Quy định chặt chẽ để ngừa tham nhũng
Cụ thể, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 (thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13).
Thông tin từ TS. Đỗ Thành Trường - Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp - Văn phòng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết, đây là lần thứ tư Luật Phòng, chống tham nhũng được sửa đổi kể từ lần đầu được thông qua vào năm 2005, hướng đến nhiều mục tiêu, trong đó mục tiêu quan trọng là nhằm “tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng”.
So với Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung năm 2012, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 tăng thêm 3 chương và 4 điều luật (gồm 10 chương 96 điều luật).
Trong số những điểm mới, có một nội dung rất quan trọng là việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, được quy định chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Năm 2018 là một năm một loạt các đại án tham nhũng được cơ quan điều tra triệt phá, truy tố trước pháp luật.
Cụ thể, luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 (văn bản hợp nhất số 10/VBHN-VPQH ngày 12/12/2012) chỉ quy định về việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức tại một điều luật (Điều 43).
Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền quản lý có trách nhiệm thực hiện việc định kỳ chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại một số vị trí liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng.
Việc chuyển đổi vị trí công tác phải theo kế hoạch và được công khai trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc chuyển đổi vị trí công tác quy định nêu trên chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ quản lý.
Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ. Chính phủ ban hành Danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi.
Còn luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị tại mục 4, chương 2 với 3 điều luật cụ thể, gồm: Nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác (Điều 24); vị trí công tác và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi (Điều 25) và kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác (Điều 26).
Về nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác: Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền có trách nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ.
Việc chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải được thực hiện theo kế hoạch và được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.
Các quy định nêu trên cũng được áp dụng đối với những người sau đây mà không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, bao gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.
Những ai phải chuyển đổi vị trí công tác?
Về vị trí công tác và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi, theo quy định, người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác phải được chuyển đổi vị trí công tác.
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 2 năm đến 5 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí phải định kỳ chuyển đổi công tác mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù so với vị trí khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi vị trí công tác do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng người có chức vụ, quyền hạn đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi.
Định kỳ hằng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ. Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, trường hợp cụ thể phải chuyển đổi vị trí công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi, quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác và biện pháp tổ chức thực hiện.
Ảnh minh hoạ
Theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, về vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi theo quy định của đã có các quy định cụ thể.
Cụ thể, danh mục vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, gồm 2 nhóm công việc với 119 vị trí công tác, cụ thể:
- Quản lý ngân sách, tài sản trong cơ quan, đơn vị (Phân bổ ngân sách; kế toán; mua sắm công).
- Trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc (Tổ chức cán bộ; tài chính, ngân hàng; công thương; xây dựng; giao thông; y tế; văn hóa - thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn; đầu tư và ngoại giao; tư pháp; lao động - thương binh và xã hội; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; quốc phòng; công an; thanh tra và phòng, chống tham nhũng).
Theo quy đinh, cũng có 8 trường hợp cụ thể chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, gồm: Người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; người đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận;
người đang đi học tập trung từ 12 tháng trở lên, người đang biệt phái; phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi;
nam giới đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ mất hoặc trong trường hợp khách quan khác (đây là quy định mở, nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể xem xét áp dụng các trường hợp khách quan khác xảy ra trong thực tiễn chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.