Vốn có cơ sở nuôi cấy mô tạo ra giống hoa cúc cao cấp trồng trong nhà kính, năm 2003 nông dân Nguyễn Đăng Hiến đã cho mở rộng lên 200m2 để sản xuất thêm các nguồn giống khoai tây trồng ngoài trời.
Với kinh nghiệm của mình anh Hiến biết rõ, việc độc canh trồng hoa nhà kính mỗi năm phải xử lý hóa chất ít nhất một lần để diệt trừ mầm bệnh trong đất. Nhưng rồi đến năm thứ 4 thì việc xử lý hóa chất gần như không còn tác dụng nữa. Người làm vườn lại phải vận chuyển đất từ nơi khác về đổ lên nền đất cũ để trồng lứa hoa mới.
|
Giống khoai tây cấy mô trồng trong vườn ươm nhà kính. |
Theo ước tính của anh Hiến tới thời điểm này (8.2011), trung bình 1 sào đất trồng hoa phải mua thêm khoảng 30 triệu đồng tiền đất mới và 50 triệu tiền công vận chuyển về đắp đổ lên trên bề mặt. Cứ sau 3 năm người trồng phải đắp đổ một lần đất mới như vậy. Để khắc phục tình trạng này, nhiều người đã cải tạo đất trồng hoa bằng cách trồng luân canh các loại rau màu. Nhưng hiệu quả rất hạn chế.
"Có thể đưa giống khoai tây cấy mô trồng luân canh trong nhà kính với hoa cúc để cải tạo đất một cách tự nhiên hơn?” - anh trăn trở. Từ những giống khoai tây khỏe mạnh trồng ngoài trời hiện có, anh Hiến chọn mẫu về tự nghiên cứu, thực hành. Sau 6 tháng thử nghiệm, anh đã thu được thành công bước đầu.
Hiện anh Hiến đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo kết quả trồng thử nghiệm khoai tây luân canh với hoa cúc trong nhà kính lên Sở NNPTNT Lâm Đồng. Dự kiến, nếu kết quả kiểm tra thực tế của Sở đúng như công bố của anh thì ngay trong năm 2011 này, nông dân Đà Lạt sẽ chính thức được sử dụng giống khoai tây cấy mô trên luân canh trong nhà kính với các loại hoa cao cấp khác.
Theo tính toán của anh Hiến, trong vòng 6 tháng mùa mưa này, trồng 100m2 khoai tây nhà kính, thu được 4,8 tạ củ, tính với 1 sào đất thì năng suất là 4,8 tấn. Nếu so sánh với khoai tây trồng ngoài trời thì thời gian sinh trưởng dài hơn gấp đôi (khoảng 3 tháng), nhưng năng suất thì tăng hơn khoảng 1/3, còn so sánh với luân canh rau màu thì năng suất và giá trị kinh tế trồng khoai tây nhà kính đạt cao hơn nhiều.
Cũng theo anh Hiến, trồng khoai tây luân canh trong nhà kính với trồng hoa, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc công phu hơn. Cứ nửa tháng một lần, anh Hiến vun gốc cho khoai tây bằng giá thể xơ dừa và phân hữu cơ ủ hoai mục. Vun gốc đến tháng thứ 4, thứ 5 là cây đủ dinh dưỡng để phát triển trọng lượng và chất lượng của củ.
Vì trồng khoai tây luân canh chủ yếu trồng trong những tháng mùa mưa, tiết trời thường xuyên âm u nên quá trình chăm sóc cần thắp sáng hệ thống bóng điện để tạo ra độ sáng phù hợp cho khoai tây quang hợp, sinh trưởng tốt hơn. "Những kỹ thuật trồng khoai tây nhà kính như thế này với trình độ nông dân Thái Phiên thì việc chuyển giao sẽ dễ dàng, sẽ trồng có kết quả ngay từ vụ đầu…" - anh Hiến khẳng định.
Văn Việt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.