Lửa nghề ở 13 Thụy Khuê

Nhà báo Bá Kiên -Tổng biên tập Báo Giao Thông Thứ tư, ngày 08/05/2019 21:10 PM (GMT+7)
Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân. Tôi có duyên với Báo NTNN!
Bình luận 0

Mối duyên ấy sinh sôi từ ngày tôi còn là sinh viên năm ba (1997) trường Nhân văn. Cái thuở ban đầu bỡ ngỡ ấy, cũng có nhiều nơi để xin thực tập, nhưng chẳng hiểu sao tôi nhất quyết xin về Báo NTNN. Chắc cái gốc gác nó đã thôi thúc, xui khiến tôi.

img

Nhà báo Bá Kiên (trái) và đồng nghiệp Báo NTNN bên gian trưng bày của Báo NTNN tại Hội báo toàn quốc 2017. Ảnh:  N.V

Những ngày chập chững học nghề, tôi may mắn được anh Lê Anh Hoài (hiện ở Báo Tiền Phong), anh Minh Tâm (đã mất) cho đi theo và chỉ dạy. Tòa soạn số 13 Thụy Khuê như một gia đình, ấm áp. Ngày ra trường, biết NTNN chưa có chủ trương tuyển người, tôi đành xin sang một tờ báo khác. Làm phóng viên ở đó 2 năm, tờ báo khó khăn, tôi nằm trong danh sách phải tinh giản biên chế. Tôi lại tìm đến Báo NTNN. Cái duyên với nông thôn, nông nghiệp và nông dân trở lại. Một khởi đầu mới nhiệt huyết, nuôi dưỡng lửa nghề cũng từ đây.

Tôi nhớ, dịp đó khoảng tháng 10.2000. Trước đó, tờ báo có Tổng biên tập mới – chị Võ Mai Nhung. Tôi may mắn khi đặt chân đến số 13 Thụy Khuê lần này, tờ báo đã và đang “thay da đổi thịt”, đang được coi là hiện tượng đổi mới.  Nữ Tổng biên tập Mai Nhung dịu dàng nhưng quyết liệt, khao khát làm một điều gì đó lớn lao hơn cả cái tên của tờ báo. Và dưới chị, tôi không biết sức hút từ đâu chị đưa được cả một đội ngũ những nhà báo giỏi, về đầu quân, như các nhà báo Lê Thọ Bình, Lương Bích Ngọc, Kim Trung, Trần Việt Đức...

Đấy, lửa nghề trong tôi đã được nuôi dưỡng như thế. Cho tới giờ, khi đã chia tay NTNN 16 năm, nhưng những ngày được sống, làm nghề trong ngôi nhà NTNN là những ngày tháng không thể nào quên. Tôi đã nhận được quá nhiều từ ngôi nhà số 13 Thụy Khuê ấy.

Ngày đầu vừa đặt chân đến tọa soạn, anh Lê Anh Hoài đưa tôi đến gặp anh Lê Thọ Bình, anh hỏi dăm câu ba điều rồi gợi ý: “Hiện nhiều vấn đề của Đảng đang được bàn luận, hoàn thiện để chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ IX, trong đó vấn đề Đảng làm kinh tế đang gây bàn cãi. Cậu đi làm cho tôi bài về kinh tế Đảng, tuần sau nộp bài”. Tôi hiểu, đề tài anh giao cũng chính là để anh đo năng lực tôi. Tôi lặng lẽ đi làm, vướng đâu lại hỏi anh, anh chỉ bảo tận tình. Vì thú thật ngày đó khái niệm về Đảng cũng như bộ máy chính trị của Đảng, tôi còn rất mù mờ. Đúng tuần sau tôi nộp bài như đã hẹn, bài đăng trang trọng trên trang nhất, lại được hãng tin BBC lấy lại. Tôi vui lắm!

Ngày đó, ở trụ sở 13 Thụy Khuê cũng chỉ hơn ba chục người, anh em lớn bé sống hòa đồng, ấm áp như một gia đình. Lãnh đạo thì luôn biết thổi lửa cho phóng viên mỗi khi giao việc. Tôi nhớ mãi, mỗi lần giao đề tài khó cho chị Lương Bích Ngọc, anh Lê Thọ Bình đều nói: “Phi Bích Ngọc không ai làm được bài này”. Thỉnh thoảng anh cũng áp dụng cách này với tôi, dù biết anh “khích tướng” nhưng vẫn thấy vui. Nhận đề tài xong, tôi đều tìm mọi cách để làm bằng được.

Năm 2001, khi vụ án Năm Cam diễn ra, dư luận còn đang đồn đoán có sự liên quan của ông Phạm Sĩ Chiến - Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao. Anh Thọ Bình gọi tôi lên bảo: “Phi chú không ai làm được việc này”. Tôi hỏi việc gì, anh bảo “tại sao chú không gọi cho ông Chiến làm bài đối thoại luôn?”. Tôi bốc máy hẹn và thuyết phục, cuối cùng ông Chiến nhận lời. Tôi và anh lập tức lên đường, ngày hôm sau chỉ duy nhất Báo NTNN có bài đối thoại với ông Chiến. Bài đăng được vài hôm thì ông Chiến bị khởi tố vì liên quan đến Năm Cam.

Đấy, lửa nghề trong tôi đã được nuôi dưỡng như thế. Cho tới giờ, khi đã chia tay NTNN 16 năm, nhưng những ngày được sống, làm nghề trong ngôi nhà NTNN là những ngày tháng không thể nào quên. Tôi đã nhận được quá nhiều từ ngôi nhà số 13 Thụy Khuê ấy.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem