Lửa thử vàng trên thị trường truyền hình trả tiền

Thứ tư, ngày 27/03/2013 06:30 AM (GMT+7)
Dân Việt - Điều gì khiến các doanh nghiệp viễn thông trở thành “cái gai” trong mắt các doanh nghiệp truyền hình mà họ cần nhổ bỏ trên thị trường truyền hình trả tiền.
Bình luận 0

Thị trường lớn đến đâu?

Số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp, lượng thuê bao truyền hình cáp, truyền hình IPTV và vệ tinh trên phạm vi toàn quốc ước tính khoảng 3,9 triệu thuê bao, doanh thu ước tính khoảng 4.000 tỉ đồng năm 2011. 

img
 

Với cơ cấu dân số trẻ và mới chủ có 4 triệu hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền vào năm 2009, Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh ngành công nghiệp này.

Các hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình có xu hướng giàu hơn và sẵn sàng chi trả cho các chương trình chất lượng hơn. Bất chấp suy thoái kinh tế, người dân vẫn mua nửa triệu tivi màn hình phẳng trong năm 2009, tăng 55% so với năm 2008.

PricewaterhouseCoopers cho rằng Việt Nam sẽ là thị trường của thế giới giải trí và phương tiện truyền thông phát triển nhanh nhất, dự kiến sẽ vượt qua 2 tỉ USD vào năm 2013. PwC cũng dự báo thị trường thuê bao truyền hình và lệ phí cấp giấy phép của Việt Nam sẽ tăng trưởng 25% mỗi năm, đạt 333 triệu USD vào năm 2013.

Các dấu hiệu rõ ràng, quảng cáo truyền hình vượt cả những dự báo lạc quan nhất, vượt 400 triệu USD năm 2008. Tổng thị trường quảng cáo hiện tại vượt qua 1 tỉ USD.

Những kẻ “ngáng đường”

Chiếm hơn 70% thị phần truyền hình trả tiền trong 9 năm phát triển tại Việt Nam, "những đứa con" của VTV (SCTV, VCTV, K+) đã tạo được đẳng cấp độc quyền trên thị trường. Với vốn “của nhà trồng được”, nội dung đã trở thành sức mạnh đặc biệt của các doanh nghiệp này.

Chính VTV cũng đã lên tiếng khẳng định khi đặt ra lo ngại các đơn vị viễn thông không có thế mạnh về sản xuất nội dung truyền hình - một yếu tố quyết định sự thành bại của dịch vụ truyền hình trả tiền. Điều này dễ gây ra lãng phí nguồn lực, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt là việc cạnh tranh bản quyền các giải thể thao, chương trình truyền hình nước ngoài.

Sức mạnh nội dung của các doanh nghiệp truyền hình hiện nay là điều không thể phủ nhận cộng với quãng thời gian 9 năm làm mưa làm gió trên thị trường truyền hình trả tiền, rõ ràng các ông lớn truyền hình đang giữ thế chủ động.

Nhưng với kinh nghiệm thương trường trong quá trình xây dựng thương hiệu trên thị trường viễn thông, thêm vào đó là sự vượt xa về ưu thế truyền dẫn, hơn ai hết doanh nghiệp viễn thông hiểu rõ họ là ai khi quyết định chủ động "tham chiến" vào lĩnh vực dịch vụ truyền hình.

Thực tế hiện nay những công ty truyền hình cáp như VCTV, SCTV.., đang là những đơn vị cung cấp dịch vụ lâu và sử dụng công nghệ cũ. Trong khi đó, Viettel, VNPT và FPT Telecom là đơn vị đi sau có điều kiện áp dụng công nghệ mới như truyền hình độ nét cao theo chuẩn HD và xem theo yêu cầu.

Sức mạnh hạ tầng của doanh nghiệp viễn thông là điều mà ai cũng thấy và doanh nghiệp truyền hình họ cũng thừa hiểu mối nguy hại của kẻ ngáng đường trên con đường tạo dựng sự độc quyền trên thị trường. Ra sức “ngăn sông cấm chợ” chỉ càng khiến dư luận thêm băn khoăn phải chăng trong "trận chiến" mang tên truyền hình trả tiền, vàng thật lại sợ lửa?

Mất thị phần chỉ là vấn đề thời gian?

Tên các doanh nghiệp viễn thông đang trở thành kẻ ngáng đường nguy hiểm nhất đối với các doanh nghiệp truyền hình khi thị trường truyền hình trả tiền được rộng mở. Viettel, VNPT, FPT.., đã có hệ thống hạ tầng rộng khắp phủ kín đến xã. Hạ tầng này đã sẵn sàng cho việc cung cấp dịch vụ truyền hình.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, khuyến khích doanh nghiệp tận dụng hạ tầng có sẵn của mình cung cấp đa dịch vụ trên đó, kể cả truyền hình cáp, vì công nghệ đã hội tụ trên hạ tầng mạng thì rõ ràng việc doanh nghiệp viễn thông tham gia truyền hình trả tiền, là điều cần khuyến khích.

Và khi doanh nghiệp viễn thông đã được "bật đèn xanh" thì việc những doanh nghiệp truyền hình cáp như VCTV, SCTV, HTV.., bị mất thị phần có lẽ vấn đề chỉ là thời gian. Khi miếng bánh lợi ích bị đe dọa thì người mất sẽ phải giữ bằng mọi giá. Những tranh cãi nảy lửa xung quanh chiếc bánh mang tên truyền hình trả tiền sẽ nhanh chấm dứt để nhường chỗ cho cuộc cạnh tranh giành người dùng dịch vụ.

Trích Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng đến năm 2020: Từng bước hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình trên cơ sở phân định rõ hoạt động về nội dung thông tin với hoạt động về truyền dẫn, phát sóng để đảm bảo thực hiện đúng cơ chế quản lý của Nhà nước. Hoạt động cung cấp nội dung thông tin, biên tập, sản xuất chương trình của các đài phát thanh, truyền hình thực hiện theo Luật Báo chí và quy hoạch phát thanh, truyền hình. Hoạt động truyền dẫn, phát sóng của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng thực hiện theo pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện và quy hoạch truyền dẫn, phát sóng. Có chính sách ưu đãi về tài chính và đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình số có điều kiện giảm giá cước thuê kênh, đồng thời có biện pháp quản lý, kiểm soát giá cước thuê kênh của các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế.…Hình thành các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình có cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phát sóng quy mô lớn, có khả năng cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng cho tất cả các đài phát thanh, truyền hình trên cả nước;
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem