản phẩm tốt nhất, tạo ra sản phẩm sau thu hoạch cũng tốt nhất. Tới đây Văn phòng T.Ư Hội NDVN và công ty phân bón sẽ soạn thảo chương trình phối hợp”.
Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn
|
Là một trong những hộ tham gia mô hình, ông Nguyễn Văn Mướp (xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, Hậu Giang), chia sẻ: Khi sử dụng phân bón hữu cơ, lượng phân bón hóa học giảm được khoảng 40% so với trước, và không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lúa phát triển đồng đều, bông trổ tốt và cứng cây, không bị đổ ngã. Trong khi đó, lúa bán ra với giá cao hơn bên ngoài nên tôi càng yên tâm hơn.
Ông Trương Thành Huy - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Vị Thanh 2, cho biết: Tại tỉnh Hậu Giang, đây là mô hình được thực hiện lần đầu, với 40ha tại cánh đồng mẫu lúa của HTX. Những hộ tham gia mô hình đạt lợi nhuận hơn 26 triệu đồng/ha, trong khi ruộng bên ngoài chỉ đạt gần 15,6 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, khi áp dụng mô hình, bà con còn được phía công ty hỗ trợ lúa giống, vốn mua máy cắt lúa và bao tiêu toàn bộ diện tích lúa trong mô hình.
Cùng quan điểm, ND Nguyễn Công Trị (huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ), người nhiều năm liền gắn bó với mô hình lúa sử dụng phân bón hữu cơ, cho hay: “Việc liên kết sử dụng phân bón hữu cơ và sử dụng giống từ công ty khiến cho chúng tôi yên tâm hơn. Dù thị trường giá cả biến động như thế nào thì sản phẩm của chúng tôi vẫn được bao tiêu trọn gói với giá đảm bảo”.
Tiếp thu hướng sản xuất bền vững
Ông Lê Văn Chính – Giám đốc HTX sản xuất và cung ứng lúa giống 9 Táo (Châu Thành, Trà Vinh), chia sẻ: “Khi sử dụng phân bón hữu cơ, ND trong HTX đều nhận thấy giảm chi phí phân bón, giảm chi phí thuốc trừ sâu, trừ bệnh, giảm tối đa phân bón lá và các thuốc dưỡng khác, đồng thời tăng lợi nhuận và năng suất. Đây là một sản phẩm phân bón hữu cơ cần được nhân rộng trong sản xuất lúa, nhằm hướng đến một nền sản xuất an toàn và thân thiện với môi trường.
Theo ông Lê Văn Đời – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, HTX thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ phản ánh là còn gặp khó khăn trong vấn đề vận chuyển đường thủy, hiện nay các công trình bức xúc nào phục vụ cho cánh đồng lớn thì sở đều cho nạo vét để đáp ứng nhu cầu ghe 30-50 tấn vào. Riêng cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ tại xã Vị Thanh là mô hình chỉ đạo điểm, được lãnh đạo tỉnh rất tâm đắc. “Tới đây, đối với Hậu Giang, nông nghiệp phải đi theo hướng sản xuất bền vững và thay đổi dần tập quán của ND” - ông Đời nói.
Tham quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại tỉnh Hậu Giang, ông Lại Xuân Môn - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội ND Việt Nam nhận định: “Bước đầu tôi nhận thấy bà con ND đánh giá cao mô hình. Qua đây, đề nghị các cấp, các ngành có liên quan của 13 tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là các tỉnh, thành Hội tiếp thu ngay hướng sản xuất hữu cơ. Bởi đây là mô hình sản xuất đáp ứng theo hướng chất lượng, hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho ND”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.