Lúa rẻ, nông dân khổ trăm bề

Thứ năm, ngày 23/02/2012 09:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước Tết giá lúa đã giảm, sau Tết giá giảm thêm khiến nông dân ĐBSCL như đứt ruột khi bán lúa. Nếu không có tác động từ phía Nhà nước, người trồng lúa sẽ khổ sở trăm bề...
Bình luận 0

Nông dân vào thế bí

Nông dân miền Tây đang muốn bán lúa để có chi phí lo sản xuất vụ mới. Tuy nhiên, giá lúa thường hiện tại chỉ dao động từ 4.600-5.100 đồng/kg (giảm 600 đồng/kg so với trước Tết), gạo lức từ 7.300-7.500 đồng/kg (giảm 700 đồng/kg), nếu bán ra thì lợi nhuận thấp, trả nợ vụ trước xong, không còn dư để tái sản xuất.

img
Giá lúa xuống thấp khiến người nông dân ĐBSCL không có nhiều lợi nhuận.

Anh Danh Lên ở ấp Bà Gồng, Ngan Dừa, Hồng Dân (Bạc Liêu), than: Giá rẻ cũng phải bán lúa. Vì không bán lúa biết lấy gì để lo sinh hoạt, ăn uống và lo phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vụ hè thu? Còn ông Trần Hòa ở xã Mỹ Quới, Thạnh Trị (Sóc Trăng), cũng vừa quyết định bán mấy chục giạ lúa để sửa lại ghe, mái nhà che mưa nắng. Ông Hòa cho biết: “Dân xứ này chỉ dựa vào lúa. Ai cũng mong lúa có giá để dễ thở hơn, nào dè giá tuột dốc, chờ hoài không thấy cải thiện nên đành bán lúa mà lòng xót lắm”.

Cánh thương lái thì cứ cho ghe nhỏ, thọt vào nông thôn mua cầm chừng, kềm giá dữ dội. Nông dân thấy giá thấp, mang xuồng chở lúa ra nhà máy, nơi đây cũng mua giá thấp không hơn gì hàng xáo. “Đành bán luôn cho rồi, chẳng lẽ chở về” - anh Hắc He (xã Tân Lộc, Thới Bình, Cà Mau) tâm sự.

Những hộ khá hơn, nắm bắt thông tin nhiều thì chưa vội bán lúa. Bà Nguyễn Thị Lượm (xã Lương Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre), bộc bạch: “Hơn 300 giạ lúa cứ nhốt bồ chờ giá mà tui hồi hộp. Tụt giá tiếp thì toi”. Nói thì nói vậy, nhưng bà vẫn hy vọng lớn vào chính sách mua tạm trữ của ngành lương thực.

Theo tính toán sơ bộ, vụ đông xuân này cả ĐBSCL sẽ thừa hơn 3 triệu tấn gạo hàng hoá. Việc tiêu thụ với mức giá có lãi đã khó, huống chi tình hình xuất khẩu chưa sáng, thì đầu ra hạt lúa vụ đông xuân sẽ còn bí bách. Nhiều địa phương mưa đã bắt đầu nặng hạt, điều đó đồng nghĩa với thời vụ gieo trồng đã áp sát, nông dân có bao thứ cần lo. Phân tích tình hình, chuyên gia Phạm Giang Nam (Đại học Bạc Liêu), đánh giá: Nhiều khả năng, một bộ phận không nhỏ nông dân sẽ bán đổ, bán tháo hết lúa với giá thấp vì thiếu thông tin và chờ nâng giá quá lâu.

Mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: Vụ đông xuân 2011-2012 đang kỳ thu hoạch, tập trung nhiều vào tháng 3 này. Tuy nhiên, do xuất khẩu bị chựng nên giá lúa gạo trong nước giảm, chưa biết lúc nào tăng trở lại nên VFA đã kiến nghị Chính phủ phê duyệt kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong 3 tháng, có bố trí thời gian cụ thể. Dự kiến VFA bắt đầu mua từ tháng 3, trùng thời điểm thu hoạch. Theo VFA, giá thành sản xuất lúa đông xuân khoảng 3.400 đồng/kg và mức giá đề xuất mua tạm trữ là 5.000 đồng/kg lúa khô.

Năm nay chi phí sản xuất lúa tăng cao, nên giá thành có nơi tới 4.000 đồng/kg. Do vậy, đề xuất giá mua tạm trữ ở mức 5.000 đồng/kg là thấp, mức lợi nhuận thuần của nông dân làm lúa sẽ dưới 30%.

Tuy nhiên, trên thực tế, do xuất khẩu chậm, nên hầu hết các kho chứa của các công ty lương thực khu vực miền Tây vẫn còn đầy ắp lúa. Và tại nhiều nơi, các doanh nghiệp đang thực hiện mua cầm chừng với mức giá thấp. Ông Lâm Định Quốc - Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, cho hay: Công ty còn đang chờ giao chỉ tiêu tạm trữ mới triển khai mua mạnh, còn hiện tại cũng tổ chức mua bình thường nhưng không nhiều.

Ông Ca Quốc Hận - Chủ tịch Hội ND Hồng Dân (Bạc Liêu), cũng sốt ruột: Nếu lệnh mua tạm trữ ban ra và tổ chức triển khai thực hiện, có lẽ khi đó, lúa đã nằm gọn vào kho của hàng xáo hay nhà máy. Mọi giao dịch bấy giờ là giữa công ty với các “chủ vựa” này, còn nhiều nông dân đã bán lúa với giá thấp hết rồi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem