Ngày 31.5.2003. Quốc hội thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Ngọc Đào đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Với khái niệm đất đai là sở hữu toàn dân và Nhà nước là chủ sở hữu thì Nhà nước là ai? Chủ sở hữu là ai?”.
Theo ông Đào, chế độ sở hữu này đã dẫn đến tình trạng “có rất nhiều Nhà nước trong một Nhà nước” khi xã, huyện, tỉnh, cấp nào cũng là Nhà nước, cũng được quyền giao đất, cho thuê đất dẫn đến tình trạng dân không biết Nhà nước nào giao đất cho mình”.
ĐBQH Dương Trung Quốc thì cho rằng “Quyền sở hữu toàn dân là một thứ hư quyền, là chẳng phải của ai cả. Trong khi đó, về lý thuyết, người dân chỉ có quyền sử dụng đất. Đó là một thứ quyền rất mỏng manh”. Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đề cập thẳng thắn tới việc: Không thể lẩn tránh vấn đề cơ bản trong Luật Đất đai là quyền sở hữu.
Nhưng tất cả những phát biểu đó là vô nghĩa khi về nguyên tắc, chế độ sở hữu đất đai trong luật không thể trái với Hiến pháp, đạo luật được coi là luật gốc, là luật mẹ của các luật.
Đa sở hữu đối với ruộng đất thực ra đã được đặt ra ngay trong bản dự thảo Hiến pháp 1980. Ông Vũ Mão - một cựu quan chức của Quốc hội khi trả lời câu hỏi “Vì sao” có sự thay đổi chế độ sở hữu đất đai kể từ bản Hiến pháp 1980, đã thừa nhận: “Khi đó xu hướng, nhận thức của chúng ta về xây dựng CNXH có “hơi quá” so với thực tiễn cuộc sống”.
Tới đầu những năm 90, khi Hiến pháp 1980 được sửa đổi, quan điểm này tiếp tục được đưa ra. Thậm chí ngay cả khi bản Hiến pháp 1992 không thừa nhận quyền tư hữu, thì Luật Đất đai 1993, đã có ra một thuật ngữ lạ “quyền sử dụng đất”.
Trao đổi với một nhà báo, ông Nguyễn Đình Lộc - nguyên Trưởng ban Biên tập Hiến pháp 1992, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp lý giải: "Lúc bấy giờ không ai có đủ dũng cảm đứng lên đòi bỏ sở hữu toàn dân, vì đó là một vấn đề nhạy cảm, đụng đến chủ nghĩa xã hội”.
Tuy nhiên, Luật Đất đai 1993 đã rất tiến bộ so với “luật mẹ” khi “lách hiến pháp” bằng cách giao 5 quyền đối với đất đai, trong đó có quyền chuyển nhượng, quyền thừa kế...
Cả ông Vũ Mão và ông Nguyễn Đình Lộc đều không giải thích rõ nhận thức “hơi quá” thực chất là gì. Tuy nhiên, nhận thức “hơi quá” đó đã dẫn đến một hình thức “sở hữu toàn dân” trong luật mẹ, “sở hữu nhà nước” trong Luật Đất đai, và “sở hữu vô chủ” trong thực tế.
Luật Đất đai, một bộ luật quan trọng liên quan đến gần 90 triệu dân, dù đã 4 lần sửa đổi, bổ sung (riêng Luật Đất đai 2003 có trên 400 văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện) vẫn chứa nhiều bất cập, xa lạ với thực tế. Một nguyên nhân không nhỏ của những bất cập là vì những nhập nhằng trong chế độ sở hữu.
Những bất cập mà nó đẻ ra đã được ĐBQH Nguyễn Đình Lộc nói tại Quốc hội năm 2003: Nhà nước không quản lý được giá đất khiến giá đất lên cơn sốt nhiều lần. Còn ĐB Nguyễn Thị Nga thì cho rằng: Nhà nước không bán đất nên đất không có giá. Nhà nước giao 7 quyền cho tổ chức, cá nhân sử dụng nhưng cần phải khẳng định rằng những quyền này không phải đối với đất mà là đối với quyền sử dụng đất.
Năm 2010, khi tổng kết thi hành Luật Đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên phát biểu, dù rào đón rằng đó chỉ là quan điểm cá nhân: “Tốt nhất là cho sở hữu tư nhân đất ở vì thực chất đã sở hữu tư nhân rồi mà ta cứ nói là sở hữu toàn dân, thành ra bao nhiêu chính sách ra không rõ!”.
Nhưng không thể sửa luật nếu như chế độ sở hữu đất đai trong “luật mẹ” chưa thay đổi.
Sau “vụ án Cống Rộc”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - GS Đặng Hùng Võ đã vạch ra những bất cập về việc giao đất có thời hạn, đại ý: 20 năm, 50 năm, hay 70 năm thì cũng vẫn dẫn tới việc hết thời hạn. Và vì thế, nếu không có sự thay đổi cơ bản về chế độ sở hữu, những “vụ án Cống Rộc” vẫn có thể xảy ra.
Đào Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.